Bạn đang ở đây

3 khâu đột phá - tiền đề cho phát triển

01/10/2015 07:23:41

Có thể nói, trong suốt 5 năm qua Yên Bái cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước gặp muôn vàn khó khăn, thị trường đầy biến động, giá cả nguyên vật liệu đầu vào, đầu ra bấp bênh, khí hậu thời tiết bất ổn, thiên tai, bão lũ xảy ra liên tục... Song, với sự chỉ đạo sát sao, nỗ lực của tỉnh, các cấp, các ngành và của toàn Đảng bộ đã làm nên những thành tựu quan trọng về tầm vóc mà còn hình tượng cho một “lợi thế”. Khó ai có thể tin nổi từ một tỉnh có nền công nghiệp “lạc hậu”, đến nay, giá trị sản xuất đã đạt trên 7.500 tỷ đồng, tăng gấp đôi năm 2010, tốc độ tăng trưởng hàng năm luôn đạt trên hai con số.

Những con số đó đã đẹp và vui, nhưng vui hơn là lần đầu tiên Yên Bái đã làm tốt công tác quy hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2010 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Song song với quy hoạch là xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển khá hoàn thiện, các khu, cụm công nghiệp như: Khu công nghiệp phía Nam, Minh Quân, Âu Lâu đã nằm trong hệ thống khu công nghiệp Quốc gia. Các huyện, thị, thành phố cũng hình thành và xây dựng các khu cụm công nghiệp như: Thịnh Hưng (Yên Bình), Yên Thế (Lục Yên), Hưng Khánh (Trấn Yên), Sơn Thịnh (Văn Chấn)... từ đó đã thu hút được hàng loạt doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn đến đầu tư đi vào sản xuất.

Bên cạnh đó, Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi về thuế, về đất, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là các cấp, các ngành luôn lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn và đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong 5 năm qua hàng loạt các dự án lớn đã khởi công và đi vào hoạt động như: Các nhà máy thủy điện, nhà máy khai thác và chế biến khoáng sản, 4 nhà máy may xuất khẩu... với tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng đi vào sản xuất không chỉ tăng thêm năng lực sản xuất công nghiệp, đóng góp cho ngân sách mà còn góp phần giải quyết một lượng lớn lao động tại địa phương. Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực và đúng hướng, giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến và tỷ trọng ngành sản xuất, phân phối điện nước.

Nhà máy May Dea sung Hàn Quốc tại cụm Công nghiệp Thịnh Hưng (Yên Bình) mới được đầu tư giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Công nghiệp phát triển, hạ tầng cơ sở phát triển không ngừng, hàng loạt các công trình phúc lợi xã hội, công trình quốc kế dân sinh được đầu tư xây dựng mới đáp ứng cho phát triển, phục vụ đời sống nhân dân. Bệnh viện 500 giường quy mô hiện đại bậc nhất với tổng vốn đầu tư trên 52 triệu USD đang hoàn thiện các hạng mục cuối cùng để đưa vào sử dụng. Các tuyến đường như: Hoàng Thi (Yên Bình), đường tránh ngập thành phố Yên Bái, đường Yên Bái - Khe Sang... đều đã thông tuyến và đưa vào sử dụng hiệu quả. Và vừa mới đây, để chào mừng 70 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh và Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XVIII nhiệm kỳ 2015 – 2020, Yên Bái đã khởi công xây dựng cây cầu Tuần Quán với tổng vốn đầu tư trên 674 tỷ đồng -  là cây cầu thứ 3 trên địa bàn thành phố và cũng là cây cầu thứ 5 bắc qua sông Hồng trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Đề án xây dựng và phát triển giao thông nông thôn, trong 5 năm qua (2010 - 2014) toàn tỉnh đã huy động được 2.484 tỷ đồng xây dựng giao thông nông thôn, trong đó nhân dân các dân tộc trong tỉnh đóng góp 595 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn khác. Từ các nguồn vốn này toàn tỉnh đã thực hiện kiên cố hóa trên 463km/ 420km, đạt trên 110% so với kế hoạch; mở mới, mở rộng đường đất trên 966km/ 825km, đạt trên 117% kế hoạch và xây dựng 42 cầu bê tông, 19 cầu treo và 26 ngầm tràn các loại. Huyết mạch giao thông đồng bộ mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển kinh tế nội vùng, ngoại vùng và liên kết vùng.

Song hành cùng sự phát triển công nghiệp, cơ sở hạ tầng thì nguồn nhân lực cũng có sự phát triển tích cực, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người lao động từng bước được nâng lên. Các trung tâm dạy nghề tuyến huyện, tuyến tỉnh được xây dựng đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề cho công nghiệp, cho lao động nông thôn... đào tạo ngắn hạn, sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nghề. Ngoài ra, Yên Bái còn đào tạo theo tín chỉ của doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác...

Nếu như thời kỳ 2005 - 2010 tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt 25% thì giai đoạn 2010 - 2015 đã đào tạo nghề cho trên 44.360 lượt người, tỷ lệ lao động qua đào tạo đã đạt 45% vào năm 2015. Có thể nói, đến nay Yên Bái có nguồn nhân lực mạnh về thể chất, tốt về thể lực vững về tay nghề đáp ứng cho nhu cầu sản xuất và phát triển. Nhân lực nông thôn đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới; cán bộ hệ thống chính trị; đội ngũ giảng viên, giáo viên; lao động kỹ thuật có trình độ cao ngày một mạnh, làm chủ công nghệ tiên tiến hiện đại.

Hôm nay Yên Bái vẫn còn những khó khăn, nhưng với những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 và những định hướng phát triển của tỉnh đó là nền tảng quan trọng để xây dựng Yên Bái phát triển toàn diện, bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.

Theo YBĐT