Bạn đang ở đây

10 sự kiện tiêu biểu ngành Công Thương năm 2015

04/01/2016 14:12:50

1. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao nhất so với mức tăng trong 5 năm 2011-2015

Năm 2015, sản xuất công nghiệp tăng trưởng ấn tượng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,8%, cao hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ của các năm gần đây, tăng 2 điểm % so với kết hoạch (7,8%).

 

Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cường cao hơn tốc độ tăng trưởng chung (tăng 10,6%), đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng của ngành; ngành khai khoáng mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng so với sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành, sản xuất giữ được ổn định; nhóm mặt hàng cơ khí tăng trưởng khá là dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp hỗ trợ bắt đầu xu hướng phát triển.

Tình hình tiêu thụ và tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt những kết quả khả quan so với năm 2014. Chỉ số tiêu thụ tăng so với cùng kỳ. Tồn kho sản phẩm, tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2015 đac có chuyển biến tích cực, chỉ số tồn kho tại thời điểm các tháng trong năm duy trì ở mức thấp hơn so với cùng kỳ (ở mức 9,5%).

2. Ký kết các Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á – Âu, Hàn Quốc; Ký Hiệp định thương mại biên giới với Lào; Kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu

Ngày 05 tháng 5 năm 2015, Việt Nam và Hàn Quốc chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) tại Hà Nội. Sau khi Hiệp định được ký kết, hai Bên đã khẩn trương triển khai thủ tục phê duyệt nội bộ tại mỗi nước. Ngày 16 tháng 12 năm 2015, Bộ Ngoại giao hai nước đã trao đổi công hàm về ngày hiệu lực của Hiệp định VKFTA, theo đó thống nhất Hiệp định VKFTA chính thức có hiệu lực vào ngày 20 tháng 12 năm 2015.

Ngày 29 tháng 5 năm 2015, Hiệp định Thương mại tự do giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bên kia là Liên minh Kinh tế Á – Âu và các nước thành viên (Việt Nam - EAEU FTA) đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ban Thường trực và Thủ tướng các quốc gia thành viên Liên minh Kinh tế Á – Âu ký kết ở cấp Nhà nước tại thị trấn Burabay, Cộng hòa Kazakhtan.

 

Chiều ngày 27/6, tại Thị xã Cửa Lò (Nghệ An) đã diễn ra Lễ ký Hiệp định Thương mại biên giới giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào. Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào gồm 23 Điều, là cơ sở pháp lý, tạo cơ hội tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và dịch vụ hỗ trợ thương mại tại khu vực biên giới, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Lào.

3. Kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP

Ngày 18/11/2015, các nhà Lãnh đạo của Ốt-xtrây-li-a, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Niu Di-lân, Pê-ru, Xinh-ga-po, Hoa Kỳ và Việt Nam gặp nhau để đánh dấu việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

 

Theo tuyên bố chung sau cuộc họp Lãnh đạo các nước TPP diễn ra bên lề Hội nghị cấp cao APEC ở Manila, Phi-líp-pin, Lãnh đạo các nước TPP khẳng định: "Sau hơn 5 năm đàm phán, các nước TPP đã đạt được mục tiêu đề ra vào năm 2011, đó là, thiết lập một Hiệp định khu vực toàn diện và cân bằng – một Hiệp định trải dài khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm 3 lục địa và tạo ra một thị trường rộng lớn với 800 triệu dân, v.v... Toàn văn Hiệp định TPP đã sẵn sàng cho việc rà soát và xem xét trước khi được ký kết. Chúng tôi mong sắp tới sẽ ký kết để nhanh chóng xem xét và thông qua Hiệp định TPP theo đúng thủ tục nội bộ ở mỗi nước thành viên. Tiếp đó, chúng tôi sẽ tập trung thực thi đầy đủ Hiệp định để những người tiêu dùng, những người công nhân, nông dân và các doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, có thể gặt hái các lợi ích của Hiệp định càng sớm càng tốt cũng như được hưởng một tương lai tốt đẹp hơn mà Hiệp định TPP đem lại".

4. Phát điện tổ máy số 1 Nhà máy Thủy điện lai Châu, sớm hơn 3 tháng so với tiến độ

Vào hồi 20 giờ 20 phút, ngày 14/12 /2015, tổ máy số 1 công trình thủy điện Lai Châu có công suất 400 MW đã hoà điện lần đầu thành công vào lưới điện Quốc gia, sớm hơn 3 tháng so với tiến độ.

Dự án Nhà máy Thủy điện Lai Châu do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, được xây dựng ở bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà, bậc trên của thủy điện Sơn La. Nhà máy Thủy điện Lai Châu gồm 3 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200 MW (3x400), mỗi năm Nhà máy sẽ cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 4.670,8 triệu kWh.

 

Đây là công trình thủy điện không những có vai trò quan trọng trong việc phát điện, cấp nước cho đồng bằng sông Hồng về mùa khô mà còn tạo cơ hội phát triển - kinh tế xã hội hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc. Việc hòa điện lần đầu tổ máy số 1 Nhà máy Thủy điện Lai Châu vào lưới điện quốc gia ở thời điểm này có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu mốc tiến độ mà dự án đã đạt được và dự kiến mở ra một mốc tiến độ không kém phần quan trọng đó là hoàn thành toàn bộ công trình vào năm 2016 sớm hơn so với tiến độ được phê duyệt một năm.

5. Khánh thành Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai

Sáng 7/11, Nhà máy sản xuất phân bón Diamon Phốt-Phát (DAP) số 2, có công suất 330.000 tấn/năm đã được khánh thành tại khu công nghiệp Tằng Loỏng, tỉnh Lào Cai.

 

Dự án có quy mô công trình công nghiệp hoá chất cấp 2 quốc gia, tổng mức đầu tư gần 5.200 tỷ đồng. Năng lực sản xuất hàng năm là 330.000 tấn phân bón diamon phốt phát và các sản phẩm khác gồm 420.000 tấn axit sulfuric đậm đặc và 162.000 tấn axit photphoric.

Nhà máy DAP số 2 đi vào hoạt động sẽ cùng Nhà máy số 1 ở Đình Vũ - Hải Phòng đáp ứng 2/3 nhu cầu DAP của cả nước, giảm lượng nhập khẩu phân bón từ nước ngoài, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

6. Tăng cường tính công khai, minh bạch trong điều hành xăng dầu

Năm 2015 được xem là năm đầu tiên thực hiện thành công Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, qua đó đã góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch trong điều hành xăng dầu, bảo đảm nguyên tắc vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.

 

Sau khi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP có hiệu lực, Bộ Công Thương đã cung cấp công khai, đầy đủ thông tin về việc điều hành kinh doanh xăng dầu tại các kỳ điều chỉnh thông qua Chuyên trang Công khai minh bạch hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương tại địa chỉ http://minhbach.moit.gov.vn/

7. Lễ đón dòng dầu thương mại đầu tiên từ mỏ Bir Seba – lô 433A & 416B, Algeria sau 12 năm triển khai dự án

Tối 11/12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), đơn vị chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đã tổ chức Lễ đón dòng dầu thương mại đầu tiên từ mỏ Bir Seba – lô 433A & 416B, Algeria sau 12 năm triển khai dự án.

 

Dự án được đánh giá có tổng trữ lượng khoảng 1 tỷ thùng dầu. Giai đoạn 1 sẽ cho sản lượng khai thác 20.000 thùng dầu/ngày từ 13 giếng khoan. Dự kiến giai đoạn 2 sẽ được hoàn thành vào năm 2019, nâng tổng công suất của dự án lên mức 40.000 thùng dầu/ngày. Trong giai đoạn vận hành thử thời gian qua, dự án đã tiến hành khai thác được 4 giếng: BRS-6, BRS-9, BRS12, BRS14 thuộc trạm thu gom dầu số 1. Dự kiến PVEP sẽ xuất bán chuyến dầu đầu tiên vào ngày 24/12 với khối lượng 230.000 thùng.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã biểu dương những nỗ lực của tập thể triển khai dự án tại Algeria và nhấn mạnh, sự kiện mỏ Bir Seba đón dòng dầu đầu tiên chính là lời khẳng định về sự vượt khó của ngành dầu khí Việt Nam trong thời điểm khó khăn hiện tại, góp phần gia tăng sản lượng khai thác dầu khí, bù đắp cho những mỏ trong nước đã ở giai đoạn sụt giảm sản lượng, mang lại ngoại tệ cho đất nước.

8. Đại hội Thi đua yêu nước ngành Công Thương lần thứ II: Tôn vinh những tấm gương tiêu biểu ngành Công Thương

Ngày 19/9/2015, Đại hội Thi đua yêu nước ngành Công Thương lần thứ II đã long trọng diễn ra tại Hà Nội nhằm tôn vinh những tấm gương tiêu biểu là Anh hùng Lao động, Chiến sỹ thi đua, tập thể điển hình tiên tiến và cá nhân xuất sắc, đại diện cho đông đảo các tầng lớp lao động ngành Công Thương từ khắp mọi miền tổ quốc.

 

Hàng năm, Bộ Công Thương lấy ngày 14 tháng 5, ngày truyền thống của Ngành là dịp để đánh giá kết quả thi đua và biểu dương thành tích cho các tập thể và cá nhân trong toàn Ngành. Trong 5 năm qua, theo thống kê của Công đoàn Công Thương Việt Nam, toàn Ngành đã có trên 100.000 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, làm lợi hơn 20.000 tỷ đổng; nhiều sáng kiến giải pháp không tính được bằng tiền nhưng có ý nghĩa lớn về mặt xã hội. Toàn ngành Công Thương đã được Chính phủ và Nhà nước tặng thưởng: 12 Anh hùng lao động (11 tập thể, 1 cá nhân), 207 đơn vị được nhận Cờ thi đua của Chính phủ, 954 đơn vị được nhận Cờ thi đua của Bộ, 48 Chiến sỹ thi đua toàn quốc, 16 Nghệ nhân Ưu tú, 5 Nhà giáo Nhân dân, 492 tập thể và cá nhân được tặng thưởng từ Huân chương lao động đến Huân chương độc lập, 1.633 tập thể và cá nhân được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, v.v...

Với tinh thần “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, tại Đại hội, ông Lý Quốc Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam đã phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Ngành giai đoạn 2016 – 2020, kêu gọi các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương hăng hái thi đua, góp phần đưa ngành Công Thương vươn đến tầm cao mới, xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

9. Hạ thuỷ giàn khoan Tam đảo 05 - Công trình trọng điểm nhà nước về cơ khí

Ngày 13/12, tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã diễn ra lễ Hạ thủy thành công Giàn khoan tự nâng 120 mét nước (Tam Đảo 05).

Đây là dự án cơ khí chế tạo trọng điểm quốc gia do Liên doanh Việt- Nga Vietsov-Petro làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) làm tổng thầu.

 

Đối với dự án Tam Đảo 05, đội ngũ cán bộ, kỹ thuật, kỹ sư của PV Shipyard đã tự thiết kế chi tiết đến mua sắm, thi công lắp đặt với tỉ lệ nội địa lên tới 46%, giúp khẳng định được vị thế của Việt Nam trong đóng mới, chế tạo giàn khoan trên trường quốc tế.

Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 được thiết kế theo mẫu Hoa Kỳ với tổng trọng lượng 18.000 tấn, có khả năng khoan tới mỏ dầu khí có độ sâu 9.000 mét, là giàn lớn nhất từ trước tới nay. Giàn có khả năng chất tải tới gần 3.000 tấn và hoạt động an toàn trong điều kiện bão trên cấp 12. Tam Đảo 05 có tổng giá trị 230 triệu USD được khởi công chế tạo từ tháng 3/2014.

10. Cơ bản kết thúc cổ phần hoá các Tổng công ty, Công ty thuộc ngành Công Thương

Sáng ngày 24/12/2015, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương giai đoạn 2011 – 2015, kế hoạch 2016 -2020. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chủ trì Hội nghị.

 

Theo báo cáo tại Hội nghị, đối với kế hoạch sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương, tính đến tháng 12 năm 2015, Bộ đã hoàn thành công tác sắp xếp, cổ phần hóa 15 doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, Bộ Công Thương đã giải quyết chế độ, chính sách lao động dôi dư cho hơn 300 lao động ở các doanh nghiệp cổ phần hóa trực thuộc Bộ. Đồng thời, bán cổ phần ưu đãi cho người lao động với số lượng khoảng trên 3,96 triệu cổ phần và số cổ phần bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn khoảng trên 73.000 cổ phần.

Từ những vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu, thoái vốn và cổ phần hóa được trình bày tại Hội nghị tổng kết, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, Bộ sẽ tiếp thu và có phương hướng cụ thể, tìm ra những giải pháp thực hiện kế hoạch của năm 2015 cũng như giai đoạn 2016-2020. Bộ trưởng yêu cầu trong năm tới, các doanh nghiệp đã cổ phần hóa phải thực hiện tốt các phương án thoái vốn, thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Theo Bộ Công Thương