Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES), Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng các mặt hàng gỗ Việt Nam, chủ yếu là sản phẩm thô. Bình quân mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn dăm gỗ khô sang Trung Quốc, tương đương 8 triệu m3 gỗ quy tròn, khoảng 70% là gỗ keo, còn lại là gỗ bạch đàn, một số loại gỗ khác.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2015, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc gần 965,8 triệu USD gỗ và sản phẩm gỗ, tăng gần 121 triệu USD so với năm 2014; 11 tháng đầu năm 2016 xuất 903,4 triệu USD.
Đặc biệt, xuất khẩu gỗ cao su sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2016, lượng gỗ cao su xẻ xuất khẩu sang Trung Quốc lớn gấp 1,4 lần cả năm 2015.
Thực tế, từ giữa năm 2016, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã sang Việt Nam lập hệ thống thu mua gỗ cao su, keo, tràm từ miền Nam ra đến miền Trung, đặc biệt ở Tây Nguyên, tạo sức ép rất lớn cho các doanh nghiệp gỗ Việt. Một số doanh nghiệp trong VIFORES phản ánh: Có tới 90% lượng gỗ cao su nguyên liệu tại Tây Nguyên đã bị các công ty Trung Quốc mua dưới hình thức thuê người dân mua gỗ, trả ngay hoặc ứng trước bằng tiền mặt, đặt xưởng xẻ gỗ ngay tại địa phương. Từ tháng 9/2016 tới nay, giá gỗ cao su ở các khu vực này đã tăng tới 20 - 30%, giá nhiều loại gỗ khác cũng tăng tới 20%...
Trước thực trạng đó, các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt như “ngồi trên đống lửa”, cuộc chiến cạnh tranh mua bán gỗ nguyên liệu khốc liệt đã nhãn tiền. Câu chuyện doanh nghiệp Trung Quốc luôn thắng trong cạnh tranh mua bán hàng hóa nông, thủy sản ngay tại thị trường Việt Nam phải chăng lại tiếp diễn với gỗ nguyên liệu?
Nhiều doanh nghiệp gỗ kiến nghị: Các cơ quan quản lý cần nhanh chóng xem xét việc đầu tư của các doanh nghiệp gỗ Trung Quốc tại Việt Nam và có những giải pháp hợp lý nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực cho doanh nghiệp gỗ Việt.
Nguồn: Báo Công Thương