Như vậy, tính trung bình mỗi người Việt Nam trong năm 2017 chi hơn 56 USD tiền thuốc, tương đương với 1,3 triệu đồng. Những năm trở lại đây, chi tiêu bình quân đầu người dành cho thuốc tại Việt Nam đã tăng dần từ 9,85 USD trong năm 2005 lên đến 22,25 USD trong năm 2010 và con số này tăng gần gấp đôi vào năm 2015, với 37,97 USD. Mức tăng trưởng trung bình về chi tiêu thuốc hàng năm đạt 14,6% trong giai đoạn 2010-2015 và duy trì ở mức tăng ít nhất 14%/năm cho tới năm 2025. Dược phẩm được đánh giá là thị trường hết sức tiềm năng, thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại, các tập đoàn quốc gia trên thế giới, thậm chí cả những nhà đầu tư trong nước hoạt động ngoài ngành.
Ngành dược với sự vào cuộc của các ông lớn trên thị trường bán lẻ
Trong vòng 2 năm trở lại đây, các công ty dược trong nước đã mạnh tay đầu tư nhà máy mới, thay đổi cung cách quản trị để thích ứng với sự chuyển động trên thị trường. Nhưng từ năm 2017, cuộc đua sẽ bước sang một giai đoạn mới, cạnh tranh quyết liệt và bài bản hơn. Bối cảnh của “mảnh đất phù du” ngành dược được đã thay đổi mạnh mẽ với sự tham gia của những ông lớn trên thị trường bán lẻ, phân phối như Thế giới di động, FPT Retail, Digiworld, Nguyễn Kim. Bên cạnh đó, sự gia nhập ồ ạt của các tập đoàn dược phẩm nước ngoài vào khâu sản xuất tại Việt Nam như Sanofi, Taisho, Abbott… cũng đang tạo ra áp lực khá lớn với các doanh nghiệp dược trong nước. Mức độ cạnh tranh thị trường dược trong năm qua diễn ra khốc liệt hơn trên hầu hết các phân khúc thị trường.
90% dược phẩm được nhập khẩu
Dược phẩm trong nước đã và đang diễn ra sôi động với hàng trăm hãng dược cạnh tranh, và hàng ngàn sản phẩm được tung ra thị trường. Tuy nhiên, khi xem xét lại về nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm dược được ưa chuộng trên thì chủ yếu có xuất xứ từ nước ngoài. Khoảng 90% dược phẩm trong nước là được nhập khẩu. Chi nhập khẩu dược phẩm liên tục gia tăng trong những năm qua. Cụ thể năm 2017 theo Vibiz.vn tổng hợp, giá trị nhập khẩu xấp xỉ đạt 2,9 tỷ USD (tăng 10% so với năm 2016).
Pháp, Đức và Ấn Độ là 3 thị tường chủ lực xuất khẩu dược phẩm sang Việt Nam với tỷ trọng lần lượt đạt 342 triệu USD, 315 triệu USD và 283 triệu USD trong năm 2017, tương tăng ứng 6,3%, 40,1% và 2,61% so với cùng kỳ năm 2016. Điều đáng lưu ý, với mức độ tăng trưởng 40,1% về kim ngạch nhập khẩu, đã đưa nước Đức từ vị trí thứ 3 trong năm 2016 vươn lên đứng thứ 2 trong năm 2017. Bên cạnh đó, tuy kim ngạch nhập khẩu dược phẩm từ Nga không cao, nhưng giai đoạn 2016 - 2017, Nga có tốc tăng trưởng vượt trội, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu dược phẩm chưa phát triển hết tiềm năng
Thời gian tới, ngành Dược Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 2 con số nhưng xu hướng tăng chậm lại. Bên cạnh đó, với tiến trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam thông qua các hiệp định thương mại, các công ty dược phẩm trong nước sẽ đối diện với sức ép cạnh tranh lớn hơn từ các công ty nước ngoài do việc cắt giảm các hàng rào bảo hộ, đặc biệt trong bối cảnh động lực phát triển chính của ngành vẫn là các chính sách bảo hộ của nhà nước như hiện nay. Tuy nhiên, dược phẩm trong nước lại có lợi thế hơn so với sản phẩm ngoại về giá cả, khi nguồn lao động dồi dào, giá nhân công thấp, khiến dược phẩm Việt Nam không bị đè nặng vấn đề về giá. Đây cũng là một điểm cộng cho ngành dược trong giai đoạn phát triển này.
Theo Vibiz.vn tổng hợp, năm 2017, trong khi kim ngạch nhập khẩu dược phẩm Việt Nam năm xấp xỉ đạt 2,9 tỷ USD thì kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt khoảng 3% giá trị nhập khẩu (87 triệu USD). Các thị trường xuất khẩu chính là: các nước châu Phi và các nước láng giềng như Myanma, Philippines, Campuchia…
Tương lai ngành dược đi về đâu
Nhập khẩu dược phẩm của Việt Nam đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2017, chi nhập khẩu dược phẩm tăng 10% so với cùng kì năm 2016, trong khi xuất khẩu vẫn chững lại ở con số khiêm tốn. Với điều kiện hiện tại, Việt Nam được xếp vào nhóm 3 trên bản đồ dược thế giới, thuộc nhóm 17 nước có ngành công nghiệp dược đang phát triển (pharmerging countries). Nguyên nhân đến từ việc không đủ tiềm lực tự phát minh thuốc mới và chỉ một số ít doanh nghiệp có công nghệ tiếp cận với các tiêu chuẩn cao EU - GMP hay PIC/S.
Từ thực trạng này, gần 55% nhu cầu dược phẩm trong nước phải đáp ứng bằng nguồn nhập khẩu, trong đó phải kể đến một lượng lớn là các loại biệt dược - thuốc có bản quyền phát minh (patent drug), với giá thành đắt đỏ do không thể sản xuất trong nước. Các sản phẩm biệt dược được nhập khẩu chủ yếu từ 3 nước Pháp, Đức và Mỹ, còn ở các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc là các sản phẩm thuốc giá rẻ.
Mức tăng trưởng ngành dược phẩm Việt Nam đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Tốc độ tăng trưởng trên đạt được là nhờ dân số tăng trưởng nhanh cùng với thu nhập bình quân cải thiện, sự quan tâm chăm sóc sức khỏe tăng lên. Từ năm 2017, Việt Nam bắt đầu bước qua giai đoạn “hậu dân số vàng”. Đến năm 2050, dự đoán có tới 21% dân số Việt Nam trên 65 tuổi, số năm bệnh tật và số loại bệnh trung bình mắc phải của người già đang gia tăng nhanh chóng, nhu cầu dược phẩm trong các năm tới luôn tăng. Từ đó, thị trường dược phẩm Việt Nam năm 2018 được dược dự báo là còn nhiều tiềm năng phát triển.
Với thế mạnh là nhà cung cấp hàng đầu những phân tích và dự báo chuyên sâu về ngành dược phẩm và thực phẩm chức năng, chuyên trang cơ sở dữ liệu về các ngành kinh tế và kinh doanh. Vibiz.vn phối hợp cùng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đưa ra báo cáo về doanh nghiệp xuất nhập khẩu dược phẩm và thực phẩm chức năng 2017. Nội dung cung cấp trong báo cáo đa dạng, toàn diện từ tình hình xuất nhập khẩu chung (kim ngạch, mặt hàng, thị trường, top các doanh nghiệp xuất nhập khẩu), đến chi tiết xuất nhập khẩu từng chủng loại dược phẩm và thực phẩm chức năng (thị trường xuất nhập khẩu, top doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo chủng loại), đồng thời kết hợp đi sâu phân tích những thuận lợi, khó khăn, cơ hội phát triển của ngành dược phẩm nói chung. |
Nguồn: Báo Công thương