Bạn đang ở đây

Tràn lan sản phẩm không tem nhãn phụ được rao bán công khai trên Shopee

27/02/2023 08:28:37

Bất chấp quy định về hàng hoá có xuất xứ nước ngoài được tiêu thụ tại TTTN, vô vàn sản phẩm trên sàn Shopee đều không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Hiện nay, tình trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, không có hoá đơn chứng từ và không rõ nguồn gốc xuất xứ đang được rao bán công khai trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Tràn lan sản phẩm không tem nhãn phụ được rao bán công khai trên Shopee

 

Trong bài viết "Hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên nền tảng Tiktok" và "Tiktok đang đánh đổi rủi ro của người tiêu dùng để lấy doanh thu "khủng"?", Báo Đại biểu Nhân Dân đã nêu lên vấn nạn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng trên Tiktok shop.

Ở Việt Nam, một ứng dụng mua sắm hàng hóa được nhiều người sử dụng là sàn TMĐT Shopee, chỉ với một từ khoá "thực phẩm chức năng" hoặc "collagen", người dùng sẽ nhận được vô số kết quả với đa dạng mẫu mã và các mức giá kèm ưu đãi khác nhau của mỗi cửa hàng. Với dòng sản phẩm này, người bán dùng những lời chào hàng "có cánh", cam kết sử dụng hiệu quả nhằm đánh trúng tâm lý sính ngoại của người dùng để tiêu thụ hàng hoá.

Đáng chú ý, sản phẩm có xuất xứ từ Hàn Quốc hay các nước châu Âu thường dễ "lấy lòng" người tiêu dùng hơn các sản phẩm trong nước. Tuy nhiên, chính bản thân người tiêu dùng cũng không biết những sản phẩm đó có thật sự là được nhập khẩu từ nước ngoài hay không. Bởi lẽ, khi mua hàng trên Shopee, người tiêu dùng mua hàng dựa trên lòng tin bằng cách nhìn số lượng hàng đã bán và những đánh giá 5 sao về sản phẩm.

Hàng loạt sản phẩm không có tem nhãn phụ được rao bán công khai trên Shopee -0
Hộp collagen Hàn Quốc phóng viên mua không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt. Ảnh: PV

 

Thực tế cho thấy, phần lớn sản phẩm được quảng cáo có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài khi về tay người tiêu dùng đều không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Trong vai là người mua hàng trên Shopee, phóng viên đặt mua một hộp collagen bột lựu đỏ nhuỵ hoa nghệ tây với giá 119.900 đồng của một shop có tiếng là hàng Hàn Quốc xách tay.

Theo mô tả trên Shopee, sản phẩm này có công dụng giúp da săn chắc, căng bóng, tăng độ đàn hồi cho da; phục hồi và nuôi dưỡng da; chống lão hoá; giảm mỡ thừa hiệu quả; xua tan mệt mỏi, căng thẳng.

Quảng cáo là vậy nhưng khi nhận được hàng, sản phẩm hoàn toàn không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt nên không thể biết được công dụng, thành phần, xuất xứ. Thậm chí, tem chống hàng giả của cơ quan chức năng hay bất cứ lời khẳng định nào của cửa hàng về chất lượng sản phẩm cũng không có. Trong trường hợp sử dụng có bất cứ vấn đề gì, người mua hàng sẽ phải tự chịu trách nhiệm.

Chưa dừng lại ở đó, nhiều mặt hàng được quảng cáo là mỹ phẩm nội địa Trung cũng không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt. Chính vì vậy mà người tiêu dùng không biết được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm cũng như cách sử dụng, ngày sản xuất và hết hạn. Đáng nói, những sản phẩm này cũng được quảng cáo là hàng xách tay hoặc tự order (người bán tự đặt hàng trên một số website của Trung Quốc như Taobao, Tmall, 1688,...) về mà không thông qua đơn vị trung gian, không bị mất phí cao.

Giống với những sàn TMĐT hay các nền tảng mạng xã hội khác, mặc dù đề ra những chính sách nhằm hướng đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng Shopee vẫn để tình trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng được lưu thông trên sàn diễn ra trong suốt thời gian dài. Chỉ với một lời khẳng định "hàng xách tay" nên những mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài được mặc định là không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Hàng loạt sản phẩm không có tem nhãn phụ được rao bán công khai trên Shopee -0

Rất nhiều sản phẩm được rao bán trên Shopee được gán mác hàng xách tay. Ảnh: PV

 

Câu hỏi đặt ra ở đây là Shopee "cố tình" buông lỏng cho số lượng lớn các gian hàng nhằm trục lợi tăng doanh thu từ rủi ro của người dùng hay người bán "quên" dán tem nhãn phụ cho sản phẩm? Đại diện Shopee đã rất nhiều lần đưa ra ý kiến về hàng hoá được bán trên sàn nhưng cho đến nay, thực trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn được rao bán công khai. Điều này dẫn đến việc Shopee không đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, nếu đối chiếu với quy định pháp luật hiện hành về hàng hóa, theo quy định tại Điều 192 quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả; Điều 193, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Điều 194, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Điều 195, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi. Tuỳ vào mức độ, người vi phạm có thể bị phạt tù thấp nhất là 1 năm, cao nhất là 15 năm tù.

Ngoài ra nếu có hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để lừa đảo trong thương mại điện tử có thể bị xử lý theo Điều 290 Bộ luật Hình sự về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Nghị định số 111/2021/NĐ-CP quy định nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Cụ thể, đối với các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam thì nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt: (1) Tên hàng hóa; (2) tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; (3) xuất xứ hàng hóa, nếu không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa; (4) các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định và quy định pháp luật liên quan.

Đối với hàng hóa nhập khẩu, sau khi thực hiện thủ tục thông quan và chuyển về kho lưu giữ thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải thực hiện việc bổ sung nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt theo quy định trước khi đưa hàng hóa vào lưu thông tại thị thường Việt Nam.

Vấn nạn chống hàng giả, hàng nhái, hàng không nguồn gốc xuất xứ tránh nhiệm không của riêng ai. Các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp kiểm tra đồng bộ, xử phạt các trường hợp kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ gắn mác hàng xách tay để bán cho người tiêu dùng.

Để ngăn chặn tình trạng này, cần có sự phối hợp của các đơn vị liên quan vào cuộc kiểm tra, xử lý tình trạng bán hàng hóa không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, cần tuyên truyền cho người Việt thay đổi quan điểm về hàng xách tay, hàng trôi nổi đang bán trên thị trường đang làm ảnh hưởng đến niềm tin, sức khỏe người tiêu dùng.

Nguồn: Báo Công Thương

Tin liên quan