Bạn đang ở đây

Dự báo 2023, Yên Bái phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc

18/01/2023 08:11:52

"Năm 2022, tỉnh Yên Bái tổ chức cuộc khảo sát quy mô lớn với 12.320 phiếu đánh giá về chỉ số hạnh phúc của người dân. Qua khảo sát, chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái năm 2022 là 62,57%, tăng 4,46% so với năm 2021, vượt 1,37% so với kế hoạch (tăng 9,27% so với đầu nhiệm kỳ), đạt mức 2- khá hạnh phúc", đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái trả lời phỏng vấn của Báo Nhân Dân nhân dịp đầu năm mới 2023.

Năm 2022, Việt Nam đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; trở thành điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Năm 2023 được dự báo sẽ khó khăn hơn khi kinh tế toàn cầu suy giảm.

Chuyên đề "Dự báo năm 2023" gồm chuỗi bài phỏng vấn lãnh đạo bộ, ngành, địa phương và chuyên gia các lĩnh vực, nhằm nhận diện thách thức, cơ hội, đồng thời gợi mở các giải pháp để Việt Nam tiếp tục vượt khó, bứt phá. 

Đồng chí Đỗ Đức Duy: Năm 2022, với tinh thần đoàn kết, sự quyết tâm, nỗ lực, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc, tỉnh Yên Bái đã từng bước khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, nỗ lực hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của năm 2022, nổi bật là kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá; tốc độ tăng GRDP đạt 8,62% (vượt kế hoạch đã đề ra là 7,5%), bình quân từ đầu nhiệm kỳ đạt 7,86%/năm, đứng thứ 3/14 tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh đạt 5,95%, cao nhất trong vùng; khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 14,76%, đứng thứ 6/14 tỉnh trong vùng; khu vực dịch vụ tăng 6%. Cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch tích cực. Xây dựng nông thôn mới của tỉnh tiếp tục duy trì là điểm sáng của khu vực Tây Bắc. Đến nay, toàn tỉnh đã có 99 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 66% tổng số xã trên địa bàn tỉnh; trong đó, có 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 3/9 đơn vị hành chính cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Yên Bái thu ngân sách đạt hơn 4.616 tỷ đồng, vượt 78,4% dự toán Trung ương giao, tăng 5,5% so với năm 2021. Công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt tốc độ khá, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Chuyển đổi số được triển khai hiệu quả với nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, sáng tạo, góp phần đưa chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, đứng thứ 27/63 tỉnh, thành phố, tăng 13 bậc so với năm trước.

Văn hóa-xã hội của tỉnh tiếp tục được quan tâm chăm lo và có nhiều tiến bộ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ nét. Chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được nâng lên. Kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 và các loại dịch bệnh khác. An sinh xã hội được bảo đảm. Giảm nghèo nhanh và bền vững; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 5,15%, vượt 1,15% so với kế hoạch. Chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đạt 62,57%, tăng 4,46% so với năm 2021, vượt 1,37% so với kế hoạch.

Quốc phòng-an ninh được củng cố và tăng cường, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực. Năng lực, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp được nâng lên; niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được củng cố và tăng cường.

Từ những thành tích nổi bật đã đạt được trong năm 2022, Yên Bái đã rút ra một số bài học kinh nghiệm là:

Phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh cùng chung sức, đồng lòng khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Tập trung cao độ cụ thể hóa, thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Trung ương thành các nghị quyết chuyên đề, quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án, chính sách của địa phương, bảo đảm kịp thời, khả thi, phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương. Đồng thời, quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nỗ lực thu hút đầu tư, khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát triển các thành phần kinh tế.

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua việc ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm theo phương châm "giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ sản phẩm đầu ra, dễ kiểm tra, dễ giám sát, dễ đánh giá; đồng thời, kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Coi trọng công tác phân tích, dự báo tình hình; năng động, chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, kiên định mục tiêu phát triển; đồng thời, thường xuyên rà soát, kịp thời điều chỉnh linh hoạt các giải pháp thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm hoàn thành mục tiêu đề ra.

Đồng chí Đỗ Đức Duy: Năm 2023 được xác định là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021- 2025; năm bản lề triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội 19 Đảng bộ tỉnh.

Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, Yên Bái nói riêng cũng như các địa phương trong cả nước nói chung tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới, nặng nề hơn. Sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; giá nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh tiếp tục xu hướng tăng; các thị trường xuất nhập khẩu lớn, truyền thống có thể bị thu hẹp; dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến bất thường, khó dự báo, có thể tác động tiêu cực đối với việc triển khai nhiệm vụ chính trị của năm.

Bên cạnh những khó khăn, thách thức đã được dự báo, Yên Bái cũng đứng trước nhiều cơ hội để phát triển bứt phá, đó là:

Tỉnh đã ban hành đầy đủ theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách, đề án về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo; hoàn thành Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch quan trọng khác… Đây là là cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Yên Bái xác định và triển khai thực hiện toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị trên tất cả các lĩnh vực trong năm 2023 và cả nhiệm kỳ.

Với những nỗ lực quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số đã và đang tạo ra động lực mới cho thu hút đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội.

Những thành tựu quan trọng đạt được từ đầu nhiệm kỳ tới nay cùng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương sẽ tạo cơ hội, tiền đề rất lớn để Yên Bái phát triển nhanh, bền vững và có sự bứt phá trong thời gian tới, nhất là trên các lĩnh vực phát triển kinh tế lâm nghiệp đa mục tiêu, dịch vụ du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành công nghiệp, dịch vụ có thế mạnh của tỉnh.

Sản phẩm quế của đồng bào Dao huyện Văn Yên.

Đồng chí Đỗ Đức Duy: Chương trình hành động số 135-CTr/TU ngày 18/11/2022 của Tỉnh ủy Yên Bái về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023 đã xác định chủ đề  "Quyết liệt triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tập trung phát triển hạ tầng, đẩy mạnh thu hút đầu tư, bứt phá trong chuyển đổi số; duy trì phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân” gắn với phương châm hành động "Quyết liệt, kỷ cương, tăng tốc, hiệu quả” nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, tạo đà quan trọng để bứt phá, tăng tốc, hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2023, Tỉnh ủy Yên Bái xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm sau:

1- Triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và các chương trình, đề án về phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025.

2- Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông; hạ tầng đô thị, khu công nghiệp; hạ tầng chuyển đổi số; hạ tầng thủy lợi, giáo dục, y tế; hạ tầng xây dựng nông thôn mới.

3- Hoàn thành và triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch xây dựng vùng huyện; quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, khu chức năng đặc thù, quy hoạch xây dựng nông thôn mới; các chương trình, kế hoạch phát triển đô thị và nhà ở.

4- Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, bảo đảm, trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với ngành, lĩnh vực, danh mục dự án ưu tiên của tỉnh.

5- Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tạo sự bứt phá trong chuyển đổi số.

6- Quan tâm chăm lo phát triển lĩnh vực văn hóa-xã hội đồng bộ, hài hòa với phát triển kinh tế.

7- Thực hiện các biện pháp bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

8- Quan tâm chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị.

Đồng chí Đỗ Đức Duy: Hiện nay chưa có bộ chỉ tiêu quốc gia để đánh giá, chấm điểm về chỉ số hạnh phúc, vì vậy tỉnh Yên Bái xác định quan điểm vừa làm vừa hoàn thiện, kể cả phương pháp đo lường và bộ chỉ tiêu đánh giá. Theo đó, Chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái được đo lường theo bộ 37 chỉ tiêu thành phần để đánh giá 3 nhóm tiêu chí chính là: Sự hài lòng về cuộc sống; tuổi thọ trung bình của người dân và sự hài lòng về môi trường sống.

Tất cả các yếu tố cấu thành làm nên "Chỉ số hạnh phúc” đều đã và đang được tỉnh Yên Bái triển khai một cách có hiệu quả thông qua các nỗ lực trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, cải cách hành chính, nâng cao dân trí, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm nghèo, phát triển văn hóa- xã hội, bảo vệ môi trường và giữ gìn an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội… với việc xây dựng, ban hành kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân chi tiết cho từng năm.

Năm 2022, tỉnh Yên Bái tổ chức cuộc khảo sát quy mô lớn với 12.320 phiếu đánh giá về chỉ số hạnh phúc của người dân. Qua khảo sát, chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái năm 2022 là 62,57%, tăng 4,46% so với năm 2021, vượt 1,37% so với kế hoạch (tăng 9,27% so với đầu nhiệm kỳ), đạt mức 2- khá hạnh phúc. Trong đó, chỉ số hài lòng về cuộc sống đạt 55,5%, chỉ số hài lòng về tuổi thọ trung bình đạt 78,72%, chỉ số hài lòng về môi trường đang sống đạt 69,82%.

Đây cũng là cơ sở để tỉnh tiếp tục nghiên cứu xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả bảo đảm mục tiêu nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020- 2025, phấn đấu đến năm 2025, chỉ số hạnh phúc của người dân đạt 68,3% trở lên; qua đó góp phần hoàn thành mục tiêu đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” trở thành tỉnh phát triển khá của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2025.

Để khơi thông nguồn lực và có tính đột phá, Yên Bái đang triển khai các việc sau:

Thứ nhất, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 20/01/2021, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các đề án, chính sách về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025 với nhiềm nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ về phát triển nguồn nhân lực nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là ở cấp cơ sở; phát triển nhân lực chất lượng cao, nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhân lực là người dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của tỉnh và thị trường lao động…

Thứ hai, Tập trung cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị; thực hiện đồng bộ, hiệu quả việc sắp xếp, tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm tiêu chuẩn chính trị, chuyên môn và yêu cầu vị trí việc làm, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.

hứ ba, Yên Bái Ban hành nhiều nghị quyết, đề án thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt với việc ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án số 11-ĐA/TU về xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, đã lựa chọn, đào tạo bài bản 150 cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số, tạo nguồn cán bộ kế cận dồi dào, chất lượng cho các nhiệm kỳ tiếp theo.

Đến nay, đã có 75 đồng chí được thay đổi vị trí công tác theo hướng tích cực (trong đó, 48 đồng chí được bổ nhiệm chức vụ cao hơn, 16 đồng chí giữ chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý). Năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã quyết định tổ chức, tuyển chọn bổ sung được thêm 60 đồng chí tham gia vào Đề án.

Thứ tư, trên cơ sở các quan điểm, định hướng trong các nghị quyết của Trung ương, Yên Bái đã xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả các quy định mang tính đột phá về công tác cán bộ, như: Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; Quy định về thực hiện văn hóa, đạo đức trong Đảng và hệ thống chính trị tại Đảng bộ tỉnh Yên Bái.

Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã xây dựng và sẽ ban hành trong năm 2023 Quy định tạm thời về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung trong hệ thống chính trị tại Đảng bộ tỉnh Yên Bái.

(Nguồn: NDO)