Bạn đang ở đây

Bộ Công Thương góp phần định hướng sản xuất nông nghiệp!

27/11/2019 08:45:58

Tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản (cả trong nước và xuất khẩu) được Chính phủ, các Bộ, ngành hết sức quan tâm với rất nhiều giải pháp. Đại biểu đánh giá như thế nào về kết quả của công tác này trong những năm qua?

Đại biểu Trần Đình Gia: Tìm đầu ra cho hàng nông sản là vấn đề đã và luôn “nóng”. Trong hầu hết các cuộc tiếp xúc cử tri của chúng tôi, bà con nông dân thường xuyên nêu vấn đề này với khẳng định các cơ quan chức năng, nhất là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền các cấp đã có những giải pháp hữu hiệu và đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Hiện nay, hàng nông sản của Việt Nam đã từng bước thâm nhập vào các thị trường quốc tế, trong đó có nhiều thị trường “khó tính” với yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng rất khắt khe, như: Mỹ, EU, Úc; Philippines, Singapore; Hàn Quốc, Nhật Bản…

 

 

 

Chúng ta có thể thấy, tỉ trọng sản phẩm nông nghiệp trong cơ cấu hàng xuất khẩu liên tục tăng theo các năm và trong tháng 9/2019, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 30 tỷ USD, tăng 2,7% cùng kỳ. Đồng thời, trên thị trường trong nước, các sản phẩm nông nghiệp cũng ngày càng chiếm ưu thế với sự có mặt ở hầu khắp các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị từ thành thị đến nông thôn.

Đây là kết quả từ việc chúng ta đã có chiến lược phân khúc thị trường rất cụ thể, từ các sản phẩm chiến lược cấp quốc gia (lúa gạo, cà phê, cao su, trái cây, thuỷ sản…) đến các sản phẩm cấp địa phương gắn với đó là chiến lược đầu tư phù hợp từ khâu nuôi trồng, chế biến đến tiêu thụ.

Đặc biệt gần gây, với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP) với bộ tiêu chí rất cụ thể về điều kiện sản xuất, xây dựng thương hiệu, giúp nâng cấp những sản phẩm địa phương lên tầm cao hơn nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu.

Đây cũng chính là lý do các cuộc “giải cứu” nông sản cho bà con nông dân đã giảm cả về số lượng và quy mô trong thời gian qua.

Tôi cũng đặc biệt đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời của Bộ Công Thương trong việc tháo gỡ khó khăn cho mặt hàng nông sản xuất khẩu. Điển hình như trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động, kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương phía Trung Quốc (đặc biệt là Quảng Tây, Vân Nam) để giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với hàng nông sản xuất khẩu tại khu vực biên giới các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai.

Trong công tác mở cửa thị trường cho nông sản, đặc biệt là công tác đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và phát huy vai trò của cơ quan tham tán thương mại tại nước ngoài đã đạt được những kết quả cao, giúp nông sản Việt Nam thâm nhập thị trường mới. Đại biểu đánh giá như thế nào về kết quả đã đạt được?

Đại biểu Trần Đình Gia: Tôi đã có nhiều cuộc làm việc với Bộ Công Thương và thấy rằng, việc xây dựng và kiện toàn hệ thống cơ quan tham tán thương mại của Việt Nam ở nước ngoài là rất đúng đắn. Các cơ quan tham tán với lợi thế đặt tại các nước sở tại chính là nguồn cung cấp thông tin rất quan trọng về nhu cầu cũng như các yêu cầu về quy cách, tiêu chuẩn sản phẩm để chúng ta định hướng sản xuất, tiêu thụ một cách hiệu quả. Cơ quan tham tán đã trở thành cầu nối quan trọng giúp đưa các sản phẩm của Việt Nam nói chung, sản phẩm nông sản nói riêng thâm nhập và cạnh tranh được với các sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Điển hình như trong thời gian qua, từ công tác xúc tiến thương mại, đàm phán đưa sản phẩm vào các thị trường mới, chúng ta đưa được một số sản phẩm vào các thị trường mới, như: thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa, xoài vào Hoa Kỳ; vải, xoài, thanh long, nhãn vào Úc; sản phẩm sữa, măng cụt vào Trung Quốc và sắp tới là thạch đen, tổ yến; thịt gà chế biến vào Nhật Bản; xoài, thanh long vào Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand...). Đây là kết quả rất quan trọng để nông sản Việt Nam thâm nhập và đứng chân tại các thị trường mới trên thế giới.

bo cong thuong gop phan dinh huong san xuat nong nghiep
Đại biểu Trần Đình Gia - Nguyên Chủ tịch Hội nông dân tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh

Có thể khẳng định công tác tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là hai bộ Công Thương và Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn cần làm gì để nâng cao hiệu quả công tác này, thưa Đại biểu?

Đại biểu Trần Đình Gia: Có thể khẳng định, trong công tác tìm kiếm thị trường cho sản phẩm nông nghiệp, chúng ta đã tìm được lối đi và bước đầu sản phẩm nông nghiệp đã đứng chân trên nhiều thị trường quốc tế. Tuy nhiên, phải thấy rằng đây mới chỉ là kết quả bước đầu, về số lượng, chủng loại sản phẩm cũng như giá trị kim ngạch xuất khẩu còn hạn chế so với tiềm năng. Trong thời gian tới, tôi cho rằng, cùng với việc tiếp tục hỗ trợ người dân thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng khoa học, kỹ thuật, sản xuất sạch… thì cần tập trung đầu tư cho công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Đặc biệt, tôi cho rằng, việc đẩy mạnh xuất khẩu là cần thiết, song chúng ta cũng cần quan tâm đến thị trường trong nước. Theo đó, Bộ Công Thương cần xây dựng kế hoạch trong đó lựa chọn các sản phẩm, nhóm sản phẩm để tập trung đầu tư xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu.

Cùng đó, với hệ thống cơ quan tham tán thương mại tại các quốc gia, Bộ Công Thương phải là cơ quan đầu mối trong việc tìm hiểu, cung cấp thông tin thị trường, nhất là những quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm quy định trong các hiệp định thương mại tự do đa và song phương mà Việt Nam đã tham gia để định hướng sản xuất trong nước.

Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan