Bạn đang ở đây

Thương mại điện tử các địa phương: Thu hẹp khoảng cách

17/04/2019 11:01:38

Mức chênh lệch cao

Trong khuôn khổ Diễn đàn Toàn cảnh TMĐT Việt Nam 2019 mới đây, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) đã chính thức công bố Báo cáo chỉ số TMĐT (EBI) 2019.

Theo báo cáo của VECOM, điểm trung bình của EBI 2019 là 40,3, tăng 2,8 điểm so với năm 2018. Thế nhưng, điểm trung bình của nhóm 5 địa phương thấp nhất và 5 địa phương cao nhất đang ngày càng bị nới rộng khi cách biệt tới 39,4 điểm, cao hơn khoảng cách 36,7 điểm của năm 2018. Điều này đồng nghĩa, sự chênh lệch về phát triển TMĐT giữa các địa phương đang tăng dần.

thuong mai dien tu cac dia phuong thu hep khoang cach
Các đại biểu thảo luận tại diễn đàn

Top 5 tỉnh, thành phố xếp đầu bảng EBI 2019 vẫn tiếp tục duy trì, không có sự thay đổi. TP. Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu về EBI với điểm tổng hợp 86,8, tăng 4,7 điểm so với năm 2018. Đáng chú ý, EBI của TP. Hồ Chí Minh hơn rất nhiều so với điểm số trung bình của cả nước (40,3 điểm) và cao hơn tới gần 60 điểm so với địa phương có điểm xếp hạng thấp nhất là Bắc Kạn với 27,4 điểm.

Đứng thứ hai trong danh sách là Hà Nội với số điểm tổng hợp 84,3 điểm, cao hơn 4,5 điểm so với năm trước. 2019 cũng là năm thứ hai liên tiếp Hải Phòng vươn lên đứng ở vị trí trong top 3 cả nước về EBI, hai vị trí tiếp sau vẫn là Đà Nẵng và Bình Dương.

Nhìn chung, top 5 tỉnh, thành phố đầu bảng EBI 2019 không có sự thay đổi so với năm trước. Tuy nhiên, khoảng cách giữa TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội với 3 địa phương còn lại cũng rất lớn (khoảng cách giữa Hà Nội với Hải Phòng lên tới 24,7 điểm).

Giải pháp hỗ trợ

Báo cáo EBI Việt Nam 2019 cho thấy, còn nhiều cản trở cho sự bứt phá phát triển của TMĐT trong giai đoạn tới. Theo đó, lòng tin của người tiêu dùng vào giao dịch mua bán trực tuyến còn thấp; dịch vụ logistics - giao hàng chặng cuối - hoàn tất đơn hàng còn nhiều hạn chế; đặc biệt, chênh lệch khoảng cách số giữa các địa phương còn rất cao. "Thu hẹp khoảng cách số tiếp tục là thử thách lớn đối với TMĐT Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần có những chính sách và giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy vai trò đầu tàu về TMĐT của hai trung tâm kinh tế ở hai đầu đất nước, hỗ trợ sự phát triển của các địa phương và tạo sự phát triển TMĐT nhanh, bền vững" - ông Nguyễn Kỳ Minh - Ủy viên Ban Chấp hành VECOM - nhận định.

Đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, trong thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường hỗ trợ các địa phương có EBI thấp. Hiện, Cục đã tập trung xây dựng các kế hoạch tổng thể giai đoạn 2016-2020 với nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ như: Đào tạo năng lực quản lý nhà nước về TMĐT, ứng dụng TMĐT..., giúp các địa phương nâng cao thứ hạng trong tương lai.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động thuộc của Chương trình phát triển TMĐT quốc gia cũng tiếp tục được tập trung thực hiện, như: Nghiên cứu và xây dựng mô hình thanh toán TMĐT; xây dựng giải pháp bán hàng trực tuyến; xây dựng hệ thống giám sát và quản lý hoạt động TMĐT trên môi trường trực tuyến; xây dựng giải pháp đào tạo trực tuyến về TMĐT; nghiên cứu giải pháp thẻ thanh toán… nhằm hỗ trợ DN các địa phương tận dụng tối đa những lợi ích mà TMĐT đem lại trong việc quảng bá sản phẩm, định vị thương hiệu, kết nối khách hàng và tìm kiếm thị trường để mở rộng mạng lưới kinh doanh.

Cuộc khảo sát DN ứng dụng TMĐT diễn ra từ tháng 9 - 11/2018, với tổng số 4.500 DN tham gia; trong đó, 4.300 DN hợp lệ có số liệu được dùng để thống kê.

Nguon: Bao Cong thuong

Tin liên quan