Bạn đang ở đây

Thanh Hà cam kết tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp thu mua, xúc tiến thương mại vải thiều

04/06/2019 09:14:49

Ngày hội vải thiều Thanh Hà đã thu hút sự quan tâm của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tỉnh bạn và đông đảo các doanh nghiệp. Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cũng đến tham dự và cắt băng khai mạc Lễ hội.

thanh ha cam ket tao dieu kien toi da cho doanh nghiep thu mua xuc tien thuong mai vai thieu
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cắt băng khai mạc Lễ hội

Thanh Hà – vùng vải lớn, nức tiếng của tỉnh Hải Dương nói riêng và cả nước nói chung, với diện tích 3.820 ha, chiếm khoảng 35% diện tích đất nông nghiệp. Phần lớn diện tích trồng vải ở đây đều được áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ngoài ra còn có 30 ha vải tại xã Thanh Xá và Thanh Thủy áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Giá trị sản xuất cây vải ước đạt 140 triệu đồng/ha.

Đến nay, cây vải đã khẳng định là cây ăn quả đặc sản mang tính truyền thống, cũng như mang lại giá trị cao của huyện Thanh Hà. Vì vậy, để nâng cao giá trị thương hiệu, nhãn hiệu cho vải Thanh Hà, tỉnh Hải Dương nói chung và huyện nói riêng đã chỉ đạo các xã, thị trấn quy hoạch và thực hiện các vùng sản xuất tập trung; định hướng sản xuất hàng hóa gắn với lợi thế của từng vùng, tạo ra sản phẩm nông sản năng suất cao, chất lượng tốt. Bên cạnh đó, huyện cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo địa phương, hộ dân sản xuất vải theo đúng quy trình kỹ thuật, đồng thời ký hợp đồng với Trạm thủy văn Bá Nha đo mưa và phân tích chất lượng nước mưa, thông báo trên hệ thống truyền thanh của huyện để các hộ dân nắm được, chủ động bảo vệ hoa, quả vải; mở lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP…

thanh ha cam ket tao dieu kien toi da cho doanh nghiep thu mua xuc tien thuong mai vai thieu
Vải sớm Thanh Hà có chất lượng tốt, quả to, cùi dày, giá bán từ 55 – 60 nghìn đồng/kg

Tuy nhiên, Bí thư Huyện ủy Thanh Hà – ông Nguyễn Đức Tuấn - cũng cho biết, năm 2019, diễn biến thời tiết không thuận lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt đối với các loại cây ăn quả, trong đó có cây vải. Tính đến thời điểm hiện tại, sản lượng quả vải ước đạt 18 nghìn tấn quả, trong đó vải sớm khoảng 16 nghìn tấn, vải chính vụ khoảng 2 nghìn tấn. Mặc dù vậy, giá vải tại vườn đầu vụ dao động từ 55 – 60 nghìn đồng/kg và thị trường tiêu thụ thuận lợi, khiến người trồng rất phấn khởi. “Để việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản nói chung và quả vải thiều nói riêng của Thanh Hà được thuận lợi, mang lại giá trị cao, huyện Thanh Hà sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; đồng thời cam kết tạo mọi điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khi đến thu mua, xúc tiến thương mại tại địa phương” – Ông Tuấn nhấn mạnh.

Một trong những điểm nhấn nằm trong các hoạt xúc tiến tiêu thụ vải thiều của huyện Thanh Hà là việc khai mạc Ngày hội vải thiều Thanh Hà năm 2019. Theo Ban tổ chức, Ngày hội năm nay có 30 gian hàng trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm nông nghiệp, du lịch của huyện, đặc biệt là các gian hàng quả vải. Ngày hội nhằm mục đích giới thiệu sản phẩm vải thiều và các mặt hàng nông sản chủ lực của huyện Thanh Hà nói riêng và của tỉnh Hải Dương nói chung đến với du khách trong và ngoài nước; đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hộ dân sản xuất, kinh doanh vải thiều, hàng nông sản thực phẩm đẩy mạnh xúc tiến thương mại; từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho cây vải thiều, sản phẩm nông nghiệp của huyện, của tỉnh theo hướng bền vững.

thanh ha cam ket tao dieu kien toi da cho doanh nghiep thu mua xuc tien thuong mai vai thieu
thanh ha cam ket tao dieu kien toi da cho doanh nghiep thu mua xuc tien thuong mai vai thieu
Nhiều địa phương trong huyện đã thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc lên quả vải

Quyền Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà - ông Trịnh Văn Thiện cũng cho hay, để đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho quả vải nói riêng và các mặt hàng nông sản nói chung của huyện Thanh Hà, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tổ chức Tháng bán hàng sản phẩm vải thiều tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận; phối hợp với Trung tâm doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội làm tốt công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đồng thời hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc thực hiện dán tem truy xuất sản phẩm đến các xã, thị trấn trên địa bàn; xây dựng kế hoạch, định hướng dài hạn trong việc đầu tư, quy hoạch vùng sản xuất, thâm canh cây trái đặc sản nhằm phục vụ du lịch theo hướng trải nghiệm, nghỉ dưỡng và thưởng thức sản phẩm cây trồng, vật nuôi; tạo tiền đề phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại mang tính bền vững.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan