Bạn đang ở đây

Sản xuất công nghiệp Yên Bái: Chỉ dấu tích cực nhưng còn khó khăn

15/08/2019 08:08:45

 

Description: Công nhân Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn đưa sản phẩm vào lò nung.

Công nhân Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn đưa sản phẩm vào lò nung.

Mặc dù còn tiềm ẩn khó khăn, bất ổn do kinh tế thế giới có nhiều biến động, thị trường tiêu thụ nói chung bị thu hẹp, giá nguyên liệu đầu vào tăng và giảm thất thường... nhưng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn tăng trưởng cao. 

Tổng giá trị sản xuất 6 tháng ước đạt 5.160 tỷ đồng, bằng 43% kế hoạch, tăng 11,9% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm chủ lực tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Trong đó, khai khoáng đạt 368,8 tỷ đồng, tăng trên 29% so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4.265 tỷ đồng, tăng trên 13%... 

Những kết quả đó phần nào cho thấy trên hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực công nghiệp của ngành chuyên môn cũng như định hướng của tỉnh. Cạnh đó, việc quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần thu hút các dự án sản xuất công nghiệp. Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh bổ sung, điều chỉnh một số cụm công nghiệp cho phù hợp với tình hình thực tế tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp. 

Trong 6 tháng năm 2019, có 110 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 41,5% kế hoạch, tăng 2% so cùng kỳ, tổng số vốn đăng ký là 3.181 tỷ đồng. 

Năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh. Ngay từ đầu năm, Sở Công thương đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của UBND tỉnh về các chính sách phát triển công nghiệp đến từng doanh nghiệp. 

Theo đánh giá, chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) toàn tỉnh có chiều hướng tăng trưởng bền vững. Cụ thể: ngành khai thác quặng kim loại tăng 39,97%; khai thác đá các loại tăng 27,71%; chế biến thực phẩm tăng 41,15%; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 16,65%; in ấn tăng 61,59%; sản xuất hóa chất tăng 30,77%; sản xuất thuốc, dược liệu tăng 12,33%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 20,21%; sản phẩm từ kim loại tăng 21,57%; nước sinh hoạt tăng 7,78%... 

Nhiều sản phẩm có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ: quặng sắt tăng 44,75% (do sản lượng khai thác tăng cao ở Công ty TNHH Tân Tiến - Trấn Yên, đạt 55.264 tấn); đá Block tăng 34,08% (sản lượng khai thác Công ty RK Việt Nam đạt cao - 6.814 m3); đá xây dựng tăng 21,79%; tinh bột sắn tăng 1,39 lần do sản lượng của Công ty cổ phần Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái đạt 13.041 tấn, tăng cao so với cùng kỳ; sản xuất chè đen tăng 7,28%; sản phẩm thuốc và dược liệu tăng 12,33%; xi măng tăng 24,74%; sản xuất kim loại tăng 21,57%; điện thương phẩm tăng 13,7%; nước sinh hoạt tăng 7,78%...

Nhìn tổng thể, tuy tăng 11,9% so với cùng kỳ nhưng giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng qua mới bằng 43,0% kế hoạch năm. Để hoàn thành kế hoạch năm, các cấp các ngành cần tập trung chỉ đạo, đánh giá sát thực những diễn biến khó khăn cho từng sản phẩm chủ yếu, từng doanh nghiệp để có các giải pháp tháo gỡ phù hợp. 

Cần tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn và hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định; có những chính sách thu hút đầu tư, giải pháp cụ thể khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp, các hộ cá thể cho đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các khu, cụm công nghiệp. 

Đồng thời, tăng cường xúc tiến huy động vốn đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước; tiếp tục tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án sản xuất công nghiệp có quy mô lớn và giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh để sớm hoàn thành và đi vào sản xuất, góp phần hoàn thành mục tiêu kế hoạch sản xuất công nghiệp của tỉnh đề ra.

Nguồn: Phòng QLCN&NL

Tin liên quan