Bạn đang ở đây

Mạnh tay xử lý gas giả, gas lậu

14/12/2020 10:41:34

Dù chính sách phát triển thị trường khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) ngày càng được hoàn thiện, song do cạnh tranh về giá, một số tổ chức, cá nhân vẫn kinh doanh gas giả, gas lậu, sang chiết gas trái phép… với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Thủ đoạn tinh vi

Trong những năm gần đây, thị trường LPG tại Việt Nam liên tục đạt mức tăng trưởng cao (khoảng 10%) so với mức tăng trưởng trung bình của thế giới và khu vực (khoảng 4%). Tuy nhiên, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như chiếm dụng chai LPG, chiết nạp lậu… vẫn còn diễn ra phức tạp và chưa có giải pháp căn cơ để xử lý triệt để. Ông Nguyễn Kỳ Minh - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương - chia sẻ, tình trạng một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh LPG chiếm dụng trái phép chai LPG của DN có uy tín, trong đó nhiều chai LPG chiếm dụng bị cắt tay xách, mài vỏ, không được kiểm định và đưa ra thị trường có chiều hướng phức tạp và tinh vi hơn. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, rò rỉ gas, cháy nổ, đe dọa trực tiếp tới tài sản, tính mạng người sử dụng.

Đặc biệt, các đối tượng sang, chiết gas trái phép ngày càng sử dụng thủ đoạn tinh vi hơn nhằm qua mặt lực lượng chức năng như: Tận dụng bãi đỗ xe trống cách xa khu dân cư, khu nhà trọ, bãi đất trống, để tiến hành sang, chiết gas trực tiếp từ xe bồn chứa LPG vào bình gas loại 12kg nhanh chóng, tiện lợi thu gọn hiện trường hoặc sang, chiết gas mini trái phép. Bên cạnh đó, một số đối tượng còn kinh doanh gas có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hàng hóa. Điển hình, mới đây, Cục QLTT Ninh Thuận vừa kiểm tra, phát hiện hai cơ sở kinh doanh gas: Hừng Sáng và Miền Tây kinh doanh 8 bình gas loại 12kg không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Elf gas…

Cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở sang, chiết, nạp gas trái phép

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát

Trước thực trạng trên, lực lượng QLTT đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh mặt hàng gas, tuy nhiên, một bộ phận người tiêu dùng vẫn cố tình sử dụng loại bình gas mini sang chiết trái phép. Điều này dẫn đến một số đại lý, điểm đổi gas nhỏ lẻ vì lợi nhuận đã tái sử dụng chai LPG mini nhiều lần, cho dù bình quá cũ, gỉ sét, bong tróc sơn không đủ điều kiện lưu thông. Để hạn chế rủi ro, mất an toàn cho người tiêu dùng, ông Nguyễn Kỳ Minh khuyến nghị, người tiêu dùng không nên thường xuyên thay đổi chủng loại, nhãn hiệu LPG; không mua gas trôi nổi mà mua gas tại các cửa hàng, đại lý uy tín. Khi mua nên lấy hóa đơn và yêu cầu đơn vị bán gas lập sổ theo dõi, ký nhận mỗi lần mua, bán để có căn cứ truy cứu trách nhiệm khi sự cố xảy ra.

Từ nhiều năm qua, nhiều DN sẵn sàng kinh doanh gas giả, gas lậu, trốn thuế... để có giá thấp, dẫn đến nhiều nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng. Ông Đào Đình Thiêm - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần kinh doanh khí miền Nam - cho rằng, cần phải có những quy định kiểm soát chặt chẽ hơn các trạm chiết nạp, kênh phân phối, bám sát thị trường, tránh tạo kẽ hở cho hoạt động vi phạm, gian lận thương mại. Đồng thời, ban hành quy định về xử lý trách nhiệm hình sự một số hành vi vi phạm trong kinh doanh gas và có chế tài xử phạt nặng để răn đe, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT đã tiến hành 4.805 lượt kiểm tra, phát hiện 1.786 vụ việc vi phạm trong kinh doanh LPG, tịch thu 3.225 chai LPG, LPG chai các loại, 1.395 chai LPG mini. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 3.548.296.000 triệu đồng; trị giá hàng hóa vi phạm 450.309.000 đồng.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan