Bạn đang ở đây

Hà Nội: Mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở cơ sở

27/11/2019 09:13:31

Vẫn còn tâm lý... nể nang

Là địa phương triển khai mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP từ năm 2016, ông Vương Hồng Phong - Phó Trưởng phòng Y tế huyện Đông Anh - chia sẻ, truy xuất nguồn gốc thực phẩm là một nội dung quan trọng trong quá trình thanh, kiểm tra ATTP tại các cơ sở thực phẩm. Tùy từng cơ sở và loại thực phẩm, khi tiến hành thanh tra, kiểm tra ATTP đơn vị chức năng yêu cầu các cơ sở xuất trình các loại hồ sơ, tài liệu cụ thể. Thông qua việc kiểm soát chặt chẽ chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn đối với cơ sở bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, nhà hàng… đây là giải pháp rất quan trọng, nhất là khi xảy ra ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc.

ha noi mo rong thi diem thanh tra chuyen nganh an toan thuc pham o co so
Hà Nội mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP ở cơ sở

Từ ngày 15/11/2015 đến ngày 15/11/2016, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP theo Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg ngày 9/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian thí điểm tại 5 quận, huyện (với 10 xã, phường), Hà Nội đã thành lập 65 đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành ATTP. Qua thanh tra, kiểm tra hơn 3.500 cơ sở, các đoàn đã phát hiện 786 cơ sở vi phạm, trong đó phạt tiền 371 cơ sở, với tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng. So với trước khi thí điểm, số cơ sở bị phạt tiền tăng 237% và tổng số tiền phạt tăng 240%.

Trên thực tế, việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP trên diện hẹp tại 5 quận, huyện với 10 xã, phường từ năm 2016 đã cho thấy, việc xử lý vi phạm tại cấp xã, phường vẫn còn nhiều hạn chế. Cấp quận, huyện đã khó làm thì xã, phường còn khó hơn. Đại diện UBND thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín thừa nhận, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh do quen biết, tình làng nghĩa xóm của lực lượng thanh tra cấp xã, phường trước những vi phạm về ATTP.

Hà Nội được xem là một trong những địa phương triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP ở tuyến cơ sở một cách bài bản và nghiêm túc, song vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế. TS Đỗ Hữu Tuấn - Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) – cho rằng, hiện nay không có cán bộ chuyên trách trong ATTP mà vẫn đang sử dụng cán bộ kiêm nhiệm. Thời gian tới, các ngành sẽ đánh giá lại việc sử dụng cán bộ như vậy có đáp ứng được đủ nhu cầu địa phương hay không? Nếu cho rằng, cán bộ kiêm nhiệm chưa đủ thì sẽ có kiến nghị, đề xuất đào tạo cán bộ chuyên trách.

Bên canh đó, ông Tuấn đề nghị Bộ Y tế và Bộ Công Thương hỗ trợ về mặt chuyên môn nghiệp vụ, trong đó có thanh tra y tế, thanh tra nông nghiệp. Cục ATTP cũng đề xuất cần thực hiện thanh tra ở các khu vực khác nhau. Cụ thể, ở nội thành tập trung thanh tra thức ăn đường phố, còn ở ngoại thành quan tâm vấn đề liên quan đến nông nghiệp. Về việc thanh tra chồng chéo, ông Đỗ Hữu Tuấn đề xuất, mỗi cơ sở chỉ thanh tra theo kế hoạch 1 lần/năm. Trong trường hợp vi phạm thì đề xuất thanh tra đột xuất. Ngoài ra, việc thay đổi các văn bản quy phạm pháp luật cần phải được đề xuất xem xét, sửa đổi lại để phù hợp với tình hình thực tế.

Tăng cường công tác phối hợp

Trong lĩnh vực Công Thương, vào cuối năm, bà con đón Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán nên nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, đặc biệt là trong một số nhóm ngành hàng như rượu bia, bánh kẹo, mứt, đường, sữa, rau củ quả, thịt lợn, gia súc, gia cầm… Ông Đặng Văn Được - Phó Chánh Thanh tra Sở Công Thương Hà Nội - chia sẻ, hiện nay, ngành Công Thương đang phối hợp với lực lượng quản lý thị trường thành lập 4 đội liên ngành, tăng cường kiểm tra từ nay cho đến hết Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Đồng thời, yêu cầu cơ sở xã, phường, thị trấn, quận, huyện tập trung thanh kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu bia, bánh mứt kẹo, rau củ quả; đặc biệt lưu ý các nhà hàng ăn uống, các cơ sở cung cấp suất ăn, bếp ăn tập thể ở trường học, cơ quan doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tại các chợ dân sinh, trong các dịp lễ hội… là những nơi có nguy cơ cao xảy ra mất ATTP.

Từ ngày 10/7/2019 - 10/7/2020, TP. Hà Nội mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Song, để đạt hiệu quả, các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, quá trình thanh tra, kiểm tra phải bảo đảm thực chất.

Khẳng định việc triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP là rất cần thiết, đặc biệt là tuyến quận/huyện/thị xã. Để làm tốt công tác này, ông Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho hay, thời gian tới Sở sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ để bổ sung lực lượng thanh tra chuyên ngành về ATTP theo quy định do Trường cán bộ Thanh tra - Thanh tra Chính phủ cấp. Cùng với đó, Sở Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng thanh tra cho các cán bộ được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP tại các tuyến, đặc biệt là tuyến xã, phường.

Về việc có nên thành lập bộ phận thanh tra chuyên ngành ATTP chuyên trách từ cấp thành phố đến các xã, phường, thị trấn hay không, ông Nguyễn Văn Chung cho hay, sau 12 tháng tổ chức triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành, sẽ rà soát, đánh giá, những việc hiệu quả sẽ được nghiên cứu, đề xuất, báo cáo UBND xem xét quyết định.

Công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng để bảo đảm ATTP. Do đó, ông Trần Văn Chung cho rằng, việc đưa ra các tiêu chí đánh giá khen thưởng, thi đua cũng như tiêu chí trong việc xử phạt góp phần nâng cao nhận thức và sự chấp hành của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh việc khen thưởng và xử phạt, cần nâng cao công tác tuyên truyền, cùng với đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực ATTP. “Mục tiêu của mô hình thí điểm là xem xét việc triển khai có hữu hiệu trong quản lý ATTP hay không để áp dụng mở rộng và sẽ áp dụng những ưu điểm nào. Tôi mong rằng sau đợt thanh tra thí điểm về ATTP, 30/30 quận, huyện, thị xã và 584 xã phường đều triển khai công tác bảo đảm ATTP tích cực và hiệu quả”, ông Chung nói.

Nguồn: báo Công thương

Tin liên quan