Bạn đang ở đây

Doanh nghiệp chuyển đổi số: Chỉ 50% thành công

25/03/2020 08:36:29

Lợi ích của thương mại điện tử

Các nền tảng kinh tế số vốn đã phát triển như một xu thế của kinh tế trên thế giới. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, khi các mô hình kinh tế truyền thống gần như bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí bị đình trệ, thì nhiều DN thương mại điện tử lại đang “sống khỏe”. Một số DN khác bắt đầu cuộc đua vào lĩnh vực CNTT.

Tại Tọa đàm chính sách "Hướng tới xây dựng một khuôn khổ pháp lý thích nghi với kinh tế nền tảng số” vừa diễn ra, ông Vũ Tú Thành - Phó giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN - dẫn chứng, trong khi các ngành như hàng không, nhà hàng, khách sạn hay rất nhiều DN vừa và nhỏ cho lao động nghỉ việc, hoặc giãn việc dưới tác động của dịch bệnh, thì Amazon lại đăng thông báo tuyển thêm 100.000 việc làm. Rõ ràng, các nền tảng số trong những tình huống như hiện nay không chỉ phát triển cho bản thân họ, mà còn giúp ích cho xã hội, nền kinh tế và có tác dụng chống dịch. Đây là những lợi thế của các nền tảng số.

doanh nghiep chuyen doi so chi 50 thanh cong
Doanh nghiệp thương mại điện tử “sống khỏe” trong dịch Covid-19

Theo TS. Nguyễn Đức Thành – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR): Nếu không tồn tại những sàn giao dịch điện tử như Tiki, Lazada... hoặc các kênh phân phối online, sẽ có nhiều hơn 3.000 DN đóng cửa chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội. Trong thời điểm này, việc khuyến khích DN tham gia chuyển đổi số và mở rộng sân chơi trên các nền tảng kinh tế số nhằm đẩy nhanh luồng lưu thông của hàng hóa và dịch vụ trong thị trường sẽ mang lại hiệu quả tốt.

Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng, Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 của Chính phủ, bên cạnh việc chỉ đạo các bộ, ngành phải giãn, giảm, miễn nhiều loại thuế phí, có một phần rất quan trọng là chỉ đạo tăng cường ứng dụng CNTT.

Cơ hội và thách thức

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - thông tin: Kinh tế nền tảng số là xu thế và đòi hỏi tất yếu của kinh tế thị trường, nếu không tham gia vào quá trình này, DN sẽ đứng ngoài cuộc. Thống kê cho thấy, đối với những DN chuyển đổi số thành công, thì năng suất hiệu quả tăng khoảng 30%. Rất nhiều DN ở các lĩnh vực khác nhau đều cần trở thành DN số. Tuy nhiên, chuyển đổi số là quá trình không đơn giản, tỷ lệ DN chuyển đổi số thành công chiếm khoảng 50%.

“Muốn chuyển đổi số thành công, DN hãy nghĩ lớn, nhưng phải làm từ những việc nhỏ, sáng tạo, có tính lan tỏa. Đồng thời, gắn với chiến lược kinh doanh của DN và phát huy vai trò của người đứng đầu” - TS. Võ Trí Thành đưa ra lời khuyên.

Ông Đậu Anh Tuấn khẳng định, việc triển khai CNTT là nhu cầu tự thân của DN, chứ không nên là một trào lưu nhất thời. Ở Việt Nam chủ yếu là DN có quy mô nhỏ, nên việc triển khai ứng dụng CNTT sẽ thuận lợi hơn so với những DN quy mô quá lớn, cồng kềnh. Hạ tầng CNTT đang phát triển, nhân sự của Việt Nam tương đối trẻ và mức độ thích nghi với công nghệ cũng được đánh giá là tốt…

Tuy nhiên, kinh tế nền tảng số đang làm nảy sinh những quan hệ mới trên thị trường. Trong khi đó, hệ thống luật pháp điều hành các hoạt động kinh tế truyền thống không phù hợp để quản lý các nền tảng kinh tế số, cần có sự điều chỉnh kịp thời để tránh những rủi ro. Đồng thời, trong cuộc chơi toàn cầu này, ngoài việc phải cạnh tranh với những “người khổng lồ” trong thế giới phẳng, DN Việt Nam đang khá vướng mắc bởi vấn đề thủ tục hành chính. Đây chính là điều mà các cơ quan quản lý nhà nước khắc phục, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho DN, ít nhất là trên sân nhà.

Kinh tế nền tảng số là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam ươm mầm các startup về công nghệ, thương mại điện tử…

Nguồn: báo Công thương

Tin liên quan