Bạn đang ở đây

Đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu tại tỉnh Yên Bái để ứng phó với dịch Covid - 19 trong tình hình mới

13/08/2020 15:19:38

Thực hiện Công văn số 5558/BCT-TTTN ngày 30/7/2020 của Bộ Công thương về đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại địa phương để ứng phó với dịch Covid - 19. Trước những diễn biến khó lường về dịch bệnh Covid -19 trong tình hình mới, để chủ động ứng phó với dịch bệnh có hiệu quả, đảm bảo nhu cầu về hàng hóa thiết yếu của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Sở Công Thương Yên Bái đã kịp thời chủ trì, phối hợp chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp thương mại trên địa bàn tỉnh khởi động lại các biện pháp phòng, chống dịch trong đó có phương án đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu tại địa phương để ứng phó với dịch Covid - 19. Hiện nay các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm và các mặt nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang y tế trong thời điểm dịch Covid - 19 bùng phát trở lại tương đối ổn định. Các doanh nghiệp kinh doanh phân phối thương mại đã làm tốt công tác lưu thông, đã phân phối thường xuyên đảm bảo đủ các mặt hàng thiết yếu đến các hệ thống bán lẻ ở huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Hệ thống nhà bán buôn/bán lẻ lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu hiện nay có trên 40 nhà phân phối, hình thành mạng lưới bán buôn, bán lẻ từ thành thị đến nông thôn thông qua siêu thị, hệ thống cửa hàng vinmart+, cửa hàng tự chọn/tiện ích, 99 chợ và trên 15.000 cơ sở bán lẻ thương mại - dịch vụ phân bố tại 9 huyện, thị xã, thành phố. Các mặt hàng thiết yếu lương thực, thực phẩm, hàng công nghệ phẩm, xăng dầu, chất đốt, … nguồn cung dồi dào và đáp ứng đủ cho nhu cầu của thị trường.

Mặt hàng khẩu trang y tế trước đây sốt giá và không có hàng để mua thì nay mặt hàng khẩu trang y tế và nước rửa tay sát trùng đã đáp ứng đủ cho nhu cầu của thị trường, thông qua 495 cơ sở bán buôn và bán lẻ kinh doanh lĩnh vực thuốc tân dược (trong đó: 06 cơ sở bán buôn; còn lại 489 cơ sở bán lẻ). Các quầy thuốc và nhà thuốc đều có bán khẩu trang y tế, nước rửa tay sát trùng… giá cả tương đối ổn định. Hoạt động kinh doanh tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, các chợ truyền thống trong thời điểm hiện nay đã tăng lượng hàng hóa cần thiết và các đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân dùng nước rửa tay sát trùng và đo thân nhiệt, đeo khẩu trang khi  mua hàng. Tại các cửa hàng bán lẻ hàng hóa đầy đủ, giá cả ổn định luôn đảm bảo đủ nguồn hàng và cam kết không tăng giá để phục vụ người tiêu dùng. Tình hình thị trường nhìn chung không có biến động do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bùng phát trở lại, nguồn cầu - cầu đảm bảo, không có hiện tượng người dân đi mua hàng hóa quá nhu cầu sử dụng của gia đình và tích trữ.

           Qua nắm tình hình thị trường tại các địa bàn trong tỉnh, các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến sẵn hàng hoá ổn định, phong phú, đa dạng, đáp ứng đầy đủ cho thị trường. Giá một số nhóm hàng hóa thiết yếu trong ngày 10/8/2020, cụ thể:

- Lượng thực ổn định: gạo tẻ thường từ 14.000-16.000đồng/kg tùy loại, gạo Tám thơm 16.000-18.000 đồng/kg; gạo sén cù 22.000đ/kg, thịt bò bắp 280.000 đ/kg;

- Thực phẩm tươi sống ổn định: gà sống công nghiệp 75.000- 80.000 đồng/kg; gà ta 110.000 đ/kg tùy loại. Giá lợn thịt hơi 90.0000 đồng/kg; thịt lợn mông sấn 160.000đồng/kg, thịt lợn thăn 170.000đồng/kg, giò lụa 160.000đồng/kg, giò bò 300.000đ/kg; Trứng vịt 3.500 đồng/quả.

- Thủy hải sản: Cá chép 75-80.000đồng/kg, cá trắm, cá quả 80.000-100.000đồng/kg.

- Giá rau củ quả ổn định, nguồn cung dồi dào: Bắp cải 17.000đồng/kg, cải ngọt, cải xanh 15.000đ/kg;  su su 15.000đồng/kg, cà chua 25.000đ/kg; rau ngót, rau muống 4.000đ/bó; bí xanh, bí đỏ 10.000đ/kg.

- Hàng Công nghệ phẩm ổn định: Mỳ tôm hảo hảo 100.000đ/thùng; phở gói vifon 170.000đ/thùng; dầu ăn simply 1 lít 45.000đồng/chai, nước mắm Cát Hải 42.000đồng/chai, bột canh Hải châu 4.000đ/gói; Muối iot 4.000/gói.

- Giá các mặt hàng khẩu trang y tế dùng để phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do COVD-19, hiện nay nhiều sản phẩm phong phú về chủng loại giá 60.000 đồng đến 85.000 đồng/hộp tùy loại. Tuýp rửa tay sát khuẩn 35.000đ/tuýp...

Về lượng hàng hóa tồn trữ tại doanh nghiệp: Đối với lương thực Công ty Cổ phần Lương thực Yên Bái hiện kinh doanh và phân phối cho các thương nhân trong và ngoài tỉnh hiện còn 100 tấn gạo, theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công ty dự trữ thường xuyên trên 200 tấn gạo (phục vụ mùa giáp hạt, cứu đói, phòng chống thiên tai…), giá trị khoảng 3 tỷ đồng. Tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có các cửa hàng kinh doanh lương thực luôn duy trì 300 - 400 tấn và tự túc trong dân đảm bảo cung ứng đủ lượng gạo đến tay người tiêu dùng khi cần thiết. Đối với lương thực, thực phẩm chế biến sẵn các đơn vị doanh nghiệp phân phối thương mại đã chủ động nhập và duy trì đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu của thị trường các mặt hàng thiết yếu, gồm: Mỳ tôm: 8.000 thùng; bún phở khô 1.100 thùng; miến cháo 2.450 thùng; thủy sản 1.600 kg; thịt lợn 1.250 kg; rau củ 1.200 kg; nước mắm 5.000 chai; bột ngọt/bột nêm 3.400 gói; dầu ăn 6.420 chai; bột canh 2.300 gói; thực phẩm chế biến sẵn khác 14.400 thùng. Ước giá trị 8,6 tỷ đồng. Ngoài lương thực, thực phẩm chế biến sẵn thì các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả…nguồn cung từ ngoài tỉnh và nội tỉnh tương đối dồi dào, khả năng đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Để đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu tại tỉnh Yên Bái để ứng phó với dịch Covid - 19 trong tình hình mới các giải pháp đưa ra trong thời gian tới. Đề nghị Vụ thị trường Trong nước-Bộ Công Thương tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Công Thương trong công tác đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu tại địa phương để ứng phó với dịch Covid-19; Chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng Công ty cung ứng đủ hàng hóa cho thị trường các tỉnh, trong đó có tỉnh Yên Bái nhất là các mặt hàng thiết yếu, khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn..; Tăng cường công tác chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại có vai trò chi phối các mặt hàng thiết yếu như: gạo, mỳ tôm, mắm muối, hàng hóa khác có kế hoạch nhập nguồn hàng dự trữ để cung cấp cho người dân trong điều kiện mới dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng có thể diễn biến phức tạp hơn. Bố trí nguồn kinh phí ưu đãi về vốn hỗ trợ các doanh nghiệp có vai trò phân phối thị trường đối với một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm đảm bảo bình ổn giá trong tình hình mới dịch có thể diễn biến phức tạp, kéo dài. Tăng cường công tác phối hợp với lực lượng quản lý thị trường vận động các đại lý, cửa hàng bán lẻ cam kết không găm hàng, tăng giá, niêm yết giá rõ ràng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong thời gian tới để ổn định thị trường Sở Công Thương sẽ tăng cường công tác phối hợp với Cục Quản lý Thị trường để kiểm soát, nắm bắt tình hình thị trường về cung cầu, giá cả hàng hóa để kịp thời báo cáo Ủy ban nhân tỉnh, Bộ Công Thương nhằm đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu tại địa phương để ứng phó với dịch Covid - 19 được kịp thời./.

 

Nguồn: Phòng QLTM

Tin liên quan