Bạn đang ở đây

Cửa hàng, cở sở kinh doanh không đóng cửa sẽ bị xử lý mức phạt bao nhiêu?

30/03/2020 07:50:02

Để phòng chống sự lây lan của dịch Covid-19 gây ra, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ, vui chơi giải trí không cần thiết…; hạn chế tụ tập đông người. Tuy nhiên, có nhiều nơi vẫn chưa chấp hành, vậy mức xử phạt sẽ như thế nào?

Ngày 26/3, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký ban hành văn bản hỏa tốc về việc triển khai Kết luận của Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu lực lượng quân đội, công an, y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các lực lượng khác cần quyết liệt, chặt chẽ hơn trong chỉ đạo, điều hành, quyết tâm không để dịch lây lan không kiểm soát.

Tạm đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ, vui chơi giải trí không cần thiết, như: Karaoke, massage, quán bar, vũ trường, rạp chiếu phim, sân vận động, câu lạc bộ thể dục thể thao, văn hoá văn nghệ các điểm tập thể dục ngoài trời, điểm du lịch cộng đồng, quán cà phê, quán ăn, nhà hàng; khuyến khích việc bán hàng qua mạng, giao hàng tận nhà…

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện; đồng thời nghiên cứu đề xuất phương án tăng cường quản lý giám sát dịch bệnh tại các chợ, siêu thị.

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, mục tiêu của việc tạm đóng cửa các điểm dịch vụ, vui chơi giải trí, quán cà phê… là để hạn chế người dân ra đường, tụ tập đông người. Tuy nhiên nhận thức của người dân nhiều nơi vẫn chưa cao, chính quyền chưa triển khai ráo riết. Đâu đó vẫn xuất hiện tụ tập để ăn nhậu, cà phê…

cua hang co so kinh doanh khong dong cua se bi xu ly muc phat bao nhieu
Nhiều quán cafe tại TP.Huế đóng cửa theo quyết định của UBND tỉnh nhằm phòng chống dịch COVID -19

Ghi nhận của Phóng viên Báo Công Thương tại tỉnh Thừa Thiên Huế trong 2 ngày 28-29/3, đa số chủ các hàng quán chấp hành nghiêm chủ trương. Nhiều hàng quán đã treo bảng tạm nghỉ bán cà phê. Tuy nhiên, vẫn có một số chủ quán cà phê, quán ăn vẫn phục vụ khách hàng, mặc dù biết chủ trương yêu cầu tạm đóng cửa. Nếu các cở sở này vẫn tiếp tục không đóng cửa, vẫn mở bán thì có bị xử phạt không, và mức xử phạt là bao nhiêu?

Về vấn đề này trao đổi với Phóng viên Báo Công Thương - Luật sư Nguyễn Viết Hưng – Công ty Luật TNHH MTV AMI (Đoàn luật sư TP.Đà Nẵng) cho biết: Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, thì bệnh truyền nhiễm được phân thành 03 nhóm là nhóm A, nhóm B và nhóm C. Trong đó, nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. “Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola, Lassa hoặc Marburg; bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh”.

cua hang co so kinh doanh khong dong cua se bi xu ly muc phat bao nhieu
Luật sư Nguyễn Viết Hưng – Công ty Luật TNHH MTV AMI (Đoàn luật sư TP.Đà Nẵng)

Theo luật sư Hưng, căn cứ vào quy định nêu trên thì bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới virus corona COVID-19 gây ra được phân vào nhóm A, với mức độ lây lan rất nhanh và rất dễ bùng phát thành dịch trên phạm vi toàn thế giới. Với tình hình diễn biến phức tạp như hiện nay, Bộ Y tế cũng đã có những khuyến cáo đối với người dân về những việc cần phải làm ngay để phòng chống dịch bệnh COVID-19. Đối với các cơ sở kinh doanh, Bộ Y tế yêu cầu đóng cửa các dịch vụ không cần thiết như massage, vũ trường, các cơ sở du lịch, tham quan, các tụ điểm vui chơi, giải trí, các rạp chiếu phim, quán bia hơi, nhà hàng ăn uống… Trừ dịch vụ cung cấp thực phẩm, dược phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh để bảo đảm nhu cầu cần thiết cho nhân dân.

Đối với cá nhân, trước mắt thực hiện nghiêm các biện pháp không tụ tập đông người; chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật cần thiết, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang nơi công cộng, tăng cường tự bảo vệ sức khỏe; hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh trừ trường hợp thật sự cần thiết và thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chức năng, nhất là đối với người cao tuổi, có bệnh nền.

Trường hợp cơ sở kinh doanh, cá nhân không tuân thủ nội dung khuyến cáo nói trên sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP đối với hành vi vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch.

Theo đó, đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế như không đeo khẩu trang, tụ tập đông người… sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-300 nghìn đồng .

Đối với hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch hoặc không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng thì sẽ bị xử phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng.

Nguồn: báo Công thương

Tin liên quan