Bạn đang ở đây

Xây dựng thương hiệu nông sản để đẩy mạnh tiêu thụ trên môi trường số

23/06/2021 08:43:32

Bắt đầu từ ngày 21/6, hợp tác xã, hộ nông dân tại các địa phương như Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Long, Đắk Lắk và Sơn La đồng loạt đưa nông sản, đặc sản địa phương lên bán tại “Phiên chợ nông sản trực tuyến” trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Sendo. Đây là lần đầu tiên các hộ nông dân tập xây dựng “Thương hiệu riêng” để tiêu thụ nông sản trên môi trường số.

Trong khuôn khổ hợp tác Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” giữa Sàn TMĐT Sendo và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), hợp tác xã, bà con nông dân ở các tỉnh sẽ được kết nối để bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng trên các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Tiền Giang. Chương trình này đã lựa chọn những sản phẩm đang vào mùa để tổ chức bán trên sàn TMĐT Sendo bao gồm mận hậu Sơn La, bơ Đắk Lắk, vải Bắc Giang, khoai lang tím Vĩnh Long và vải Hải Dương.

Phiên chợ nông sản Việt trực tuyến trên sàn TMĐT Sendo
Phiên chợ nông sản Việt trực tuyến trên sàn TMĐT Sendo

Theo đó, từ ngày 21/6 - 26/6/2021, lần lượt nông dân tại các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Long, Đắk Lắk và Sơn La sẽ xuất hiện trên ứng dụng di động và trang Facebook của Sendo để livestream trực tuyến, chốt đơn hàng sản phẩm nông sản do tự tay mình trồng được cho khách hàng. Tất cả các sản phẩm khi đến tay người mua hàng sẽ đảm bảo tiêu chuẩn về đóng gói, có đóng dấu thương hiệu và hình ảnh của chính người nông dân. Đây là cách làm thương hiệu đa kênh độc đáo lần đầu tiên được áp dụng vào nông nghiệp số. “Phiên chợ nông sản Việt” sẽ được diễn ra trên sàn TMĐT Sendo tại địa chỉ: https://www.sendo.vn/su-kien/nong-san-sach.

Người tiêu dùng có thể trực tiếp vào trang Sendo để đặt mua sản phẩm chất lượng cao, có sự kết nối trực tiếp tới nhà vườn, sản phẩm được cam kết theo tiêu chuẩn Vietgap, Global Gap và dán nhãn tem truy xuất nguồn gốc, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm như trái vải, trái mận. Chương trình đang có 7.000 mã giảm giá đến 50.000 đồng/ đơn hàng khi thanh toán bằng Zalopay..

Với sự hướng dẫn trực tiếp từ các chuyên gia của sàn TMĐT Sendo, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, các khâu từ chuẩn bị thông tin sản phẩm, chụp hình sản phẩm, đăng thông tin giới thiệu sản phẩm nông sản của chính mình được bà con, các hợp tác xã bắt đầu thực hiện một cách thành thạo. Điểm mới lần này đó là bà con hộ nông dân, hợp tác xã có cơ hội để chính mình quảng bá hình ảnh, giới thiệu đến khách hàng và hơn nữa đó là tự xây dựng thương hiệu nông sản của riêng mình, từ đó từng bước chủ động bán nông sản lâu dài qua kênh trực tuyến thương mại điện tử.

Xuất phát thông điệp “từ vườn đến bàn ăn” của phiên chợ, các đơn hàng nông sản sau khi được khách mua chốt đơn trên sàn TMĐT Sendo sẽ được bà con nông dân thu hoạch từ vùng trồng, đóng gói theo đúng quy cách dưới sự hướng dẫn của chuyên gia sàn TMĐT Sendo và được vận chuyển thẳng đến tay người mua. Nhờ không phải qua các khâu trung gian nên sản phẩm vừa có giá hấp dẫn vừa đạt độ tươi ngon cao.

Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng - Chủ tịch sàn TMĐT Sendo - cho hay: Thương hiệu riêng, thương hiệu cá nhân gần đây đã trở thành một kênh bán hàng trực tuyến có hiệu quả cao. Vì vậy, việc tạo điều kiện để bà con nông dân đứng ra làm đại diện cho chính sản phẩm mình trồng, vừa giúp bà con bán được nhiều hàng hơn, vừa tạo cơ hội để bà con kết nối với người mua, từ đó kinh doanh lâu dài trên Sendo.

Về phía Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, cùng với vải thiều Lục Ngạn, 4 sản phẩm đặc sản khác bao gồm vải Hải Dương, bơ Đắk Lắk, mận hậu Sơn La và khoai tím Vĩnh Long được sàn TMĐT Sendo giới thiệu với người tiêu dùng Việt. Với tinh thần “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” hay tới đây là “Người Việt yêu thương nông sản Việt” là một trong những thông điệp mà chương trình hỗ trợ nông tiêu thụ nông sản trên các sàn TMĐT do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với các sàn TMĐT trong đó có sàn TMĐT Sendo sẽ tiếp tục được triển khai với các sản phẩm nông sản trên nhiều vùng miền của đất nước.

Hoạt động này là sự nối tiếp thành công của chương trình Chung tay hỗ trợ vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên sàn TMĐT tử Sendo dịp đầu tháng 6. Trong chương trình đó, Sendo đã giúp nông dân Bắc Giang tiêu thụ hơn 130 tấn vải thiều bằng cách vận dụng hiệu quả công nghệ livestream trực tuyến.

Tới đây Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin Truyền thông và các Bộ ngành liên quan tổ chức các chương trình kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, xây dựng thương hiệu nông sản Việt trong đó có các chương trình đào tạo TMĐT ở các tỉnh, địa phương.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan