Bạn đang ở đây

Thương mại điện tử: Không “bùng nổ” như kỳ vọng

12/05/2020 09:00:59

Có thể nói, trong mùa dịch Covid-19, thương mại điện tử đã phát huy tính hiệu quả, số lượng người mua sắm trực tuyến tăng đáng kể. Tuy nhiên, những kỳ vọng về sự “bùng nổ” của ngành này lại không được như mong đợi.

Lượng truy cập giảm nhẹ

Khi đại dịch đang ở cao điểm, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã dự báo, hoạt động kinh doanh trực tuyến cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi sức mua yếu mùa dịch, chỉ một số mặt hàng thiết yếu thực sự có cơ hội tăng trưởng.

thuong mai dien tu khong bung no nhu ky vong
Trong thời gian dịch người dân có nhiều thời gian để tăng tương tác

Theo “Bản đồ Thương mại Điện tử Việt Nam quý I/2020” do iPrice và SimilarWeb công bố, ba trên bốn sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam đều có lượng truy cập website giảm, trung bình giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2019; chỉ Shopee Việt Nam có lượt truy cập website tăng và tiếp tục dẫn đầu thị trường với 43,16 triệu lượt mỗi tháng. Trong đó, Tiki đạt 23,99 triệu lượt truy cập mỗi tháng, giảm nhẹ 500.000 lượt mỗi tháng so với quý IV/2019. Hai sàn cũng có lượt truy cập website giảm là Lazada Việt Nam và Sendo, giảm lần lượt 7,3 triệu lượt và 9,6 triệu lượt mỗi tháng so với quý trước.

Sở dĩ các sàn có lượng truy cập sụt giảm, theo đại diện nhóm nghiên cứu iPrice, một phần nguyên nhân là do trong mùa dịch, các sàn tiết chế hoạt động quảng cáo và khuyến mãi. Thay vào đó, họ đẩy mạnh livestream và game trên ứng dụng, mạng xã hội. Mục đích là tận dụng lúc người dân ở nhà và có nhiều thời gian ngồi trước màn hình để tăng tương tác, độ gắn kết với khách hàng, và thử nghiệm tính năng mới.

“Một nguyên nhân nữa là nhu cầu mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng trong mùa dịch thay đổi liên tục và khó đoán trước” - nhóm nghiên cứu của iPrice nhận định.

Sẵn sàng thích ứng với biến đổi

Theo báo cáo của iPrice, trong 3 tháng, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng nóng với những mặt hàng không phải chủ lực. Dữ liệu của iPrice Group cho thấy hưởng lợi đầu tiên là ngành hàng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Theo đó, tháng 2, nhu cầu tìm mua trực tuyến cho các sản phẩm khẩu trang và nước rửa tay khô lần lượt tăng 610% và 680% so với tháng 1.

Ngược lại, các ngành trước đây là “gà đẻ trứng vàng” của thương mại điện tử như thời trang và điện máy thì trong mùa dịch lại bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong 3 tháng đầu năm, các website ngành thời trang sụt giảm trung bình 38% lượng truy cập so với quý trước. Tương tự, lượng truy cập vào các website ngành điện máy trong tháng 2 giảm 17% so với tháng 1. Tuy nhiên, sang tháng 3, nhu cầu học tập và làm việc trực tuyến tăng cao, thị trường máy tính, webcam, microphone, màn hình... đã hồi phục trở lại.

Như vậy, chỉ sau 3 tháng đầu năm, thị trường thương mại điện tử đã trải qua nhiều biến chuyển do ảnh hưởng của Covid-19. Điều này vừa mang đến các cơ hội mới, vừa đặt ra thách thức cho các sàn và các website TMĐT, đòi hỏi phải nhanh nhậy và luôn sẵn sàng thay đổi. Đơn cử như một số website bán hàng mỹ phẩm hiện nay bán thêm khẩu trang và nước rửa tay khô. Kết quả cho thấy, lượng truy cập vào các website này trong quý I tăng trung bình 32% so với quý IV/2019. Còn các website thuần bán mỹ phẩm thì chỉ tăng trung bình 10%.

Trong khi đó, bốn sàn lớn nhất thị trường phải tháng 3 mới bắt đầu tập trung đẩy mạnh các mặt hàng bách hóa, chăm sóc sức khỏe phục vụ mùa dịch. “Chỉ sau khi các sàn này chuyển hướng thì lượng truy cập mới đồng loạt tăng trở lại, hứa hẹn khởi sắc giai đoạn tới.”- đại diện iPrice nhấn mạnh.

Hầu hết các tổ chức quốc tế đều dự báo thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh từ nay đến năm 2025. Tuy nhiên, để ngành này tăng trưởng mạnh, thậm chí tăng mạnh hơn dự báo, theo các chuyên gia, vấn đề cốt lõi nhất chính là chất lượng hàng hóa, dịch vụ.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan