Bạn đang ở đây

Khánh Hòa: Đề xuất điều chỉnh mức hỗ trợ kinh phí khuyến công

26/06/2020 09:41:30

Nguồn kinh phí cho triển khai công tác khuyến công hàng năm được Sở Công Thương Khánh Hòa sử dụng như “vốn mồi” khuyến khích doanh nghiệp (DN) công nghiệp nông thôn (CNNT) đầu tư ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất…  

Hỗ trợ cơ sở sản xuất
Năm 2019, Khánh Hòa dành gần 1 tỷ đồng hỗ trợ 10 DN CNNT thực hiện các đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ. Các DN sau khi nhận hỗ trợ đã đầu tư thích đáng cho thiết bị sản xuất mới, thu được hiệu quả sản xuất, kinh doanh tốt. Tiêu biểu như DN tư nhân Hưng Phát Khánh Vĩnh được hỗ trợ 75 triệu đồng; Công ty TNHH Thảo Vy Anh được thụ hưởng 90 triệu đồng; hộ kinh doanh gạch không nung Huỳnh Quốc Toản được hỗ trợ 90 triệu đồng và hộ kinh doanh sản xuất ngói xi măng Vĩnh Thạch được hỗ trợ 110 triệu đồng...

khanh hoa de xuat dieu chinh muc ho tro kinh phi khuyen cong
Khuyến công hỗ trợ cải tiến năng lực sản xuất cho doanh nghiệp

Hỗ trợ cải tiến năng lực sản xuất là nội dung ưu tiên của Khuyến công Khánh Hòa nhiều năm qua. Số liệu từ Sở Công Thương tỉnh cho thấy, 6 năm trở lại đây, địa phương đã dành 8,67 tỷ đồng trong tổng số trên 11,7 tỷ đồng nguồn kinh phí khuyến công cho triển khai nội dung này. Trong đó, khuyến công quốc gia hỗ trợ trên 3 tỷ đồng thực hiện 9 đề án, khuyến công địa phương dành trên 5,628 tỷ đồng triển khai 52 đề án.

Đánh giá từ Sở Công Thương, công tác khuyến công đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các đối tượng thụ hưởng. DN, cơ sở sản xuất CNNT có điều kiện tiết giảm chi phí sản xuất, tiếp cận công nghệ mới, từ đó ổn định sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, công tác khuyến công còn đem lại hiệu quả xã hội sâu rộng như xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.
Chủ động tiếp cận chính sách
Dù vậy, công tác khuyến công của tỉnh chủ yếu được triển khai trên nguồn vốn từ ngân sách hỗ trợ, vốn đối ứng của DN CNNT nên kinh phí thực hiện và định mức hỗ trợ cho các đề án còn thấp. Mặt khác, thủ tục, hồ sơ thanh quyết toán phức tạp cũng gây tâm lý "ngại ngần" cho DN. Hơn nữa, do hầu hết đối tượng thụ hưởng chính sách có quy mô sản xuất nhỏ và siêu nhỏ, thực hiện đóng thuế theo hình thức thuế khoán, máy móc thiết bị mua giá rẻ, không có hóa đơn, chứng từ… cũng là nguyên nhân khiến cơ sở không đủ điều kiện hưởng hỗ trợ.

Giai đoạn mới (2021 - 2025), trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do không chỉ tác động đến xuất khẩu mà còn ảnh hưởng cả thị trường trong nước, Sở Công Thương Khánh Hòa đã đặt thêm nhiệm vụ cho công tác khuyến công. Theo đó, sẽ tập trung hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu; giảm phát thải hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Ưu tiên triển khai nội dung đầu tư, cải thiện năng lực sản xuất. Theo đó, Khánh Hòa sẽ hỗ trợ 10 mô hình trình diễn kỹ thuật mới; 50 mô hình chuyển giao công nghệ tiên tiến; 5 mô hình cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý môi trường tại cơ sở CNNT và cụm công nghiệp…

Để thực hiện tốt nhiệm vụ, đại diện Sở Công Thương Khánh Hòa đề xuất: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nghiên cứu, điều chỉnh tăng mức chi hỗ trợ đối với nội dụng hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất mới, ứng dụng máy móc tiên tiên vào sản xuất, đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp.

Về phía DN CNNT, cần chủ động hơn trong tiếp cận chính sách khuyến công, mạnh dạn đổi mới tư duy, cập nhật thông tin về công nghệ sản xuất, thị trường.

Tổng kinh phí thực hiện công tác khuyến công của Khánh Hòa từ năm 2014 - 2020 là 50,22 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn ngân sách hỗ trợ 11,7 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của DN.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan