Bạn đang ở đây

Kết nối đưa bưởi Phúc Trạch lên sàn thương mại điện tử

12/08/2021 09:26:03

Để bưởi Phúc Trạch và các mặt hàng nông sản khác của Hà Tĩnh mở rộng kênh tiêu thụ trong thời điểm dịch COVID-19, địa phương cần có sự liên kết với các sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhấn mạnh tại Hội nghị bàn về giải pháp tiêu thụ bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh), do UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức mới đây bằng phương thức trực tuyến.

Kết nối đưa bưởi Phúc Trạch lên sàn thương mại điện tử

Phân phối qua TMĐT, giải pháp cấp bách

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khó lường, các Bộ ban ngành từ trung ương đến địa phương nhận định việc tìm đầu ra cho các sản phẩm địa phương, nông sản địa phương là việc làm cấp bách, từ đó sớm có phương án đồng hành, hỗ trợ cụ thể nhằm tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương nói chung, đặc biệt là mặt hàng Bưởi Phúc Trạch nói riêng giúp bà con nông dân ổn định đầu ra, đưa sản phẩm nông sản chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng.

Theo báo cáo của huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) năng suất của quả bưởi Phúc Trạch là 12 tấn/ha tương đương sản lượng hơn 12.000 tấn trên toàn địa bàn trồng trọt. Những năm trước đây, bưởi Phúc Trạch được phân phối theo phương thức truyền thống qua hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh, các chợ đầu mối, qua các doanh nghiệp đầu mối thu mua, các chuỗi cửa hàng nông sản . . .

Bên cạnh đó, năm nay sản phẩm bưởi Phúc Trạch qua hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông tỉnh ngành nông nghiệp về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và tiêu thụ bưởi đã có 159 tổ hợp tác đăng ký được công nhận tiêu chuẩn VietGap. Đồng thời huyện Hương Khê tăng cường tổ chức thanh tra kiểm tra các đơn vị trồng bưởi Phúc Trạch để đảm bảo chất lượng sản phẩm bưởi đúng theo chỉ dẫn địa lý. Ngoài ra việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, bản đồ số sản phẩm bưởi Phúc Trạch được công ty Cổ phần I-check thực hiện thời gian qua sẽ góp phần quản lý chất lượng sản phẩm và xuất xứ đối với sản phẩm bưởi Phúc Trạch, Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, đến vụ mùa năm nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khó lường, một số thị trường tiêu thụ lớn của bưởi Phúc Trạch như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 đã ảnh hưởng lớn đến sức tiêu thụ, bằng chứng là khi bưởi Phúc Trạch bắt đầu vào mùa, lượng lớn sản lượng bưởi chưa được các thương lái, doanh nghiệp thu mua như mọi năm, việc vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đặng Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh, bên cạnh kênh truyền thống dù khó khăn vẫn tiếp tục phải đẩy mạnh, việc mở rộng thêm kênh phân phối qua TMĐT và môi trường số là một trong giải pháp cấp bách và thiết thực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp khó lường. UBND tỉnh Hà Tĩnh tìm hiểu lắng nghe những khó khăn của doanh nghiệp, bà con nông dân từ đó đã và đang gấp rút chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án tiêu thụ hiệu quả cho bà con khi trái bưởi Phúc Trạch đang vào mùa thu hoạch.

Buwoir Phúc Trạch đang vào mùa thu hoạch
Bưởi Phúc Trạch đang vào mùa thu hoạch

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Hợp tác xã Đồng Chiến (Phúc Đồng - Hương Khê - Hà Tĩnh) lo lắng cho hay, vụ mùa năm nay sẽ khó khăn trong việc tiêu thụ do dịch bệnh và mong muốn được các cấp quản lý nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ giúp bà con nông dân bán được giá đồng thời quảng bá nông sản và sớm đưa mặt hàng bưởi Phúc Trạch lên các sàn TMĐT.

Đồng quan điểm, ông Trần Kim Việt - Giám đốc doanh nghiệp Vườn Ươm Việt là đơn vị kinh doanh lâu năm, chuyên thu mua bưởi Phúc Trạch phân phối cho các hệ thống siêu thị như Vinmart, TH cho biết, đơn vị này đang gặp rất nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển do Hà Nội đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, doanh nghiệp chưa có xe được đăng ký “luồng xanh” do đó không cung ứng được hàng hoá cho các siêu thị.

Bà Nguyễn Thị Hằng - đại điện Hợp tác xã Nhật Hằng bày tỏ, tuy đơn vị đã bố trí được các xe tải vận chuyển đã được cấp thẻ “luồng xanh" nhưng hiện nay do dịch bệnh Covid-19 nên các đầu mối tiêu thụ đều giảm sút mạnh… Bên cạnh đó, Hợp tác xã Nông nghiệp Choa là một trong những đơn vị đang ứng dụng TMĐT trong việc tiêu thụ hàng hoá và bước đầu cho thấy kết quả hết sức tích cực. Tuy nhiên, việc các nhân viên giao nhận TMĐT bị hạn chế do quy định giãn cách ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố lớn dẫn tới khó khăn trong khâu chuyển hàng.

Các sàn TMĐT vào cuộc

Ông Bùi Huy Hoàng- đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thông tin, hiện nay, Cục đã triển khai hợp tác phân phối mặt hàng nông sản ở các địa phương trên các sàn TMĐT như Sen Đỏ, Vỏ Sò (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart, Lazada theo các hình thức khác nhau nhằm hỗ trợ tiêu thụ các nông sản, hàng Việt đến tay người tiêu dùng trên cả nước. Điển hình là chương trình Vải thiều Hải Dương, Vải thiều Bắc Giang, Bơ Đắk Lắk, Nho Ninh Thuận, Mận - Xoài Sơn La.. được phân phối trên các sàn TMĐT khá đồng bộ”. “Trong thời điểm hiện tại, khó khăn lớn nhất đối với việc tiêu thụ bưởi Phúc Trạch là do ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội tại 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh áp dụng theo Chỉ thị 16 khiến cho hàng hoá lưu thông từ các địa phương khác vào địa bàn, và trong địa bàn đều bị hạn chế”- ông Bùi Huy Hoàng nhận định.

Hà Tĩnh đã hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc cây bưởi Phúc Trạch tại địa chỉ: https://buoiphuctrach.gov.vn
Hà Tĩnh đã hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc cây bưởi Phúc Trạch tại địa chỉ: https://buoiphuctrach.gov.vn

Với vai trò đầu mối của Bộ Công Thương về quản lý và phát triển TMĐT, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ kết nối và tổ chức cùng với các sàn TMĐT hợp tác với Cục để hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ phân phối sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm nông sản địa phương, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chất lượng tốt ở các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, khi tham gia vào “Gian hàng Việt trực tuyến" doanh nghiệp sẽ được các chuyên gia TMĐT tư vấn hoàn toàn miễn phí từng bước từ khâu đăng ký gian hàng, xử lý hình ảnh, đăng bán, đóng gói, giao hàng, các kĩ thuật hỗ trợ bán hàng hiện đại… Đáng chú ý, các doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt tham gia phân phối trên “Gian hàng Việt trực tuyến” còn được hỗ trợ truyền thông quảng bá sản phẩm, được hưởng các chính sách ưu đãi đặc biệt từ các sàn thương mại điện tử, được hỗ trợ chi phí chuyển phát, và hỗ trợ các giải pháp tài chính từ các đối tác của chương trình.

Ông Bùi Huy Hoàng nhấn mạnh, để bưởi Phúc Trạch nói riêng, sau là các mặt hàng nông sản khác của Hà Tĩnh như cam Khe Mây . . . mở rộng kênh tiêu thụ trong giai đoạn chống dịch căng thẳng cần có sự liên kết chặt chẽ thông tuyến vận tải giữa các tỉnh trong việc vận chuyển hàng hoá đồng thời vẫn đảm bảo các yêu cầu phòng dịch. Bên cạnh đó, tỉnh Hà Tĩnh cần chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá hình ảnh nông sản tiêu biểu thông qua hình thức truyền thông đa kênh.

Ngoài ra, Hà Tĩnh cung cấp cho phía Cục danh sách các Hợp tác xã nhà vườn có sản phẩm nông sản chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn Vietgap cũng như các loại chứng nhận chất lượng, từ đó Cục phối hợp với các sàn TMĐT giúp bà con nông dân đưa trái bưởi Phúc Trạch sớm hiển thị trên môi trường trực tuyến”.

Về phía sàn TMĐT Postmart cho biết, với hệ thống trên 13.000 bưu cục trên địa bàn cả nước cùng kinh nghiệm hợp tác cùng các đơn vị quản lý từ trung ương đến địa phương, cam kết sẽ tiêu thụ 500 tấn bưởi Phúc Trạch qua hệ thống Bưu điện các tỉnh. Bên cạnh đó, Viettel Post Hà Tĩnh cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các Sở ban ngành, cùng với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, sàn TMĐT Voso đồng hành hỗ trợ bà con nông dân đưa sản phẩm trái bưởi và các nông sản khác lên sàn Voso, từ đó giúp đưa trái bưởi Phúc Trạch đến tay người tiêu dùng.

Về phía địa phương, ông Đặng Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh giao huyện Hương Khê chỉ đạo các đầu mối truyền thống thu mua cho bà con đánh giá kỹ sản lượng, chất lượng dự báo các tình huống về tình hình tiêu thụ bưởi năm nay; sớm có sự chuẩn bị, tháo gỡ khó khăn kịp thời đặc biệt là việc chủ động cho các tình huống thiên tai, mưa lũ, dịch bệnh trong mùa thu hoạch. Đồng thời, kết nối sớm với các sàn TMĐT thông qua sự hỗ trợ của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ động lượng hàng, chất lượng tốt giúp nông sản nói chung và trái bưởi Phúc Trạch nói riêng tiếp cận phương thức phân phối hiện đại.

UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu huyện Hương Khê, Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải tỉnh Hà Tĩnh cũng cần thành lập các tổ, nhóm (ưu tiên trực tuyến) giữa các đơn vị tiêu thụ, người dân sản xuất với các đơn vị vận tải để tạo đầu mối và mối liên kết để giúp bà con tiêu thụ, vận chuyển bưởi Phúc Trạch. Bên cạnh đó, quản lý tốt công tác cấp, sử dụng tem nhãn sản phẩm, tránh để các trường hợp sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng làm ảnh hưởng đến thương hiệu bưởi Phúc Trạch.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan