Bạn đang ở đây

Đổi đời nhờ OCOP

04/02/2020 10:19:02

Khi cây, củ đã hết thời "thay gạo"!

Sáng, sương giăng mờ ảo đèo Áng Tòng trên quốc lộ 3B từ TP. Bắc Kạn đi huyện Na Rì – con đèo mà nhiều năm trước đón người viết chỉ là những cánh rừng âm u với vài nóc nhà lúp xúp nép mình dưới tán cây. Vậy mà Xuân này, cùng hoa rừng khoe sắc là bạt ngàn màu tía của những cánh đồng dong riềng đỏ quện trong tiếng ầm ì của máy móc, tiếng công nhân rộn rã trong những nhà xưởng, trên những sân phơi miến dong – thứ đặc sản giúp cuộc sống người dân nơi đây ngày một sung túc.

Trên thửa đất hơn 1.500 m2, gia đình chị Vi Thị Lanh (thôn Kẻ Cọ, xã Côn Minh, huyện Na Rì) đang tất bật thu hoạch lứa dong riềng cuối năm. Thoăn thoắt đôi tay nhổ, nhặt, người phụ nữ Tày trung niên nhớ lại, người địa phương đã trồng giống cây này từ lâu, nhưng chỉ xen canh với lúa nương, ngô răng ngựa. Mỗi năm, từ củ dong, người dân xay, nghiền, làm vài bó miến dong dùng trong dịp Tết. Những năm ngô, lúa kém thu, củ dong thay gạo cũng qua được mùa giáp hạt.

Giống như cây dong riềng, cuộc sống người dân nơi đây đã đổi thay khi làn gió nông thôn mới thổi về bằng những chủ trương, nghị quyết của chính quyền chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Cây dong riềng đã "lên ngôi" bởi sức vươn mãnh liệt và bàn tay cần cù, sáng tạo của con người.

"Chính quyền cử cán bộ xuống tận đồng hướng dẫn làm đất, chọn giống, bón phân…" và "từ ngày nhà chị Hoan – Giám đốc HTX miến dong Tài Hoan - mua máy móc, lập xưởng, thu mua dong củ chế biến thành miến dong đặc sản, cả xã tôi sống bằng cây dong này" – Chị Lanh vui mừng khoe, vụ này nhà tôi thu hơn 10 tấn củ, bán cho HTX được hơn 20 triệu đồng, cao hơn làm lúa nhiều lắm.

Rời cánh đồng dong và xưởng miến nơi chân đèo sương phủ, tôi ngược quốc lộ 3 hướng Cao Bằng để leo lên những quả "núi nghệ vàng" ở xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn). Bước theo ông Tổ trưởng Tổ sản xuất Nguyễn Văn Luyến lên nương, nghe ông kể về thứ cây đã đưa cả xã thoát nghèo, rằng: Nghệ vốn là cây bản địa, nhưng giống như cây dong riềng xứ Côn Minh, bao năm nó chỉ là gia vị cho món thịt gà và vài vị thuốc dân gian. Rồi cách nay vài năm, cán bộ xã, huyện, rồi chủ doanh nghiệp (DN) đến hướng dẫn cải tạo rừng nghèo, chỉ cách làm đất, lựa giống, chăm bón… rồi bao tiêu sản phẩm ra đời từ củ nghệ.

Khoát cánh tay bao quát cả vạt núi, ông Luyến cho biết, khoảng 18 ha của 15 hộ đấy. Toàn nghệ vàng trồng dưới tán keo, mận, quế… Cứ gối vụ 2 năm, mỗi ha cho người dân hơn trăm triệu đồng, thêm nguồn thu từ gỗ, hoa quả, trừ hết chi phí và nhân công cũng còn cỡ 70-80 triệu đồng.

Trong ngôi nhà khang trang gia đình ông vừa cất tốn hơn 600 triệu đồng, ông nông dân Nguyễn Văn Luyến không giấu được niềm vui và không quên cảm ơn những người đã cùng ông và dân bản nâng tầm giá trị cây nghệ vàng trên núi.

Đặc sản lên máy bay, vào siêu thị

Trong trụ sở bày cơ man lọ, túi, hộp nghệ, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn, anh Hà Văn Cường - vốn là luật sư chuyên ngành kinh tế - cho biết, khoảng năm 2014, anh dời Hà Nội về quê mở công ty nông sản.

"Quá nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, nhất là trình độ, thói quen canh tác lạc hậu của người dân khiến công ty nhiều năm trầy trật" – anh Cường tâm sự, nhưng rồi, khi những chương trình lớn của nhà nước về đến nơi, nào 135, nông thôn mới, 30a… đặc biệt, Chương trình OCOP được đồng loạt triển khai, anh đã quyết tâm "làm lớn" bằng việc bắt tay với người dân cùng làm nông nghiệp.

doi doi nho ocop
Anh Hà Văn Cường giới thiệu sản phẩm làm từ củ nghệ của Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn
doi doi nho ocop
Người dân đã và đang làm giàu từ cây đặc sản

"Phải chuẩn hóa, phải hiện đại hóa!" – anh Cường quả quyết và cho hay, DN phối hợp với các cơ quan chức năng, thuê chuyên gia, kỹ thuật viên xuống thôn, bản "cầm tay, chỉ việc" cho người dân sản xuất sản phẩm đạt chuẩn. Từ vài hecta nghệ vàng của mấy chục hộ dân, giờ công ty đã có hơn 100 hecta của gần 4.000 hộ liên kết trồng nghệ theo tiêu chuẩn Organic, trong đó có 33 ha được cấp Chứng nhận Organic theo tiêu chuẩn Mỹ (USDA).

"Với hệ thống nhà xưởng hiện đại, sản phẩm từ cây nghệ của chúng tôi không chỉ tiêu thụ trong nước mà đã xuất khẩu sang Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản…" - anh Cường vui mừng cho biết: "Nghệ Bắc Kạn giờ đã vào siêu thị, lên máy bay rồi anh ạ".

Những câu chuyện góp nhặt nơi núi rừng đưa tôi về hành lang Quốc hội trong Kỳ họp thứ 8 mới đây, khi bà Phương Thị Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn - bảo rằng, với trên 72% lao động sản xuất nông nghiệp, nên lãnh đạo địa phương xác định, để phát triển kinh tế - xã hội thì mũi nhọn chính là những lĩnh vực này - Bà Thanh nói và liệt kê, từ Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 26/4/2016 về "Xây dựng hợp tác xã kiểu mới; Nghị quyết số 11/2015/ NQ-HĐND ngày 3/4/2015 quy định một số chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông-lâm nghiệp… đến Nghị quyết 08/2017 của HĐND tỉnh, về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa…

"Đặc biệt, năm 2018, Bắc Kạn triển khai Chương trình OCOP với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân" – Bà Thanh nói và cho biết, giờ đã có 103 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, nhưng quan trọng hơn là, với nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng", Chương trình OCOP đã làm thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh theo hướng hàng hóa gắn với chuỗi giá trị hoàn chỉnh…

Chiều, hoàng hôn trả về cho núi rừng Bắc Kạn sự tĩnh lặng, nhưng ẩn dưới tán rừng là những mầm dong, gốc nghệ, và bao thứ cây, con, đặc sản của núi rừng đang âm thầm sinh trưởng. Cùng quyết tâm của chính quyền, người dân và DN trong nỗ lực thoát nghèo, thì ngày mai, khi nhìn thấy những đặc sản gắn tên Bắc Kạn, người ta sẽ hiểu, đó là tinh túy của núi rừng nhờ bàn tay những con người đang khát vọng ấm.

Nguồn: báo Công thương

Tin liên quan