Bạn đang ở đây

Công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp tỉnh Bình Thuận: Thay đổi rõ nét

01/10/2019 11:07:49

Bên cạnh những chính sách lớn do Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt, ban hành kịp thời nhiều văn bản, chính sách phù hợp: Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; quy hoạch các điểm công nghiệp, dịch vụ tập trung để bố trí di dời các cơ sở sản xuất, dịch vụ nằm trong các khu dân cư đô thị tại thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi; kế hoạch phát triển CN – TTCN đến năm 2020; chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị đối với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm lợi thế giai đoạn 2016 - 2020...

cong nghiep tieu thu cong nghiep tinh binh thuan thay doi ro net
Tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp

Những chính sách trên được các cấp, các ngành của tỉnh nhanh chóng triển khai và hiện thực hóa thành những kết quả tốt. Cụ thể, trong 3 năm (2016 – 2018), đã có 5 khu công nghiệp được đầu tư hạ tầng với giá trị 729,45 tỷ đồng, thu hút 25 dự án đầu tư... Cùng đó, các dự án năng lượng, khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn cũng gấp rút được hoàn thành, đóng góp lớn vào phát triển sản xuất CN-TTCN.

Đặc biệt, công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư được quan tâm thực hiện đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tới tìm hiểu và rót vốn vào một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Kết quả, giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh thu hút được 138 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp với tổng vốn 77.052,13 tỷ đồng.

Có thể thấy, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 08, CN-TTCN Bình Thuận khởi sắc rõ nét, giá trị sản xuất tiếp tục tăng trưởng bình quân 10,87%/năm, cao hơn chỉ tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016-2020.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, sản xuất CN-TTCN trên địa bàn đã phát triển nhưng chưa bền vững: Công nghiệp chế biến chưa khai thác tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có; công nghiệp chế biến titan còn chậm; kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp còn thiếu và chưa đồng bộ...

Với những hạn chế trên, UBND tỉnh Bình Thuận xây dựng giải pháp nhằm sớm khắc phục hạn chế, khó khăn. Theo đó, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch đã được duyệt; sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế. Bình Thuận cũng sẽ huy động nhiều nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng; tập trung theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện hoàn thành cơ bản đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp: Phan Thiết 2, Hàm Kiệm I, Hàm Kiệm II, Sông Bình, Tuy Phong và mỗi huyện có 1 cụm công nghiệp được đầu tư hoàn chỉnh; tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; bảo đảm nguồn lực phát triển CN-TTCN; ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy định; hỗ trợ các hoạt động khuyến công, đào tạo nghề và xúc tiến đầu tư...

Tốc độ tăng trưởng CN-TTCN của Bình Thuận 3 năm vừa qua bình quân đạt 10,87%/năm, chiếm tỷ trọng 26,61% tổng sản phẩm trên địa bàn. Kết quả này có được nhờ những chính sách phù hợp được ban hành kịp thời, thực hiện sát sao.

Nguồn: báo Công thương

Tin liên quan