Bạn đang ở đây

Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa Việt qua Amazon

01/10/2019 10:15:22

Kết quả bước đầu

Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), Bộ Công Thương - xu hướng bùng nổ Internet và các thiết bị điện tử đang tạo ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận khách hàng trên toàn thế giới. TMĐT không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua rào cản địa lý để tìm kiếm khách hàng, mà còn giúp giảm bớt chi phí. Sự thành công của một số doanh nghiệp Việt bán hàng trên các TMĐT như Andre Gift Shop, Paper Color… ngày càng phổ biến, thương hiệu hàng hóa của Việt Nam ngày càng thu hút người tiêu dùng quốc tế.

bo cong thuong tiep tuc ho tro xuat khau hang hoa viet qua amazon
Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch cụ thể xúc tiến xuất khẩu hàng hóa thương hiệu Việt trên Amazon

Nắm bắt xu hướng này, Bộ Công Thương đã hợp tác với Amazon lựa chọn 105 doanh nghiệp để đào tạo và hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa qua trang TMĐT của Amazon.

Đến nay, trong số 105 doanh nghiệp được lựa chọn, đã có hơn một nửa doanh nghiệp thành công mở tài khoản bán hàng trên Amazon; 16 doanh nghiệp có sản phẩm trên trang website amazon.com; 14 doanh nghiệp đã thực hiện giao dịch thành công với người tiêu dùng Mỹ. Đặc biệt, trong Prime Day là hoạt động khuyến mãi lớn nhất trong năm của Amazon, có doanh nghiệp đã bán hết toàn bộ hàng có sẵn trong kho của Amazon.

“Cục XTTM cũng đã lựa chọn một số doanh nghiệp có kết quả hoạt động tốt trên Amazon tham gia đoàn làm việc tại Mỹ, nhằm giúp doanh nghiệp tận mắt chứng kiến các hoạt động giao dịch sôi động tại trụ sở và kho hàng của Amazon”, ông Vũ Bá Phú cho hay.

Đánh giá về kết quả này, ông Vũ Bá Phú cho rằng: Tuy số lượng doanh nghiệp bán hàng thành công trên Amazon chưa nhiều nhưng bước đầu các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã thâm nhập được thị trường Mỹ thông qua TMĐT theo hình thức B2C tới tận tay người tiêu dùng. Đây cũng là một trong những mục tiêu mà Amazon và Cục XTTM đặt ra từ những ngày đầu đàm phán. Trong tương lai, chương trình hợp tác này hứa hẹn sẽ đem lại nhiều thành quả to lớn hơn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Hoạt động cụ thể

Có thể thấy, TMĐT đang dần trở thành kênh xuất khẩu cũng đồng thời là kênh xúc tiến xuất khẩu hữu hiệu cho hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới. Bộ Công Thương cũng đã xây dựng kế hoạch XTTM phát triển xuất khẩu trung và dài hạn, có trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương hiệu Việt thông qua môi trường TMĐT và các nền tảng công nghệ số.

Cụ thể, trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến xuất khẩu qua Amazon giai đoạn 2020 - 2021, Cục XTTM sẽ phối hợp với Amazon hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu thông qua các hoạt động cụ thể. Theo đó, hướng dẫn các doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng và sử dụng "Amazon Brand Registry" 2.0 hoặc công cụ "Nội dung thương hiệu nâng cao" của Amazon - là chương trình xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho các doanh nghiệp trên Amazon. Phối hợp với Amazon lựa chọn những sản phẩm, thương hiệu hàng hóa của Việt Nam bán chạy, có uy tín đưa vào danh sách ưu tiên hiển thị trên Amazon. Thông qua các chương trình, sự kiện XTTM trong và ngoài nước, Cục XTTM phối hợp với Amazon tổ chức quảng bá cho doanh nghiệp tham gia chương trình có sản phẩm bán chạy trên Amazon, giúp các doanh nghiệp này tiếp cận thêm các đối tác tiềm năng.

Bên cạnh đó, Amazon sẽ hỗ trợ Cục XTTM và các tổ chức XTTM của Việt Nam mở gian hàng chung trên Amazon. Dự kiến, Cục XTTM sẽ thành lập một tài khoản bán hàng chung và lựa chọn một số doanh nghiệp có sản phẩm phù hợp cùng sử dụng tài khoản này. Đây là cách thức giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội thực hành và rút kinh nghiệm trước khi tự đứng ra sử dụng tài khoản bán hàng độc lập của mình. Theo đó, mỗi gian hàng chung này sẽ là đại diện bán hàng cho hàng chục doanh nghiệp với hàng trăm sản phẩm.

Mặc dù đã có kế hoạch cụ thể giúp doanh nghiệp Việt mở rộng kênh bán hàng trên Amazon, tuy nhiên ông Vũ Bá Phú vẫn lưu ý: Bên cạnh sự hỗ trợ và đồng hành từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, điều cốt lõi để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia và phát triển kinh doanh lâu dài trên nền tảng TMĐT vẫn là uy tín và chất lượng sản phẩm; sự chủ động của doanh nghiệp trong việc đầu tư nâng cao kỹ năng ứng dụng TMĐT và có kế hoạch xây dựng, phát triển thương hiệu bền vững.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan