Bạn đang ở đây

"Bắt tay" tìm đầu ra cho sản phẩm

25/09/2019 09:50:38

Chủ động tìm đối tác

Với mục tiêu đạt 1.000 điểm bán hàng vào cuối năm 2019, Saigon Co.op được đánh giá là nhà bán lẻ thuần Việt có nhiều mô hình bán lẻ nhất, phủ kín hầu hết phân khúc khách hàng của thị trường bán lẻ Việt Nam và phủ rộng trên 43 tỉnh, thành phố cả nước.

Theo ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng giám đốc thường trực Saigon Co.op, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, Saigon Co.op liên tục triển khai hoạt động liên kết với nhà sản xuất, tìm kiếm nguồn hàng chất lượng. Đến nay, Saigon Co.op đã ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với rất nhiều hợp tác xã, DN và hộ nông dân tại các tỉnh, thành phố. Cùng với đó, Saigon Co.op đã đưa hàng hóa đến những thị trường trọng điểm, có yếu tố tương đồng với Việt Nam và được đánh giá cao về chất lượng nguồn hàng. "Từ thị trường này, DN sẽ vươn rộng sang các nước khác, mang lại hiệu quả kết nối lâu dài" - ông Đức nói.

bat tay tim dau ra cho san pham
Saigon Co.op có nhiều mô hình bán lẻ nhất

Là DN sản xuất sợi có quy mô lớn của tỉnh Thái Bình, những năm qua, Công ty Cổ phần (CP) Dam San luôn chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức. DN cũng thường xuyên tham gia các sự kiện kết nối cung - cầu trong lĩnh vực sản xuất, khai thác mọi kênh thông tin để giới thiệu sản phẩm và kết nối với nhà nhập khẩu.

Chia sẻ về quá trình thực hiện, ông Vũ Huy Đông - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Dam San - cho hay, công ty thường áp dụng 2 hình thức xúc tiến thương mại; trong đó, phương pháp truyền thống là thông qua chào hàng trực tiếp, email, qua các trang thương mại điện tử như Alibaba, Amazon, Facebook. Một phương thức khác là tham gia đoàn xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương tổ chức, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm nhà nhập khẩu tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. "Kết quả lớn nhất hoạt động xúc tiến thương mại đạt được là truyền thông, giới thiệu sản phẩm của công ty tới rộng rãi các nhà nhập khẩu lớn trên thế giới" - ông Đông nhấn mạnh.

Sự chủ động của DN trong tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho thấy, nhận thức của DN về tính cộng đồng trong kinh doanh đã thay đổi rõ nét. Thay vì "mạnh ai nấy làm", DN đã biết cộng sinh, cùng chia sẻ lợi ích và hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn khi thị trường biến động. Điều này không chỉ giúp DN xây dựng được hệ thống phân phối rộng khắp mà còn giúp ổn định sản xuất và quan trọng hơn, người tiêu dùng trong nước được mua sắm hàng hóa với chất lượng tốt, giá thành ổn định.

Trong xu thế hội nhập toàn cầu, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm được thực hiện rộng rãi với sự tham gia của các tổ chức kinh tế, hiệp hội ngành hàng và đặc biệt là tự thân vận động của DN đã từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước, vươn ra thị trường quốc tế. Hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu đã trở thành giá trị vững bền DN có thể đạt được và phát huy trong tương lai.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Anh Đức bày tỏ, kết nối đối tượng, bạn hàng có cùng nhu cầu, quan hệ cung - cầu mang nền tảng lâu dài. Bên cạnh đó, cần sự kết nối tổng thể giữa DN Việt Nam nói chung, DN Việt Nam với DN nước ngoài nói riêng nhằm tạo nên thế mạnh về quy mô, chia sẻ khó khăn và cùng nhau phát triển. "Quan trọng nhất, các DN phải tìm ra được thế mạnh cốt lõi để đánh giá chính xác lợi thế bản thân, phương thức cung cấp hàng hóa ra thị trường" - ông Đức nói.

Ở khía cạnh chính sách, ông Đỗ Văn Vẻ - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Bình - mong muốn, cộng đồng DN tích cực tham gia phản biện cơ chế, chính sách để có được môi trường kinh doanh thuận lợi. Mặt khác, với những vướng mắc về cơ chế, chính sách đã được phản ánh, DN mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục nghiên cứu đưa ra cơ chế, chính sách phù hợp; trong đó, có điều chỉnh các dự luật như: Luật Đầu tư, Luật Đất đai… theo hướng thuận lợi cho DN. Ông Vẻ đề nghị: Đã đến lúc, chúng ta áp dụng công nghệ cao, phần mềm quản lý hiện đại, có thể giao dịch qua mạng internet. Như vậy, sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí cho DN, giảm thời gian lưu kho, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ thuận lợi hơn.

Sự chủ động trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã mang lại lợi ích kép cho các nhà bán lẻ khi bảo đảm được nguồn hàng, tạo nền tảng cho DN tiến ra thị trường thế giới.

Tin liên quan