Bạn đang ở đây

Đắk Lắk: Bảo tồn và phát triển làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

07/09/2020 09:22:37

Làng nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN-TCCN) là những ngành nghề gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần và sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Việc bảo tồn, phát triển các nghề này là cần thiết nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, ngoài ra còn tạo việc làm, tăng thu nhập góp phần phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số ở những nơi có làng nghề và lao động nông thôn khác.

Bước phát triển đáng kể

Theo Sở Công Thương Đắk Lắk, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 15 điểm, cụm thuộc 5 làng, ngành nghề ở 6 huyện, thị xã, thành phố cần được bảo tồn. Theo đó, nghề dệt thổ cẩm có 10 cụm nghề thuộc TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và các huyện: Buôn Đôn, Lắk, Cư M’gar. Nghề đan lát có 2 điểm thuộc huyện Lắk và thị xã Buôn Hồ. Nghề làm gốm cổ có 1 cụm tại huyện Lắk. Sản xuất rượu men lá có 2 cụm thuộc huyện Krông Năng.

Tuy nhiên, tại Đắk Lắk hiện mới chỉ có 1 làng nghề (làng nghề bánh tráng thôn 5, 6, 7 xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) được công nhận đạt tiêu chí làng nghề theo quy định. Tổng vốn của làng nghề là 5.860 triệu đồng, trong đó vốn cố định là 5.500 triệu đồng, vốn lưu động là 360 triệu đồng, vốn bình quân/hộ là 50 triệu đồng; làng nghề được tổ chức sản xuất dưới hình thức hợp tác xã với quy mô 62 hộ và 144 lao động.

Việc hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương giúp các cơ sở đầu tư máy móc thiết bị mới góp phần tăng công suất sản xuất, giảm giá thành sản phẩm

Ông Lưu Văn Khôi - Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk - cho biết: Được sự quan tâm của chính quyền các cấp cùng với sự nỗ lực của chủ các cơ sở sản xuất nghề nông thôn trong những năm qua đã có bước phát triển đáng kể, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, giải quyết công ăn việc làm cho lao động tại chỗ, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân. “Bên cạnh đó, với sự phát triển của các làng nghề giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng các ngành tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ”, ông Khôi chia sẻ.

Theo Sở Công Thương Đắk Lắk, năm 2010 xây dựng chương trình điều tra, khảo sát xây dựng làng nghề bánh tráng tại thôn 5, 6, 7 xã Ea Bar, từ quỹ khuyến công địa phương, với tổng kinh phí thực hiện 35 triệu đồng. Trình UBND tỉnh ra Quyết định công nhận làng nghề theo quy định hiện hành. Trong năm 2015 có 1 làng nghề tại thôn 5, 6, 7 xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí làng nghề theo quy định tại Nghị định 66/2006/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.

Vẫn còn một số khó khăn cho phát triển làng nghề bền vững

Theo Sở Công Thương Đắk Lắk, năm 2019 doanh thu hoạt động, sản xuất kinh doanh trong làng nghề CN-TTCN của tỉnh đạt 1,008 tỷ đồng, thu nhập bình quân của lao động là 4 triệu đồng/tháng. Tùy theo nhu cầu và thị trường thời gian hoạt động nhiều trong thời gian trước Tết Nguyên đán 4 tháng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của làng nghề chủ yếu trong tỉnh và các vùng lân cận.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Công Thương Đắk Lắk cho rằng: Vẫn còn tồn tại một số khó khăn để phát triển làng nghề CN-TTCN. Cụ thể, quy mô sản xuất làng nghề còn nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu chậm đổi mới; năng lực của cán bộ quản lý còn hạn chế; trình độ chuyên môn kỹ thuật còn thấp. Chưa xây dựng được thương hiệu đặc trưng cho sản phẩm...

Sở Công Thương Đắk Lắk tổ chức nghiệm thu Đề án Khuyến công địa phương 2020 tại Cụm công nghiệp Ea Ral, huyện Ea H’leo

Ông Khôi cho biết, nguyên nhân là do hầu hết các cơ sở chưa có định hướng phát triển lâu dài, thiếu vốn, thiếu lao động có tay nghề cao. Mối liên kết giữa các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn với các nhà khoa học, nhà đầu tư và thị trường chưa có sự gắn bó chặt chẽ, việc mở rộng, quảng bá, giao lưu hàng hoá, mở rộng thị trường với các khu vực khác trên cả nước chưa triển khai thường xuyên nên việc nắm bắt thông tin thị trường còn hạn chế.

Bên cạnh đó, việc áp dụng và đổi mới công nghệ tại các cơ sở sản xuất còn chậm, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, giá thành, cũng như tính cạnh tranh của sản phẩm; Hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn nhiều hạn chế; trong khi đó nội lực của các cơ sở, làng nghề còn yếu.

“Vì vậy việc phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, sản phẩm sản xuất ra chất lượng không cao, khả năng cạnh tranh trên thị trường thấp; chưa xây dựng được thương hiệu; chưa làm tốt công tác bảo vệ môi trường”, Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk nhận định.

nguồn: Báo Công thương

 

Tin liên quan