Bạn đang ở đây

Yên Bái: Sức trẻ khởi nghiệp

08/08/2019 09:28:55
Mô hình trồng cây ăn quả của đoàn viên, thanh niên xã Vân Hội, huyện Trấn Yên. (Ảnh: Thu Trang)

Mô hình trồng cây ăn quả của đoàn viên, thanh niên xã Vân Hội, huyện Trấn Yên. (Ảnh: Thu Trang)

 

Yên Bái có diện tích đất nông nghiệp  chiếm trên 84%, độ che phủ rừng đạt gần 60%... ; diện tích đất chưa sử dụng tại các xã vùng cao là điều kiện thuận lợi để phát triển các mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp.

 

Bên cạnh đó, được thiên nhiên ưu đãi với hệ thống sông, suối dày đặc, ngoài 2 con sông lớn là sông Hồng và sông Chảy còn có hơn 200 ngòi suối, là lợi thế lớn cho tưới tiêu, thủy lợi, giúp phát triển sản xuất nông nghiệp... 

 

Xuất phát từ thế mạnh trên, Nghị quyết Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái các khóa gần đây luôn đặt chăm lo, hỗ trợ, đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm, phát triển kinh tế, lập thân lập nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên, lấy phương châm khai thác thế mạnh, tiềm năng và điều kiện thực tế của địa phương để phát triển kinh tế trang trại, làm mũi nhọn và hướng đi cơ bản cho thanh niên.

 

Bám sát chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Trung ương Đoàn và của tỉnh về phát triển "nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, về xây dựng, thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại…, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và chỉ đạo các huyện, thị, Thành đoàn triển khai có hiệu quả Chương trình hành động "Phát triển mô hình trang trại trẻ tỉnh Yên Bái” (do thanh niên làm chủ) trong lực lượng đoàn viên thanh niên (ĐVTN). 

 

Việc triển khai có hiệu quả các nguồn vốn ưu đãi cho thanh niên phát triển kinh tế như: vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn 120... được tuyên truyền sâu rộng trong các cấp bộ Đoàn, Hội. Đến nay, các nguồn này đã giúp gần 35.000 lượt ĐVTN được vay và sử dụng vốn hiệu quả để phát triển kinh tế.

 

Hiện nay, số hộ thanh niên đã xây dựng được mô hình trang trại chiếm khoảng 25% trong tổng số trang trại trong toàn tỉnh, được chia làm 5 loại hình chủ yếu: trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi và tổng hợp VACR. 

 

Các trang trại trẻ trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng, phát triển hầu hết ở các huyện, thị, thành phố, trong đó tập trung nhiều nhất ở các huyện: Lục Yên (35 trang trại), Yên Bình (29 trang trại), Trấn Yên (22 trang trại), Văn Chấn (31 trang trại)... 

 

Loại hình trang trại trồng trọt chủ yếu là trồng, thâm canh cây ăn quả đặc sản với các loại cam, quýt, bưởi với quy mô sản xuất hàng hóa giá trị kinh tế cao, tập trung ở các huyện: Yên Bình, Văn Chấn và Lục Yên; loại hình trang trại lâm nghiệp với các loại cây đặc sản như quế, tre măng Bát độ, thảo quả, sơn tra và các cây nguyên liệu như bồ đề, bạch đàn, keo, quế… phát triển mạnh ở các xã vùng cao, có diện tích đất đai rộng, dân cư thưa của các huyện: Văn Yên, Văn Chấn, Yên Bình, Trấn Yên, Mù Cang Chải…; các trang trại này có diện tích lớn, sản lượng hàng hóa cao và có ý nghĩa quan trọng trong tạo việc làm nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao. 

 

Loại hình trang trại thủy sản tập trung ở vùng có nhiều diện tích mặt nước như Yên Bình, Trấn Yên, Lục Yên với gần 20 trang trại; các trang trại này chủ yếu nuôi cá nước ngọt, gần đây phát triển mở rộng nuôi các loại đặc sản có giá trị cao như cá tầm, cá chiên, cá bỗng, cá quất, ba ba, lươn, ếch... 

 

Thực tế, trong những năm qua, phát triển kinh tế trang trại ở Yên Bái gắn liền với việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; góp phần tăng tốc độ phủ xanh đất trống đồi trọc, cải thiện môi trường sinh thái, đồng thời huy động được lượng vốn đầu tư lớn trong dân. 

 

Sản phẩm hàng hóa và thu nhập của các trang trại ngày một nâng cao nhờ việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Hiện nay, giá trị canh tác của các trang trại trẻ đạt trung bình khoảng 70 triệu đồng/ha trở lên. 

 

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, sự hội nhập sâu rộng của nền kinh tế đất nước, loại hình kinh tế trang trại trẻ đã phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, năng suất và sản lượng, góp phần khai thác tiềm năng đất đai, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm và giải quyết việc làm tại chỗ cho ĐVTN và lao động địa phương. 

 

 

Mô hình trang trại lâm nghiệp do thanh niên làm chủ ở Văn Yên.

 

Các mô hình trang trại trẻ tại Yên Bái đã tạo việc làm cho hàng nghìn thanh niên có việc làm ổn định và trên 5.000 thanh niên lao động thời vụ, với thu nhập ổn định 4 - 5 triệu đồng/tháng. Đây chính là cơ hội khơi nguồn sức mạnh, trí tuệ của tuổi trẻ, là hướng đi đúng và kịp thời cho thanh niên trong giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhờ chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa của tỉnh, loại hình trang trại chăn nuôi chủ yếu là lợn, gà, đã phát triển mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây (quy mô gà 1.000 con/lứa/trang trại, lợn 50 - 100 con/lứa/trang trại); trong đó, gần 60 trang trại chăn nuôi do thanh niên làm chủ, chiếm gần 36%; loại hình trang trại tổng hợp (VAC hoặc VACR) chiếm 38%. Các trang trại trẻ tập trung vào lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp hoặc VAC, VACR có diện tích lớn từ 20 - 40 ha chiếm khoảng 10% tổng số trang trại toàn tỉnh; còn lại đa phần các trang trại chăn nuôi, thủy sản có diện tích dưới 5 ha, chiếm 70% tổng số trang trại...

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan