Bạn đang ở đây

Xúc tiến thương mại trực tuyến: Góc nhìn người trong cuộc

05/06/2020 09:54:16

Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ là một trong những đơn vị đi đầu ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM), đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Phóng viên Báo Công Thương đã trao đổi với ông Bùi Trung Thướng -  Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ - xung quanh vấn đề này.

Được biết, thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã phối hợp với các cơ quan trong nước và Ấn Độ tổ chức nhiều chương trình XTTM trực tuyến, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về thông tin này?

xuc tien thuong mai truc tuyen goc nhin nguoi trong cuoc

Trước đại dịch Covid-19, hầu hết các hoạt động XTTM truyền thống như hội chợ, hội thảo, hội nghị kết nối cung - cầu, hoạt động giao dịch thương mại tại Ấn Độ bị gián đoạn. Nhận thấy được sự khó khăn đó, được sự chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công Thương cũng như sự phối hợp của các đơn vị liên quan, ngay sau khi nhận được đề nghị của Cục XTTM (Bộ Công Thương), Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã nhanh chóng liên hệ với Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ, trao đổi về Kế hoạch tổ chức chương trình XTTM trực tuyến.

Chỉ trong vòng 1 tuần sau khi lập kế hoạch, Chương trình giao thương trực tuyến, kết nối DN đầu tiên với chủ đề “Việt Nam - Ấn Độ: Cơ hội và thách thức hậu Covid - 19” đã được tổ chức ngày 28/4 tại điểm cầu thủ đô New Delhi (Ấn Độ) và Hà Nội. Tiếp đó, ngày 7/5, Thương vụ cùng Cục XTTM phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ tổ chức kết nối doanh nghiệp (DN) với chủ đề “Việt Nam - Ấn Độ: Xúc tiến thương mại nông sản và thực phẩm chế biến”. Tiếp đó, ngày 20/5, tổ chức Hội thảo trực tuyến “Xúc tiến thương mại thông qua cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ và Nepal”. Ngày 21/5, tổ chức Hội thảo kết nối DN trực tuyến Việt Nam - Ấn Độ “India - Vietnam Virtual Business Meet 2020”.

Xin ông cho biết về hiệu quả từ các chương trình này?

Hiệu quả từ các chương trình XTTM trực tuyến bước đầu đạt kết quả nhất định, đặc biệt là thay đổi về nhận thức. Sau các chương trình này, Thương vụ đã nhận được rất nhiều yêu cầu kết nối, hỗ trợ tìm kiếm đối tác từ DN Việt Nam và Ấn Độ, trong đó có những DN, tập đoàn lớn.

Ngoài ra, các hội nghị này có sự tham dự của lãnh đạo Bộ, ngành hai nước; nhà nghiên cứu, làm chính sách, học giả… Nhiều chính sách quan trọng có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và thương mại song phương đã được đưa ra thảo luận. Từ kiến nghị của các nhà chính sách, học giả hai nước, ngày 27/5, Việt Nam đã ban hành Thông tư số 47/TT-BTC đồng ý chấp nhận giấy chứng nhận xuất xứ điện tử theo đề nghị của Chính phủ Ấn Độ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và nhiều nước vẫn thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đi lại... Tuy nhiên, kết quả cụ thể về tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu cần thêm thời gian để khẳng định. Song, Thương vụ rất kỳ vọng thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ sẽ tăng trưởng đột phá trong thời gian tới.

xuc tien thuong mai truc tuyen goc nhin nguoi trong cuoc

Không chỉ chủ động tổ chức XTTM trực tuyến, được biết, Thương vụ có kế hoạch tổ chức hội chợ triển lãm trực tuyến? Hình thức tổ chức mới này sẽ đem lại lợi ích gì cho DN?

Trong thời gian tới, Thương vụ tại Ấn Độ tiếp tục phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, Phòng Thương mại và Công nghiệp, Liên đoàn công nghiệp, các trung tâm XTTM tại Ấn Độ thực hiện chương trình giao thương, XTTM trực tuyến vào ngày 12 - 17/6. Ngay trong tháng 6 (dự kiến, từ ngày 22 - 26/6), Thương vụ sẽ phối hợp với Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ tổ chức và mời DN Việt Nam tham dự Hội chợ triển lãm trực tuyến trong lĩnh vực mà giữa hai nước có nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác như: Thuốc, dược phẩm và máy móc, thiết bị; thiết bị y tế, y học cổ truyền, thiết bị bảo hộ cá nhân, khẩu trang...

Đây là hội chợ triển lãm trực tuyến lần đầu tiên diễn ra tại Ấn Độ, cũng là hội chợ triển lãm thương mại đầu tiên trên thế giới được tổ chức các gian hàng trên không gian ảo, dựa trên công nghệ điện toán đám mây. Giống như triển lãm thật, môi trường ảo có phòng triển lãm, gian hàng, khu trưng bày hàng hóa, hành lang, thư viện, hội trường… cùng với người giới thiệu ảo. Với không gian ảo rất rộng, có thể chứa hàng nghìn gian hàng và cho phép nhiều người thăm quan, triển lãm ảo có thể mở 24 giờ và khách hàng truy cập triển lãm ở bất cứ địa điểm nào trên thế giới.

Lợi ích nhìn thấy được ngay trước mắt đó là, DN và khách hàng có thể đến từ bất kỳ nơi nào trên thế giới, hàng hóa - dịch vụ được cập nhật thường xuyên; liên tục tạo ra nhiều cơ hội giao thương, cơ hội mua hàng giá tốt, tiết kiệm chi phí đi lại, chi phí thuê diện tích quảng bá hàng hóa, dịch vụ; không bị giới hạn về thời gian, địa điểm, sự khác biệt về múi giờ như triển lãm thông thường.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan