Bạn đang ở đây

Xuất khẩu lâm sản hướng đến mục tiêu trên 12 tỷ USD trong năm 2020

13/07/2020 09:48:18

Nửa đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu lâm sản ước đạt trên 5,3 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tháo gỡ các rào cản thương mại, ngành lâm nghiệp hướng đến mục tiêu xuất khẩu lâm sản đạt trên 12 tỷ USD trong năm nay.

Tại Hội nghị Sơ kết công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm do Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)) tổ chức sáng ngày 10/7, ông Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - cho hay: giá trị xuất khẩu lâm sản ước đạt trên 5,3 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong bối cảnh dịch Covid-19, giá trị xuất khẩu vẫn tăng 2,7% góp phần quan trọng vào giá trị chung của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp nửa đầu năm 2020 đạt 2,16%.

xuat khau lam san huong den muc tieu tren 12 ty usd trong nam 2020
Tháo gỡ rào cản thị trường, xuất khẩu lâm sản năm 2020 hướng đến mục tiêu trên 12 tỷ USD

Theo ông Nguyễn Văn Diện - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp) - cho biết, kế hoạch ban đầu đặt ra trong năm nay là xuất khẩu toàn ngành đạt 13,1 tỷ USD. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, kịch bản đã được xây dựng là quý I xuất khẩu đạt 2,7 tỷ USD và quý II đạt 2,18 tỷ USD. Trong tháng 4, giá trị xuất khẩu giảm sút, chỉ đạt 751 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ nhưng bước sang tháng 5, các doanh nghiệp đã ổn định, phát triển sản xuất trở lại, chỉ có doanh nghiệp nhỏ và vừa là khó khăn hơn. Do đó, trên thực tế quý II xuất khẩu đạt 2,5 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu lâm sản ước đạt trên 5,3 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2019. Với đà này, mục tiêu khẩu khẩu lâm sản năm 2020 ước đạt 11,75 - 12 tỷ USD.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đánh giá, về xuất khẩu năm nay ngoài khó khăn về thị trường do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, điểm đáng chú ý là một số sản phẩm của ngành lâm nghiệp đã phải chịu rào cản thương mại, đối mặt những vụ kiện về chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế.

Đến nay, một số nước đã có kết luật, một số thị trường lớn đang tiếp tục điều tra, vì thế đánh giá về chế biến, xuất khẩu lâm sản năm nay không đơn thuần như những năm trước.

“Về con số dự báo xuất khẩu của cả năm, dù Tổng cục Lâm nghiệp đưa ra con số từ 11,7-12 tỷ USD, tuy nhiên tôi nói là không được thấp hơn 12 tỷ USD để bù đắp vào những phần sụt giảm ở những lĩnh vực khác”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Thời gian tới toàn ngành nông nghiệp nói chung và lâm nghiệp nói riêng phải tập trung vào giải quyết vấn đề thị trường. Bởi nếu mất thị trường quốc tế, xuất khẩu lâm sản sẽ sụt giảm ngay.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp phải hướng dẫn, kiểm tra, phối hợp với bộ, ngành liên quan hướng dẫn doanh nghiệp giải quyết tranh chấp thương mại, nhất là đối với ván dán, gỗ dán; đánh giá tác động của vấn đề này như thế nào. “Đó là những mặt hàng có giá trị xuất khẩu không lớn nhưng sẽ ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, uy tín ngành hàng, do đó phải tập trung xử lý”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần triển khai tích cực Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), nắm bắt cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA); có chương trình để truy xuất nguồn gốc… Tiếp tục tập trung, nhìn rõ dư địa lĩnh vực còn khai thác được để đẩy mạnh khai thác, đồng thời cũng phải nhìn rõ cả những hạn chế yếu kém để kịp thời khắc phục. Làm được như vậy mới mong duy trì được đà tăng trưởng.

Ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp bày tỏ, ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng gỗ sẽ có thuế suất 0% hoặc về 0% trong vòng 5 năm. Đây là cơ hội cho ngành gỗ, nhưng cũng là thách thức, do người tiêu dùng EU luôn đòi hỏi khắt khe về nguồn gốc gỗ, các giấy tờ, hồ sơ minh bạch chứng minh tính hợp pháp của nguyên liệu…Do đó, đề nghị các doanh nghiệp ngành gỗ nên tái cấu trúc chuỗi sản xuất, xúc tiến quản lý rừng bền vững, thực thi các cam kết để đảm bảo xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đến từ nguồn hợp pháp.

Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Tổng cục Lâm nghiệp hoàn thành xây dựng Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ bền vững; bám sát, xây dựng kịch bản hỗ trợ xuất, nhập khẩu lâm sản đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu lâm sản năm 2020...

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan