Bạn đang ở đây

Tuổi trẻ Lục Yên lập nghiệp trên quê hương

28/03/2019 09:15:13

Vững bước nhờ phong trào Đoàn

 

Đến xã Lâm Thượng, chúng tôi được nghe rất nhiều lời khen của người dân dành cho Phạm Hải Chiều - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Thanh niên Lâm Thượng. Bí thư Đoàn xã - Hoàng Khí Phách đưa chúng tôi mục sở thị mô hình nuôi thỏ "có một không hai” của xã Lâm Thượng và huyện Lục Yên và gặp anh Chiều đang cặm cụi trong chuồng thỏ với màu áo thanh niên thân thiện đang cho thỏ ăn. 

 

Được biết, anh Chiều mê nuôi thỏ từ năm 2011, khi còn làm giáo viên tại Trường Tiểu học Mồ Sì Sàn, xã Mồ Sì Sàn, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Lúc đó, anh nuôi thử vài đôi lấy kinh nghiệm. Để theo đuổi đam mê của mình, Chiều tích cực thăm các trang trại thỏ lớn nhỏ ở trong, ngoài tỉnh và chăm chỉ đọc sách báo để khắc phục rủi ro trong chăn nuôi. 

 

Sau khi đúc rút được kinh nghiệm, năm 2016, Chiều quyết tâm về quê lập nghiệp bằng nghề nuôi thỏ. Với số vốn ít ỏi ban đầu, để tiết giảm chi phí, Chiều đã tự học nghề hàn xì làm lồng nuôi thỏ. Nếu như ở thị trường, mỗi lồng thỏ có giá khoảng 400.000 đồng thì nhờ tự sản xuất chỉ mất 150.000 đồng. 

 

Tận dụng nguồn ngô sẵn có, anh còn mua máy tự sản xuất thức ăn cho vật nuôi. Từ vài chục đôi thỏ, đến nay, Chiều có một trang trại thỏ trên 2.000 con. 

 

Với những bước tiến vững chắc, tháng 3/2018, anh Chiều quyết định thành lập HTX Thanh niên Lâm Thượng chuyên cung cấp con giống và bao tiêu thỏ thương phẩm cho các hộ nuôi thỏ. Hiện, HTX đã ký hợp đồng cung cấp thỏ giống và bao tiêu thỏ thương phẩm cho 4 hộ. 

 

Năm 2018, HTX thu gom và cung cấp ra thị trường trên 6.000 con thỏ thương phẩm, riêng anh tự sản xuất được 3.000 con, tổng doanh thu năm 2018 trên 700 triệu đồng, trừ mọi chi phí, HTX thu lãi trên 200 triệu đồng. Dự kiến năm 2019, HTX sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 10.000 con thỏ thương phẩm, trong đó, anh Chiều tự sản xuất 6.000 con. 

 

Để tăng thu nhập, HTX đang tiếp tục ươm giống măng mai cung cấp ra thị trường. Dự kiến trong năm 2019, sẽ ươm và cung cấp 10 vạn cây giống, với giá bán 12.000 đồng/cây, tổng doanh thu ước tính khoảng 120 triệu đồng. 

 

Nói về con đường lập nghiệp của mình, Phạm Hải Chiều cho biết: "Để có được thành công như hôm nay, tôi đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn của Đoàn thanh niên, đặc biệt là Huyện đoàn. Khi thực hiện mô hình, tôi gặp nhiều rủi ro vì thiếu kinh nghiệm, nhiều lúc nản chí, nhưng qua các lớp tập huấn khởi nghiệp, được Đoàn tổ chức cho đi tham quan các mô hình thanh niên phát triển kinh tế, gặp gỡ nhiều bạn trẻ, được chia sẻ về kinh nghiệm, học cách vượt qua những khó khăn trong khởi nghiệp của bạn bè đã tiếp thêm cho tôi động lực để quyết tâm thực hiện thành công mô hình. Nhờ có tổ chức Đoàn, tôi đã được vay 150 triệu đồng nguồn vốn ưu đãi, giúp tôi thực hiện được ước mơ thành lập Hợp tác xã”.    

 

Từ tay trắng, đến nay, Chiều đã lập nghiệp vững chắc và trở thành một trong những thanh niên tiêu biểu của huyện. Đồng thời, anh được nhận bằng khen của Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc dành cho thanh niên dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi năm 2017; bằng khen của Tỉnh ủy về thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh năm 2018 cùng nhiều bằng khen, giấy khen của tổ chức Đoàn các cấp, là minh chứng rõ nhất cho ý chí, bản lĩnh của Phạm Hải Chiều.

 

Rời Lâm Thượng, chúng tôi đến thôn Tiền Phong, xã Liễu Đô và thăm HTX Rau, hoa quả Công nghệ cao Trọng Thắm được thành lập năm 2019 do đoàn viên Nguyễn Thế Trọng làm chủ. Đây là mô hình HTX thành lập theo Chương trình xây dựng các HTX Thanh niên của Huyện đoàn Lục Yên. ĐVTN tham gia Chương trình được Huyện đoàn phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ các thủ tục thành lập và 10 triệu đồng tiền mặt từ nguồn hỗ trợ của Tỉnh đoàn. Đồng thời, được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm 120 của Trung ương Đoàn. 

 

Mô hình HTX của Nguyễn Thế Trọng được đánh giá là mô hình có tính đột phá. Với diện tích trên 2 ha, hiện nay, HTX tập trung trồng, ươm các loại giống hoa để cung cấp cho khách đến thăm quan và các khu du lịch. Đặc biệt, HTX đã trồng trên 500 gốc dâu tây và ươm thêm giống để bán. 

 

Sau 3 tháng đi vào hoạt động, HTX đã xuất bán được trên 100 triệu đồng tiền hoa, giống hoa, quả dâu tây. Để nâng cao thu nhập, anh Trọng còn đầu tư xây dựng 5.000 m2 ao thả các loại cá: trắm, chép, rô phi đơn tính, chim trắng và dự tính sau 6 tháng sẽ cho thu khoảng 6 tấn cá thương phẩm. 

 

Anh Trọng cho biết: "Thường xuyên được cán bộ Đoàn đến động viên, được đi tham quan các mô hình kinh tế do Đoàn tổ chức, được hỗ trợ về vốn đã giúp tôi có thêm tinh thần, nghị lực và quyết tâm thực hiện thành công mô hình. Mặc dù chưa đánh giá được lợi nhuận, nhưng nếu tiếp tục nhận được sự quan tâm của tổ chức Đoàn, chắc chắn HTX sẽ phát huy hiệu quả, tạo được việc làm, thu nhập cho thanh niên địa phương”. 

 

Khơi nguồn sức trẻ

 

 

Du khách đến thăm và mua hoa của HTX Rau, hoa quả công nghệ cao Trọng Thắm.

 

Nắm bắt về nhu cầu việc làm và thu nhập của ĐVTN, thời gian qua, Huyện đoàn Lục Yên đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các bạn trẻ, nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức Đoàn. 

 

Bên cạnh việc tăng cường chỉ đạo các cơ sở Đoàn phát động mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên; phối hợp tổ chức Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp, tập huấn khởi nghiệp, tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, trồng trọt và chăn nuôi, tổ chức cho ĐVTN đi thăm quan, học tập kinh nghiệm thực tế tại các mô hình kinh tế đã mang lại hiệu quả, Huyện đoàn Lục Yên còn phát huy hiệu quả của nguồn vốn vay giải quyết việc làm 120 do Trung ương Đoàn quản lý. Phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn phát triển các mô hình kinh tế. 

 

Đến nay, huyện Lục Yên đã có 6 mô hình được vay vốn 120 với tổng dư nợ 400 triệu đồng; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân cho vay đạt trên 80 tỷ đồng. Thông qua sự hỗ trợ của Đoàn thanh niên, đến nay, toàn huyện đã có trên 160 mô hình thanh niên phát triển kinh tế cho thu nhập cao và xây dựng được 2 HTX. 

 

Có thể nói, phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên không chỉ góp phần giữ chân thanh niên ở lại địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình mà các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ còn thể hiện rõ sự đổi mới, sáng tạo và tiên phong trong áp dụng khoa học - công nghệ mới, đột phá trong xây dựng các mô hình mới; từ đó, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào phát triển kinh tế trong nhân dân. 

 

Anh Hoàng Trung Chinh - Bí thư Huyện đoàn Lục Yên chia sẻ: "Để thu hút thanh niên ở lại địa phương, nâng cao các hoạt động của tổ chức Đoàn, Huyện đoàn xác định xây dựng các mô hình kinh tế mới, thành lập các HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp trẻ là nhiệm vụ trọng tâm. Trong năm 2019, Huyện đoàn phấn đấu ra mắt 3 HTX, 8 tổ hợp tác thanh niên và 3 doanh nghiệp trẻ để phát huy tối đa tính sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ vùng cao trong phát triển kinh tế”.

 

Với những cách làm sáng tạo, hiệu quả, Huyện đoàn Lục Yên đã góp phần làm cho phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp trong ĐVTN diễn ra sôi nổi, hiệu quả. Qua đó, khẳng định vai trò tiên phong đi đầu của tuổi trẻ vùng cao trong xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. 

Nguồn: báo Yên Bái

Tin liên quan