Bạn đang ở đây

Trấn Yên tích cực phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

28/03/2019 09:12:24

Trong vài năm trở lại đây, phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Trấn Yên phát triển mạnh mẽ, đã trở thành một ngành kinh tế chủ lực góp phần xóa đói, giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn. Dù vừa tiêu thụ một lượng lớn gia súc, gia cầm trong dịp tết vừa qua, nhưng đến nay tổng đàn gia súc chính trên địa bàn còn rất lớn với khoảng 52.622 con. 

 

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống dịch và chăn nuôi an toàn, tuy nhiên từ tháng 12/2018 đến tháng 02/2019 trên địa bàn huyện vẫn xảy ra dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) ở lợn tại 6 xã (Minh Quân, Vân Hội, Minh Quán, Cổ Phúc, Quy Mông, Tân Đồng) gây ảnh hưởng và khó khăn không nhỏ cho người chăn nuôi. 

 

Ngay sau khi kiểm tra lợn mắc bệnh LMLM, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các phòng ban chuyên môn của huyện triển khai hướng dẫn, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Tuyên truyền, hướng dẫn, cấp phát hơn 1.000 tờ rơi đồng thời thực hiện công tác điều tra dịch bệnh đến các hộ chăn nuôi để phát hiện sớm ổ dịch tiến hành xử lý, khoanh vùng, hướng dẫn hộ chăn nuôi các biện pháp ngăn chặn không để dịch lây lan rộng. 

 

Tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng hầu hết các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn; tiêm phòng bao vây ổ dịch cho lợn tại 8 xã (Việt Hồng, Minh Quân, Vân Hội, Bảo Hưng, Minh Quán, thị trấn Cổ Phúc, Quy Mông, Y Can) với 5.815 liều; tiêm phòng trâu, bò, dê được  4.175  liều ở 22 xã, thị trấn; tiêu hủy 232 con lợn mắc bệnh. 

 

Đến nay, Trấn Yên đã công bố hết dịch LMLM tại 3 xã gồm là Vân Hội, Minh Quán, Quy Mông. Về BDTL châu Phi, tính đến ngày 25/3/2019, trên địa bàn huyện chưa xuất hiện và phát hiện ổ dịch nào. Tuy nhiên, để tránh nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn, huyện đã quyết liệt vào cuộc phòng chống dịch bệnh. 

 

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Triệu Thị Bích Liệu cho biết: "Đến nay, trên địa bàn huyện chưa có BDTL châu Phi, nhưng huyện đã huy động cả hệ thống chính trị, chính quyền từ huyện đến xã, các hộ chăn nuôi cùng vào cuộc phòng chống quyết liệt để bảo vệ đàn lợn nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung phát triển hiệu quả bền vững”. 

 

Song song với đó, huyện xây dựng kế hoạch, giải pháp, hành động ứng phó khẩn cấp với BDTL châu Phi trên địa bàn. Chủ động ngăn chặn, giám sát phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và giảm thấp nhất nguy cơ xâm nhiễm BDTL châu Phi vào địa bàn huyện thông qua kiểm soát các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc. 

 

Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống BDTL châu Phi; thành lập Tổ kiểm soát lưu động, trọng tâm kiểm tra tại các điểm nút giao thông tại các xã và trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, liên xã giáp ranh với các địa phương. Thông tin kịp thời đến người chăn nuôi về diễn biến tình hình dịch bệnh. 

 

Tổ chức triển khai vệ sinh, khử trùng tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất; hàng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn. Tổ chức triển khai vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, hành lang lối ra vào trang trại, khu chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi để đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. 

 

Hướng dẫn nhân dân và người chăn nuôi tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn, cách ly không cho người lạ vào khu vực chăn nuôi, nguồn thức ăn phải rõ ràng nguồn gốc, kể cả nước uống, nước rửa chuồng trại cũng được đảm bảo sạch. Đến nay, hầu hết các hộ chăn nuôi trên địa bàn đã tiến hành áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, tổ chức phun thuốc khử trùng tiêu độc, rắc vôi bột ở chuồng nuôi và các khu vực quanh nhà, đường làng, ngõ xóm. 

 

BDTL châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên đàn lợn và xảy ra với mọi lứa tuổi và mọi loại lợn. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Hiện vẫn chưa có vắc-xin và thuốc đặc trị đặc hiệu bệnh dịch tả lợn châu Phi. 

 

Vì vậy, giải pháp duy nhất lúc này là lấy phòng bệnh là chính; kịp thời phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan. Hy vọng với sự vào cuộc tích cực, chủ động cùng với những giải pháp sát thực tế, ngành chăn nuôi của Trấn Yên sẽ đứng vững trước bệnh dịch và ngày một phát triển. 

Nguồn: Báo Yên Bái

Tin liên quan