Bạn đang ở đây

Thịt lợn nhập khẩu ồ ạt đổ về chợ online

22/04/2020 10:04:07

Giá thịt lợn trong nước hiện vẫn ở mức cao, nhưng trên mạng xã hội gần đây đang rao bán rầm rộ thịt lợn nhập khẩu với giá cả hấp dẫn, thu hút nhiều bà nội trợ đặt mua. Tuy nhiên không ít người tiêu dùng tỏ ra nghi ngại đối với chất lượng mặt hàng này.

Nhiều ngày nay, giá thịt lợn tại siêu thị và các chợ dân sinh vẫn ở mức cao, bình quân từ 140.000-170.000 đồng/kg, có loại trên 200.000 đồng/kg, sức mua giảm mạnh. Theo các thương lái, nguồn cung thiếu hụt là nguyên nhân chính khiến giá thịt lợn tăng cao. Nhiều người tiêu dùng đã tính đến phương án mua thịt đông lạnh nhập khẩu thay vì thói quen sử dụng thịt “tươi” như mọi khi. Tuy nhiên, không dễ dàng để tìm mua mặt hàng này tại hầu hết các siêu thị hay chợ dân sinh.

Trong khi đó, trên “chợ online” lại xuất hiện hàng loạt thông tin bán thịt lợn nhập khẩu từ Nga, Canada, Úc… với đủ loại từ thịt ba chỉ, chân giò đến sườn cánh buồm… Chỉ cần mở mạng xã hội Facebook gõ từ khóa thịt lợn nhập khẩu là người dùng có thể nhận được hàng loạt kết quả về các nhóm và bài đăng bán hàng, giá cả phong phú tùy loại. Đơn cử, thịt ba chỉ Nga dao động trong khoảng 110.000 – 125.000 đồng/kg, sườn 110.000 đồng/kg, nạc vai 100.000 đồng/kg, sườn tảng Canada có giá 125.000 đồng/kg, móng giò Úc có giá 69.000 đồng/kg… Hầu hết người bán đều khẳng định về độ an toàn vệ sinh và chất lượng của sản phẩm khi chế biến để tăng độ tin cậy của khách hàng. Cứ vài ngày lại có bài rao bán, mỗi bài đăng như vậy thu hút hàng trăm người bình luận tìm hiểu và đặt mua hàng.

thit lon nhap khau o at do ve cho online
Chỉ cần gõ từ khóa "thịt lợn nhập khẩu" là tìm được hàng loạt địa chỉ rao bán
thit lon nhap khau o at do ve cho online
Giá cả các mặt hàng thịt lợn nhập khẩu hầu hết đều rẻ hơn thịt trong nước

Thịt lợn trên chợ online thường có chênh lệch giá khá lớn so với mua ở ngoài, nhiều mặt hàng rẻ hơn đến 20 – 30%, giá cả hấp dẫn sự quan tâm và hưởng ứng của các bà nội trợ. Thêm vào đó, hình thức mua hàng trực tuyến giao tận nhà đang ngày càng phổ biến nên không ít người tiêu dùng đặt mua thịt lợn nhập khẩu trên Facebook cho “tiện”.

Theo chị Thúy Quỳnh (Cầu Giấy, Hà Nội), ngoài việc chuyển sang ăn các thực phẩm giá rẻ hơn thịt lợn như cá, gà…, việc mua thịt lợn nhập khẩu cũng là một phương án phù hợp, đáp ứng được tiêu chí về giá khi thịt lợn ngoài chợ hiện đang khá đắt. Chị đã mua thử thịt ba chỉ và sườn cánh buồm Nga về ăn và đánh giá chất lượng khá tốt.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Huyền (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chị cũng muốn tìm mua thịt nhập khẩu nhưng tại siêu thị không bán, còn các mặt hàng rao bán trôi nổi trên mạng thì không dám mua do không thể chọn lựa kỹ, không chắc chắn về chất lượng, hơn nữa cùng một loại thịt nhưng mỗi nơi báo một giá khác nhau, chênh tới 10.000 – 20.000 đồng.

Đồng tình với ý kiến này, không ít người tiêu dùng bày tỏ nghi ngại về vấn đề nguồn gốc hàng hóa, chất lượng sản phẩm hoặc lo lắng về việc chế biến sao cho đảm bảo được chất dinh dưỡng đối với mặt hàng thịt đông lạnh.

Bên cạnh đó, với thói quen tiêu dùng sử dụng thịt tươi từ trước đến nay, nhiều người không mặn mà với thịt đông lạnh nhập từ nước ngoài về.

Theo các chuyên gia, người tiêu dùng nên cẩn trọng khi mua các mặt hàng có mác thịt lợn nhập khẩu giá rẻ, chú ý đến nguồn gốc và vấn đề kiểm dịch an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như tìm hiểu về quy trình chế biến. Trước đây, các sản phẩm thịt đông lạnh đa phần được tiêu thụ tại các nhà hàng, khách sạn… vì vậy được rã đông, chế biến chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng sản phẩm, nếu thịt không được rã đông đúng cách dễ nhiễm vi sinh, giảm dinh dưỡng. Ngoài ra, trên thị trường có hiện tượng thịt đông lạnh được rã đông trước rồi bán như thịt tươi sống có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, cần được kiểm soát chặt chẽ.

Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị 17/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới, trong đó yêu cầu Bộ Công Thương quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử đối với thực phẩm, chú trọng nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan