Bạn đang ở đây

Tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường

10/10/2019 15:15:30

Thông tư 16/2019/TT-BCT quy định rõ, đối tượng áp dụng là các thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất, thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện và các cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc nhập khẩu đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2019.

thao go kho khan cho nganh mia duong
Chặn đứng đường nhập lậu

Nguyên tắc đấu giá sẽ theo quy định về pháp luật bán đấu giá, phù hợp tính chất tài sản bán đấu giá. Theo đó, Bộ Công Thương thành lập Hội đồng đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2019 để điều hành việc đấu giá. Chủ tịch Hội đồng đấu giá ban hành quy chế đấu giá thí điểm này. Sau khi có kết quả đấu giá, Bộ Công Thương sẽ có văn bản thông báo giao quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường cho thương nhân trúng đấu giá. Thương nhân sẽ sử dụng thông báo này để làm thủ tục hải quan khi nhập đường theo quy định của Luật Hải quan.

Thực tế, theo cam kết tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Việt Nam phải xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN từ ngày 1/1/2018. Tuy nhiên, theo nguyện vọng của ngành mía đường, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ cho hoãn thực thi cam kết ATIGA 2 năm để các doanh nghiệp mía đường và người nông dân có thêm thời gian thích ứng. Đây là một việc làm chưa từng có tiền lệ của Việt Nam trong thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Chính phủ, Bộ Công Thương đối với sự phát triển của ngành mía đường.

Những tháng đầu năm, theo phản ánh của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, ngành mía đường trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn do nạn đường giả, đường lậu. Do đó, bà Nguyễn Thị Mai Linh - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu nông - lâm - thủy sản (Cục Xuất nhập khẩu) - Bộ Công Thương) - cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp mía đường nâng cao cạnh tranh, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý tạm dừng việc xóa bỏ cam kết về hạn ngạch nhập khẩu đường; tiếp tục thực hiện đấu giá nhập khẩu đường vào quý IV.

Chương trình đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường được Bộ Công Thương chuẩn bị triển khai với tinh thần công khai, minh bạch, mang lại hiệu quả cho cả doanh nghiệp và ngân sách nhà nước.

Chương trình đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường được Hiệp hội Mía đường Việt Nam đánh giá mang lại hiệu quả lớn cho các doanh nghiệp mía đường trong nước. Lần đầu tiên thí điểm tổ chức vào năm 2016, chương trình mang lại 138 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp ngành mía đường cũng được hưởng lợi khi có lợi nhuận từ việc bán đường tinh nhập khẩu và luyện đường thô. Việc được tổ chức vào các quý cuối năm cũng được đánh giá là thời điểm phù hợp, vì đây là thời điểm doanh nghiệp đường trong nước đã xong mùa vụ nên sẽ không bị ảnh hưởng nhiều đến sản xuất.

Cùng với việc tiếp tục triển khai đấu giá nhập khẩu đường, Bộ Công Thương đã và đang chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, trong đó có buôn lậu đường, góp phần tạo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh, qua đó giúp các doanh nghiệp đường phát triển và hội nhập…

Lượng đường (mã HS 1701) thí điểm đấu giá nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2019 là 98.700 tấn.

Nguồn: báo Công thương

Tin liên quan