Bạn đang ở đây

Thái Bình: Linh hoạt triển khai chương trình khuyến công

23/06/2021 08:46:27

Dù đã linh hoạt triển khai các chương trình, hoạt động cho phù hợp với thực tế địa phương, tuy nhiên công tác khuyến công vẫn chưa thực sự tạo được điểm nhấn trong phát triển công nghiệp nông thôn của Thái Bình.

Đánh giá về kết quả triển khai Chương trình khuyến công giai đoạn 2014-2020, đại diện Sở Công Thương Thái Bình nhấn mạnh, quy mô hoạt động khuyến công tuy có đa dạng hơn nhưng vẫn chưa triển khai được đầy đủ các nội dung theo Nghị định 45/NĐ-CP về khuyến công. Nguồn kinh phí hỗ trợ còn ít, điều kiện, thủ tục tiếp cận chính sách phức tạp, khiến nhiều đối tượng có nhu cầu nhưng chưa thụ hưởng được và chưa lan tỏa rộng rãi hiệu quả của chương trình. Đặc biệt, kinh phí hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp điển hình xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật về áp dụng sản xuất sạch hơn… còn nhỏ, do vậy chưa đủ sức hấp dẫn cũng như thúc đẩy được doanh nghiệp công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư, đổi mới sản xuất. Cùng đó, công tác thông tin tuyên truyền về khuyến công chưa đa dạng khiến nhiều đối tượng thụ hưởng chưa tiếp cận đầy đủ thông tin về chính sách khuyến công.

Thái Bình: Linh hoạt triển khai chương trình khuyến công
Sở Công Thương Thái Bình đề xuất tăng vốn khuyến công nhằm nâng cao năng lực sản xuất

Với những hạn chế được chỉ rõ, trong giai đoạn 2021-2025, Sở Công Thương Thái Bình đã định ra nhiều giải pháp. Trong đó, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công thông qua việc triển khai thực hiện 9 nội dung của Nghị định 45/2012/NĐ-CP về khuyến công. Cụ thể hóa bằng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, huy động các nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp tập trung đầu tư, đổi mới ứng dụng máy móc, trang thiết bị tiên tiến nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp. Xây dựng chính sách khuyến công tập trung theo hướng hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, thân thiện với môi trường, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm nhằm mở rộng và giữ vững thị trường tiêu thụ.

Sở Công Thương sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề, áp dụng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ; tập huấn nâng cao năng lực quản lý, khởi sự doanh nghiệp; thường xuyên trao đổi thông tin hoạt động khuyến công với Phòng kinh tế và hạ tầng các huyện, thực hiện khảo sát doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để nắm bắt nhu cầu và có giải pháp hỗ trợ sản xuất thích hợp.

Từng bước xã hội hóa hoạt động khuyến công nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế và tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Quản lý chặt chẽ các đề án từ khâu thẩm định đến thanh toán, quyết toán kinh phí nhằm gia tăng hiệu quả công tác khuyến công.

Theo đại diện Sở Công Thương Thái Bình, các giải pháp trên ngoài mục tiêu nâng cao chất lượng công tác, còn giúp khuyến công Thái Bình hoàn thành 100% nhiệm vụ trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có việc tổ chức đào tạo nghề cho 2.000 lao động; xây dựng 5 đề án mô hình trình diễn kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hỗ trợ 100 cơ sở ứng dụng máy móc hiện đại và tiếp nhận chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật vào các khâu sản xuất; hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; liên doanh, liên kết phát triển cụm công nghiệp…

Để trợ sức cho khuyến công đạt mục tiêu, Sở Công Thương Thái Bình cũng đề xuất UBND tỉnh tăng thêm nguồn kinh phí sự nghiệp khuyến công địa phương đến năm 2025 là 10 tỷ đồng/năm, để phục vụ mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp nông thôn, cơ sở sản xuất tại làng nghề đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất. Đề nghị tăng vốn khuyến công để đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp, hệ thống thiết bị thông tin phục vụ cho công tác khuyến công…

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan