Bạn đang ở đây

Thái Bình: Kiên quyết thu hồi dự án kém hiệu quả

14/07/2021 15:45:49

Trước thực trạng thu hút đầu tư thứ cấp vào cụm công nghiệp (CCN) còn nhiều bất cập, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan cần kiên quyết thu hồi dự án triển khai không đúng quy định và kém hiệu quả.

Thái Bình là một trong những địa phương sớm xây dựng phương án phát triển CCN thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm tạo định hướng cơ bản cho phát triển CCN trong giai đoạn mới. Qua thực tế triển khai, việc phát triển, hoàn thiện hạ tầng cũng như thu hút dự án thứ cấp vào các CCN đang gặp nhiều trở ngại. Theo các chuyên gia kinh tế, công tác quy hoạch chưa tính kỹ yếu tố giao thông, địa điểm, khả năng thu hút đầu tư hạ tầng và bị điều chỉnh diện tích do chính sách mới quy hoạch về giao thông… là những lý do vì sao đến nay, một số lượng đáng kể CCN chưa có nhà đầu tư hạ tầng; một số CCN đã thành lập nhưng chưa có hoặc có ít dự án thứ cấp. Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng đất và tỷ lệ lấp đầy dự án đối với đất công nghiệp tại các CCN còn thấp. Một số dự án trong CCN hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp, phải chuyển đổi chủ đầu tư hoặc thay đổi mục đích sử dụng đất. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng để đất trống, lãng phí và sử dụng đất không đúng mục đích.

Thái Bình: Kiên quyết thu hồi dự án kém hiệu quả

Tạo điều kiện để doanh nghiệp trong CCN đổi mới công nghệ sản xuất

Trước những bất cập trên, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình đề nghị các sở, ngành, địa phương triển khai ngay các giải pháp tháo gỡ cho phát triển CCN. Trong đó, tập trung cao độ triển khai thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đúng tiến độ để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư hạ tầng; tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện về thủ tục đầu tư vào các CCN bảo đảm đúng quy định pháp luật, thông thoáng, nhanh chóng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN). Sở Công Thương tập trung nghiên cứu xây dựng đề án chuyển giao CCN do Trung tâm Phát triển CCN các huyện, thành phố quản lý cho nhà đầu tư hạ tầng quản lý nhằm phát huy hiệu quả tốt hơn; rà soát và tham mưu cho tỉnh chỉ đạo kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai đúng quy định, kém hiệu quả.

Lãnh đạo UBND tỉnh cũng yêu cầu DN đầu tư hạ tầng CCN cần thực hiện đúng tiến độ đã cam kết với UBND tỉnh; tập trung đầu tư hạ tầng đồng bộ, chú trọng các công trình thiết yếu tạo sức hấp dẫn thu hút dự án thứ cấp vào hoạt động; nâng cao năng lực, kỹ năng xúc tiến thu hút đầu tư và có trách nhiệm cao hơn nữa trong việc thu hút, lựa chọn những dự án thứ cấp có chất lượng tốt vào hoạt động, tạo giá trị kinh tế cao; nâng cao tỷ lệ lấp đầy dự án để phát huy hiệu quả sử dụng đất.

Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến cáo, cần loại bỏ khỏi quy hoạch một số CCN không có vị trí thuận lợi về giao thông và nguồn nhân lực. Đồng thời, điều chỉnh một số CCN theo hướng mở rộng diện tích đối với CCN có hạ tầng kỹ thuật tốt, các dự án thứ cấp hoạt động hiệu quả, còn nhiều dự án có nhu cầu đầu tư vào CCN; điều chỉnh giảm diện tích các CCN đã quy hoạch nhưng không còn quỹ đất và không có thêm nhà đầu tư thứ cấp mới vào sản xuất, kinh doanh...

Ngoài ra, cần có chính sách đầu tư và thu hút đầu tư về hạ tầng, dự án thứ cấp vào CCN đủ hấp dẫn; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh và địa phương; có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các DN ứng dụng, đổi mới khoa học - công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; hỗ trợ DN trong hoạt động xúc tiến thương mại, liên doanh, liên kết để phát triển.

Phương án phát triển CCN tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ Công Thương thống nhất thỏa thuận để chờ tích hợp vào quy hoạch tỉnh, Thái Bình có 61 CCN, diện tích 3.759.1ha.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan