Bạn đang ở đây

Phát triển hạ tầng phụ trợ thương mại điện tử tương xứng

31/07/2018 15:24:12

Kết quả khảo sát 3.000 doanh nghiệp về thương mại điện tử trên cả nước, do Bộ Công Thương thực hiện năm 2017 cho thấy, 100% đã trang bị máy tính phục vụ sản xuất, kinh doanh; 61% trang bị các loại thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng phục vụ công việc; 99% sử dụng thư điện tử; 43% đã xây dựng và vận hành website riêng; hoạt động đặt hàng và nhận đơn hàng qua thư điện tử khá phổ biến với tỷ lệ chiếm 79%; doanh nghiệp sử dụng chữ ký điện tử trong giao dịch với đối tác chiếm khoảng 60%; các phần mềm doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất hiện nay là phần mềm kế toán tài chính (85%), tiếp đến quản lý nhân sự (53%), quan hệ khách hàng (28%), quản lý hệ thống cung ứng (22%) và phần mềm lập kế hoạch nguồn lực chiếm khoảng 13%.

phat trien ha tang phu tro thuong mai dien tu tuong xung

Việt Nam được đánh giá là một thị trường có tiềm năng phát triển TMĐT.

Ảnh minh họa

Bộ Công Thương cho biết, doanh thu bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam năm 2017 đạt 6,2 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2016, chiếm 3,6% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự báo, TMĐT Việt Nam trong năm 2018 sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 25%-30%. Website TMĐT là hình thức được lựa chọn nhiều nhất khi mua sắm trực tuyến (chiếm 68%), tiếp đến qua diễn đàn, mạng xã hội (51%), qua ứng dụng trên thiết bị di động chiếm khoảng 41%... Một số hàng hóa, dịch vụ được quan tâm, mua sắm nhiều nhất là quần áo, thời trang, giày dép, mỹ phẩm (chiếm 59%); đồ công nghệ và điện tử, thiết bị đồ dùng gia đình (47%)...

Tuy nhiên, các hạ tầng dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT hiện nay như hạ tầng hóa đơn và chứng từ điện tử, hạ tầng thanh toán, hạ tầng logistics... còn thiếu đồng bộ và thiếu tính kết nối. Đặc biệt, hạ tầng logistics chưa hoàn thiện, thiếu vắng các nhà cung cấp chuyên nghiệp dịch vụ chuyển phát, hoàn tất đơn hàng cho TMĐT, giá thành dịch vụ cao chưa đáp ứng nhu cầu người sử dụng. Kết quả khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, 40% khách hàng tham gia TMĐT trả lời khâu vận chuyển và giao hàng còn chậm, không chuyên nghiệp.

Để hỗ trợ cho các giao dịch TMĐT, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị hữu quan triển khai hệ thống thanh toán TMĐT Keypay phù hợp đặc thù doanh nghiệp Việt Nam, qua đó đã hỗ trợ xử lý hàng chục nghìn giao dịch, hiện đang chuẩn bị triển khai thêm một số tiện ích gia tăng như dịch vụ thanh toán đảm bảo nhằm tăng niềm tin trong các giao dịch trực tuyến.

Để đáp ứng xu thế phát triển của TMĐT, Bộ Công Thương cho rằng, các hạ tầng phụ trợ liên quan cần phải được phát triển song song, tương xứng. Trong đó, hạ tầng pháp lý về TMĐT cần liên tục cập nhật để điều chỉnh một cách toàn diện, theo kịp thực tiễn các mô hình và hoạt động TMĐT khác nhau. Hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia cần hoàn thiện, tích hợp các giải pháp thanh toán đảm bảo sử dụng rộng rãi cho các mô hình TMĐT doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C), doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B), Chính phủ - người dân (G2C), Chính phủ - doanh nghiệp (G2B).

Hạ tầng chứng từ điện tử là một yếu tố còn thiếu của nền tảng TMĐT hiện nay, vì vậy cần xây dựng để hỗ trợ việc trao đổi, lưu trữ, tra soát trên phạm vi toàn quốc với sự tham gia của lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan quản lý, thanh tra liên ngành khác nhằm thuận lợi hóa hoạt động lưu thông hàng hóa.

Đối với hạ tầng chuyển phát/logistic, do TMĐT có những đặc thù riêng, các doanh nghiệp chuyển phát phải giải quyết bài toán tối ưu hóa khác rất nhiều so với mô hình logistic truyền thống. Trong đó, bao gồm việc ứng dụng công nghệ và giải quyết tính cá thể hóa của các đơn hàng nhỏ lẻ chứ không chỉ là độ phủ hoặc khả năng lưu chuyển khối lượng hàng hóa lớn. Hạ tầng chuyển phát cho TMĐT phải chú trọng giải quyết được yếu tố thời gian, quy trình đóng gói, bảo đảm mẫu mã và chất lượng sản phẩm, đặc biệt là khả năng giải quyết khâu hậu cần hoàn tất đơn hàng cho các nhà sản xuất với xu hướng nhà sản xuất sẽ trực tiếp bán và phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng.

Ngoài ra, hạ tầng an toàn, an ninh cho TMĐT cũng cần củng cố với việc thiết lập các hệ thống quản lý, giám sát giao dịch TMĐT; đánh giá tín nhiệm các website TMĐT và chứng thực chứng từ điện tử; các cơ chế giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong TMĐT…/.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan