Bạn đang ở đây

Nâng cao vai trò của lực lượng quản lý thị trường

31/07/2018 13:43:03

Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của lực lượng QLTT trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại? Những khó khăn mà lực lượng đang gặp phải?

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã yêu cầu lực lượng QLTT thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu; chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, không bảo đảm an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại. Những nỗ lực của lực lượng QLTT đã được Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương và các địa phương ghi nhận.

Chỉ tính riêng từ năm 1995 - 2016, lực lượng QLTT cả nước xử lý gần 1,8 triệu vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 5.204 tỷ đồng. Bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, lực lượng QLTT chú trọng triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật, ký cam kết không kinh doanh hàng lậu, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Tuy nhiên, cũng như các lực lượng chức năng khác, lực lượng QLTT vẫn gặp không ít khó khăn trong triển khai nhiệm vụ. Đơn cử, việc phát hiện và xử lý hàng giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ còn nhiều trở ngại; chi phí giám định cao, thời gian kéo dài đã ảnh hưởng đến kết quả của quá trình kiểm tra, xử lý, nhất là đối với mặt hàng phân bón giả, kém chất lượng.

Bên cạnh đó, lực lượng QLTT còn mỏng nhưng phải quản lý, kiểm tra số lượng lớn doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn, đồng thời tham gia nhiều nhiệm vụ khác do chính quyền địa phương giao như phòng chống dịch bệnh, giải tỏa chợ, tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành… Thậm chí, nhiều Đội QLTT chỉ có từ 3-4 biên chế trên địa bàn một huyện hoặc liên huyện, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý (có lúc, có nơi chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm). Thêm nữa, trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thiếu kinh phí hoạt động cũng gây không ít khó khăn cho lực lượng QLTT, đặc biệt là kinh phí tiêu hủy hàng giả, kém chất lượng, kinh phí giám định, kiểm định chất lượng hàng hoá…

Pháp lệnh QLTT được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 8/3/2016 có ý nghĩa như thế nào đối với lực lượng QLTT, thưa Thứ trưởng?

Pháp lệnh QLTT được ban hành nhằm nâng cao địa vị pháp lý của lực lượng này. Theo đó, lực lượng QLTT được tổ chức từ Trung ương đến địa phương theo nguyên tắc tập trung, thống nhất do Chính phủ quản lý. Pháp lệnh xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, phạm vi kiểm tra của lực lượng QLTT; công khai, minh bạch hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành Công Thương của QLTT... Pháp lệnh QLTT cũng xác định trách nhiệm, vai trò chủ trì của QLTT trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; vai trò chủ trì của các cơ quan, lực lượng chức năng trong kiểm tra hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường theo lĩnh vực quản lý nhà nước, bảo đảm việc phối hợp đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, kịp thời, không chồng chéo và hiệu quả.

Bên cạnh đó, Pháp lệnh QLTT quy định các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của QLTT và chế độ chính sách cho công chức QLTT, công chức QLTT bị thương hoặc hy sinh trong khi thi hành công vụ được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng, hoạt động giao thương, trao đổi hàng hoá ngày một tăng. Đây cũng là cơ hội phát sinh nhiều hành vi vi phạm. Thứ trưởng có thể cho biết, lực lượng QLTT đã có định hướng như thế nào về vấn đề này?

Nước ta đang từng bước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Nhiều hiệp định thương mại tự do đang được thực thi đã mở ra cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với hoạt động thương mại và công nghiệp. Nhận thức được nguy cơ phát sinh buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại, Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng QLTT thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Bộ Công Thương. Trong đó, tập trung bám sát, thực hiện có hiệu quả nội dung Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; Chỉ thị số 13/CT-TTg về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Chỉ thị số 15/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động và xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng QLTT, kiến nghị các cấp có thẩm quyền ban hành; tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Song song với đó, triển khai Kế hoạch của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tổ chức tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bằng nhiều hình thức; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, kém chất lượng, đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm sau khi ký cam kết.

Đặc biệt, lực lượng QLTT sẽ tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng như Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Công an và cơ quan thanh tra chuyên ngành… nhằm tạo sức mạnh tổng hợp từ trung ương đến địa phương; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vì mục tiêu xây dựng thị trường Việt Nam công bằng, lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng, thu hút đầu tư trong và ngoài nước…

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan