Bạn đang ở đây

Mua máy tạo oxy: Cẩn thận tiền mất, tật mang

25/08/2021 15:07:27

Trước tình hình số ca bệnh Covid-19 tăng cao, do tâm lý lo lắng quá mức, một số người dân đã tìm mua máy tạo oxy để phòng dịch tại nhà.

Có cầu ắt có cung, điều này dẫn đến một số đơn vị cũng "nhảy" vào kinh doanh mặt hàng này, thậm chí còn nhập hàng không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đến sức khỏe của người tiêu dùng. Chỉ cần gõ từ tìm kiếm "máy tạo oxy" trên facebook, hay các sàn thương mại điện tử, sẽ ra hàng loạt thông tin về máy tạo oxy, với đa dạng các loại, như Philips, DEDAKJ, Owgels, Yuwell, Santafell, Medris, Queencrown, Skymed… với giá dao động từ 4 - 20 triệu đồng, tùy từng loại và dung tích. Hầu hết các loại máy này đều được người bán quảng cáo là hàng chất lượng, được đổi trả hàng ngay nếu hỏng, bảo hành đầy đủ, hàng chính hãng… Tuy nhiên, khi hỏi về giấy tờ chứng minh xuất xứ, nguồn gốc, người bán "giả lơ" và chỉ cam kết bảo hành trong quá trình sử dụng,

Mua máy tạo oxy: Cẩn thận tiền mất, tật mang
Máy tạo oxy không rõ nguồn gốc bị lực lượng QLTT phát hiện, thu giữ

Không chỉ sôi động trên các trang mạng xã hội, tại các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế, mặt hàng này cũng "nóng" không kém. Theo ghi nhận tại các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế trên đường Giảng Võ, Phương Mai, Đê La Thành (Hà Nội), từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các loại máy tạo oxy cũng được người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn và dẫn đến giá cũng bị "đội" lên hơn so với thời điểm trước đây...

Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, thu giữ hàng loạt máy tạo oxy không rõ nguồn gốc. Cụ thể, ngày 21/8, tiếp nhận thông tin từ Tổ thương mại điện tử của Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lào Cai, Đội QLTT số 5 (Cục QLTT tỉnh Lào Cai) đã phối hợp với Phòng cảnh sát kinh tế kiểm tra tại khu vực đường Trần Viết Xuân (phường Lào Cai, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai). Lực lượng phát hiện lô hàng gồm 5 máy tạo oxy nhãn hiệu Santafell do nước ngoài sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến tính hợp pháp của hàng hóa trên.

Trước đó, chiều 19/8, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh) kiểm tra xe tải đang chuẩn bị giao hàng tại địa chỉ số 428/30 quốc lộ 1A, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trên xe có khoảng 350.000 sản phẩm vật tư y tế như máy tạo oxy, đồng hồ đo áp suất oxy, đồ bảo hộ, khẩu trang... Toàn bộ số hàng trên đều ghi chữ Trung Quốc, không có hóa đơn chứng từ mua bán, chứng minh nguồn gốc, xuất xứ...

Chuyên gia của Bộ Y tế cho rằng, người tiêu dùng không tự ý mua các thiết bị tạo oxy để sử dụng tại nhà, đặc biệt, những máy tạo oxy được rao bán trên mạng xã hội không được quản lý, không có giấy phép được lưu hành. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng cảnh báo nguồn oxy có từ bình nén, oxy lỏng, máy tách oxy nếu không được kiểm tra, tư vấn trước khi dùng, người bệnh dễ bị ứ khí CO2, thậm chí ngưng thở. Ngoài ra, bình chứa khí oxy là thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, là nguồn gây cháy nổ rất lớn khi va đập hoặc biến đổi nhiệt nếu để gần nguồn lửa như hút thuốc, hay tháo lắp van giảm áp sai quy định. Hơn nữa, việc mua, tích trữ máy thở mà không sử dụng đến còn có thể tạo sự khan hiếm nguồn cung, khiến các cơ sở y tế, bệnh viện không thể mua được máy cho bệnh nhân cần trong trường hợp dịch có những diễn biến khó lường.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, người dân không tự ý sử dụng máy thở, máy tạo oxy tại nhà vì đây là công việc cần có chuyên môn cao. Nếu dùng không đúng, sẽ nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan