Bạn đang ở đây

Làm rõ trách nhiệm liên quan đến tình trạng để nợ đọng thuế

19/09/2019 12:20:11

Bảy nhóm đối tượng được giải quyết nợ đọng thuế

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, tình hình nợ đọng thuế và số nợ không có khả năng thu hồi hiện nay vẫn còn cao và tăng theo từng năm. Cụ thể, đến ngày 31/12/2018, số nợ đọng thuế lên đến 81.618 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng thời điểm năm 2017, trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu về ngân sách chiếm 50,7% tổng số tiền thuế nợ, tương ứng với 41.387 tỷ đồng.

lam ro trach nhiem lien quan den tinh trang de no dong thue
Tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về xử lý nợ đọng thuế, song Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm của đối tượng nộp thuế, cơ quan quản lý thuế liên quan đến tình trạng để nợ đọng thuế

Về mặt pháp lý, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Luật Quản lý thuế năm 2006 (đã sửa đổi, bổ sung 3 lần) song vẫn chưa có quy định để xử lý nợ thuế đối với người nộp thuế đã chấm dứt hoạt động sản xuất - kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Do đó, không có cơ sở để xử lý số tiền nợ thuế, tiền chậm nộp và tiền phạt chậm nộp.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, trong đó đã có quy định để xử lý nợ cho các đối tượng này, như: khoanh nợ (tại Điều 83), xóa nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp (tại Điều 85), không tính tiền chậm nộp (tại Điều 59), nhưng những quy định này được áp dụng cho đối tượng nợ thuế phát sinh từ ngày 01/7/2020 trở đi, không áp dụng đối với các trường hợp nợ thuế phát sinh trước ngày 01/7/2020.

Từ thực tế trên, để giải quyết nợ đọng thuế không còn khả năng nộp ngân sách, cần thiết phải xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ của người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, tạo cơ chế pháp lý để xử lý dứt điểm tiền thuế nợ, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tồn tại lâu năm không còn khả năng thu của các đối tượng đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, thực tế đã phá sản, giải thể nhưng chưa thực hiện các thủ tục phá sản, giải thể theo quy định pháp luật, người nộp thuế đã chấm dứt kinh doanh, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh. Đồng thời, xử lý tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính cho những người nộp thuế có phát sinh nợ thuế, bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp bất khả kháng khác.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm, nội dung Nghị quyết này quy định về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, bao gồm: tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành.

lam ro trach nhiem lien quan den tinh trang de no dong thue
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Sẽ có bảy nhóm đối tượng được xem xét xử lý tiền nợ thuế

Về đối tượng áp dụng, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, sẽ bao gồm: người nộp thuế có tiền thuế nợ thuộc đối tượng được xử lý tiền thuế nợ quy định tại Nghị quyết này; cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đối tượng xử lý nợ gồm 7 nhóm: Người nộp thuế là người đã chết, người bị tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế có quyết định giải thể gửi cơ quan quản lý thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh, chưa hoàn thành thủ tục giải thể; người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản; người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý thuế; người nộp thuế đã bị cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp bất khả kháng khác; và người nộp thuế cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán trực tiếp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, bao gồm cả nhà thầu phụ nhưng chưa được thanh toán.

Nghị quyết quy định thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế quyết định việc khoanh nợ. Với doanh nghiệp và tổ chức, Thủ tướng Chính phủ quyết định xóa nợ đối với trường hợp nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 15 tỷ đồng trở lên; Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xoá nợ đối với trường hợp nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 10 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xoá nợ đối với trường hợp nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng; chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xóa nợ đối với trường hợp nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp dưới 5 tỷ đồng. Đối với cá nhân, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình, hộ kinh doanh, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp trên cơ sở hồ sơ đề nghị xóa nợ của cơ quan quản lý thuế.

Thời gian Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 và thực hiện trong thời hạn 3 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành.

Làm rõ trách nhiệm liên quan đến tình trạng để nợ đọng thuế

Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách - ông Nguyễn Đức Hải - cho biết, Cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành và để bảo đảm minh bạch, gắn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khoanh nợ, xóa nợ, cần nghiên cứu bổ sung thêm nguyên tắc quy định về trách nhiệm của người đứng đầu theo quy định của pháp luật và theo quy định của tổ chức Đảng. Về quy định “Trường hợp các đối tượng được xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp khi quay lại sản xuất kinh doanh thì phải hủy quyết định xóa nợ, khoanh nợ (nếu có) và nộp vào ngân sách khoản nợ đã được xóa” - Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, để khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp quay lại sản xuất kinh doanh, đề nghị chỉ thu hồi đối với các trường hợp được xóa do bỏ trốn, bỏ địa chỉ kinh doanh và trường hợp do vi phạm pháp luật.

lam ro trach nhiem lien quan den tinh trang de no dong thue
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách - ông Nguyễn Đức Hải: Để bảo đảm minh bạch, gắn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khoanh nợ, xóa nợ, cần nghiên cứu bổ sung thêm nguyên tắc quy định về trách nhiệm của người đứng đầu

Cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ rà soát các luật liên quan đến quản lý thuế và chỉ đưa vào Nghị quyết những đối tượng cần phải xử nợ đọng thuế mà chưa có quy định liên quan. Đồng thời, Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm của đối tượng nộp thuế, cơ quan quản lý thuế, cán bộ các bộ, ngành, địa phương liên quan đến tình trạng để nợ đọng thuế trong thời gian qua để báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

“Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm tra chính thức nội dung này để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 theo thủ tục rút gọn tại một kỳ họp” - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận.

Tin liên quan