Bạn đang ở đây

Kiểm soát chặt nhập khẩu, ưu tiên sử dụng phân bón trong nước

13/11/2018 08:59:27

Siết chặt quản lý để ngăn ngừa phân bón giả

Thảo luận ở hội trường Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trồng trọt, ngày 9/11, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - đoàn thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nội dung các quy định về nhập khẩu mua bán phân bón còn khá sơ sài, chưa có cơ sở để giải quyết một số vấn đề thực tiễn đặt ra được dư luận quan tâm như tình trạng nhập khẩu phân bón kém chất lượng, phân bón không đảm bảo vệ sinh môi trường, nhập khẩu phân bón tràn lan phụ thuộc nguồn cung của nước ngoài ảnh hưởng lớn đến nền nông nghiệp của nước ta.

kiem soat chat nhap khau uu tien su dung phan bon trong nuoc
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy phát biểu tại hội trường

Vì vậy, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định về tính nguyên tắc xuất khẩu, nhập khẩu phân bón như kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phân bón. Việc nhập khẩu phải đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường. Ưu tiên sử dụng phân bón trong nước, chỉ nhập khẩu phân bón khi nguồn cung trong nước không đáp ứng. Bên cạnh đó, ưu tiên việc nhập khẩu phân bón hữu cơ.

Trước vấn đề này, đại biểu Trần Thị Hằng - đoàn Bắc Ninh bày tỏ, Dự thảo Luật vẫn đặt nặng về quản lý cơ học trong cả đầu vào và đầu ra của sản xuất, nhập khẩu phân bón xong công tác hậu kiểm vẫn lơ là. Xuyên suốt dự thảo chưa thấy quy định trách nhiệm của cơ quan chức năng trong quản lý, sử dụng phân bón, chưa có quy định về cơ chế kiểm soát, phối hợp giữa các bộ, ban ngành địa phương trong quản lý phân bón.

“Nếu khâu tiền kiểm làm tốt nhưng hậu kiểm chưa sát sao liệu có thể quản lý được không?” - đại biểu Trần Thị Hằng băn khoăn, đồng thời đề nghị dự thảo quy định rõ cơ chế phối hợp quản lý và kiểm soát phân bón, thực hiện thanh tra, kiểm tra đồng bộ hiệu quả và có chế tài nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm. Có như vậy, bài toán phân bón giả, phân bón kém chất lượng mới được giải quyết triệt để.

Đại biểu Dương Tấn Quân - đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu nêu ý kiến, trong Dự thảo Luật quy định phân bón làm quà tặng, hàng mẫu, tham gia hội chợ triển lãm, phục vụ nghiên cứu khoa học không cần kiểm tra nhà nước về chất lượng khi nhập khẩu là chưa ổn. Vì phân bón là quà tặng nếu với số lượng ít, vài kg để trưng bày thì không sao, nhưng với số lượng lớn dùng để bón cho cây trồng mà không kiểm tra chất lượng trước khi sử dụng, bón nhầm phân kém chất lượng hay có yếu tố gây hại đến cây trồng, thiệt hại có thể không nhỏ. Đặc biệt là những người dân ở vùng sâu, vùng xa, trình độ kiến thức có giới hạn nên rất khó phân biệt được phân chất lượng hay kém chất lượng.

Cho rằng quy định về trách nhiệm bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón chưa được cụ thể, đại biểu Quàng Văn Hương - đoàn Sơn La, đề nghị bổ sung thêm một điểm vào khoản 2 Điều 41 đó là “có kế hoạch bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền xác nhận”. Quy định như vậy để bảo đảm cho các cơ quan nhà nước chủ động nắm được toàn bộ hoạt động liên quan đến việc bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón, tính khả thi của kế hoạch bảo vệ môi trường của các cơ sở này trước khi cấp phép đủ điều kiện sản xuất phân bón.

“Đồng thời, tránh được việc các tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón sau khi được cấp giấy chứng nhận nếu thực hiện như Dự thảo hiện nay thì sẽ lách luật, chây ỳ trong việc lập và thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường dẫn đến vi phạm, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, sinh hoạt và gây bức xúc cho nhân dân” - đại biểu Quàng Văn Hương lưu ý.

Rút ngắn thời gian khảo nghiệm phân bón

Về quy định khảo nghiệm phân bón đang gây nhiều tranh cãi, đại biểu Trần Thị Hằng cho hay, việc giữ quy định khảo nghiệm phân bón tại Dự thảo Luật sẽ giải quyết được bài toán quản lý chất lượng phân bón. Tuy nhiên, cần tính toán quy định này sao cho phù hợp với sản xuất trong nước và xu hướng phát triển của thế giới bởi nhiều nước như Hoa Kỳ, EU, Thái Lan… đã bỏ khảo nghiệm phân bón.

Theo đại biểu Trần Thị Hằng, cần quy định cụ thể và nới rộng phạm vi phân bón, không phải khảo nghiệm theo tiêu chí đối với phân bón có chứa yếu tố gây hại cho cây trồng và môi trường; nhanh chóng hoàn thiện hành lang quy chuẩn kỹ thuật phân bón làm cơ sở quản lý vì thực tế, chúng ta chưa có hàng rào này. Đồng thời thực hiện giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm kèm theo chế tài phạt nghiêm khắc, tạo sân chơi bình đẳng và điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết vấn đề môi trường.

Cũng theo đại biểu Trần Thị Hằng, rút ngắn thời gian khảo nghiệm phân bón xuống còn một năm nhằm giảm bớt thời gian và chi phí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Bởi lẽ, thời gian khảo nghiệm như hiện nay là rất lâu, phải tiến hành cả trên diện hẹp và diện rộng, quy trình liên tiếp từ 1 - 2 vụ, doanh nghiệp phải mất ít nhất là 2 năm mới có sản phẩm lưu hành thị trường, chưa kể chi phí bỏ ra cho hoạt động này rất lớn. “Chỉ khảo nghiệm cho một sản phẩm phân bón mà có thể lên tới khoảng 2 tỷ đồng. Như vậy, rất khó cho doanh nghiệp tồn tại, chưa nói đến phát triển” - đại biểu Trần Thị Hằng nói.

Bên cạnh đó, giảm đối tượng khảo nghiệm từ 3 loại cây trồng như hiện nay xuống còn 2 loại cây trồng nhằm giảm bớt chi phí cho hoạt động sản xuất phân bón. Ngoài ra, cần quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể về vốn, xây dựng thương hiệu, ưu đãi trong giao và thuê đất cũng như miễn giảm thuế cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất phân bón hữu cơ nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, tận dụng tối đa nguồn chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp trong sản xuất.

Chia sẻ về vấn đề này, đại biểu Sần Sín Sỉnh - đoàn Lào Cai đề nghị, phân bón được khảo nghiệm cả diện rộng và diện hẹp có thể diễn ra song hành. Lý do, để rút ngắn thời gian thực hiện khảo nghiệm vẫn đạt kết quả, mục đích đánh giá khảo nghiệm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón đưa ra các loại phân bón mới. Nếu thực hiện khảo nghiệm diện hẹp xong mới khảo nghiệm diện rộng thì mất thời gian khoảng 2 năm mới khảo nghiệm xong, chưa tính thời gian hoàn thiện hồ sơ sơ bộ mất gần 3 năm doanh nghiệp mới cho ra 1 loại phân bón, mất thời gian và tốn kém.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan