Bạn đang ở đây

Hội Sản xuất và Kinh doanh gạo Mường Lò: "Chắp cánh" giá trị đặc sản Tây Bắc

15/08/2019 07:58:49

 

Description: Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham quan gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm của Hội Sản xuất và Kinh doanh gạo Mường Lò tại Hội nghị kết nối cung cầu Yên Bái năm 2018 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham quan gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm của Hội Sản xuất và Kinh doanh gạo Mường Lò tại Hội nghị kết nối cung cầu Yên Bái năm 2018 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Để chuyển giao ứng dụng khoa học, kỹ thuật (KHKT), tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp được Nhà nước bảo hộ phục vụ phát triển kinh tế, du lịch trên địa bàn thị xã, tháng 3/2018, Hội Sản xuất và Kinh doanh gạo Mường Lò (HSXKDGML) tỉnh Yên Bái được thành lập.

Hội là tổ chức xã hội, nghề nghiệp chịu sự quản lý nhà nước của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm tập hợp, đoàn kết hội viên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), quảng bá thương hiệu gạo Mường Lò. 

Ngoài ra, Hội còn được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tham gia cùng các cơ quan Nhà nước quản lý Chỉ dẫn địa lý Gạo Mường Lò (CDĐLGML), Nhãn hiệu tập thể "Thịt hun khói Mường Lò”. Hội hiện có 100 hội viên, trong đó, có 6 chi hội, 3 hợp tác xã, 5 cửa hàng trực thuộc ở Yên Bái, Hà Nội. 

Mặc dù chỉ mới thành lập và đi vào hoạt động được hơn một năm, nhưng Hội đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao và đạt những kết quả tích cực, đặc biệt là trong việc khai thác giá trị CDĐLGML; xây dựng, đăng ký Nhãn hiệu tập thể "Thịt hun khói Mường Lò”. 

Hội đã tích cực tuyên tuyền, phổ biến đến hội viên và nhân dân về vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ thuật SXKD sản phẩm mang CDĐLGML, Nhãn hiệu tập thể "Thịt hun khói Mường Lò”. 

Trong vụ chiêm xuân 2019, Hội hướng dẫn, triển khai sản xuất lúa theo quy trình CDĐLGML tại xã Hạnh Sơn, Phúc Sơn, Thanh Lương, Thạch Lương, Phù Nham, Sơn A thuộc huyện Văn Chấn. Để đưa các sản phẩm này ra thị trường, Hội đẩy mạnh hoạt động truyền thông giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhiều kênh thông tin khác. 

Đồng thời, Hội tham gia tổ chức 6 gian hàng hội chợ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm gạo Séng cù, Hương chiêm, thịt hun khói Mường Lò, các sản phẩm đặc trưng của vùng Mường Lò tại tỉnh Yên Bái, Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Bình và hỗ trợ, giúp hội viên bán 300 tấn gạo với chất lượng và giá thành cao hơn mặt bằng chung trong dịp này. 

Tại thị trường ở thị xã Nghĩa Lộ, Hội đã lựa chọn đưa ra những loại gạo ngon, có chất lượng, bao bì, nhãn mác với giá bán lẻ đối với gạo Séng cù là 29.000 đồng/kg, tăng 50%, gạo Hương chiêm 20.000 đồng/kg - tăng 40% giá bán so với trước khi được Nhà nước bảo hộ, giúp hội viên nâng cao thu nhập từ việc sản xuất hai loại gạo này theo quy trình CDĐLGML. 

Gia đình hội viên Hà Thị Giang, thôn An Sơn, xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn có hơn 5.000 m2 ruộng tham gia sản xuất lúa Séng cù cho CDĐLGML từ vụ chiêm năm 2019 cho biết: "Việc sản xuất và tiêu thụ gạo của gia đình theo CDĐLGML thông qua HSXKDGML đã mang lại cho gia đình lợi ích kinh tế gần gấp 3 lần so với  việc trồng một số giống lúa như Khang dân, Nhị ưu 838 trước đây”. 

Gia đình bà Hoàng Thị Phượng, thôn Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ là một trong những gia đình tiên phong trong làm du lịch cộng động, sản xuất thịt hun khói của thị xã Nghĩa Lộ, tích cực tham gia vào dự án khoa học "Xác lập quyền đối với Nhãn hiệu tập thể Thịt hun khói Mường Lò cho các sản phẩm thịt hun khói của vùng Mường Lò, tỉnh Yên Bái”. 

Được sự giúp đỡ của HSXKDGML, gia đình bà Phượng đã in bao bì, nhãn mác, mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm Qr; nhờ đó, sản phẩm được khách hàng tin tưởng, tiêu thụ tốt. Riêng dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, bà bán được 300 kg thịt hun khói, nhiều hơn gấp 3 lần dịp này các năm trước, giá bán cũng tăng bình quân 150.000 đồng/kg.

Ngoài SXKD lúa gạo, vì hội viên của Hội đa phần là đồng bào Thái ở Mường Lò, nên Hội còn giúp hội viên xây dựng các thương hiệu dịch vụ du lịch, thổ cẩm, chẳm chéo, bánh chưng đen Mường Lò... đều là những sản phẩm đặc trưng của người Thái và là cầu nối giới thiệu đến các đại lý để tiêu thụ sản phẩm. 

Ông Liễu Ngọc Mậu - Chủ tịch HSXKDGML cho biết: tới đây, Hội sẽ đề nghị UBND thị xã Nghĩa Lộ thành lập Hợp tác xã Du lịch Mường Lò là thành viên của Hội nhằm xây dựng một tổ chức kinh tế tập thể làm nòng cốt hoạt động trong lĩnh vực du lịch, phục vụ du lịch của thị xã Nghĩa Lộ. 

Hội và Hợp tác xã Du lịch Mường Lò sẽ tiếp tục đề xuất với thị xã xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản, đặc trưng phục vụ phát triển du lịch của thị xã Nghĩa Lộ như: thổ cẩm, bánh chưng đen, chẳm chéo Mường Lò... để ngoài gạo và thịt hun khói thì nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản của Nghĩa Lộ - Mường Lò ngày càng được nhiều người biết đến, lựa chọn, tiêu dùng, tạo điều kiện cho hội viên của Hội nâng cao thu nhập. Mô hình hợp tác xã trong hội sẽ là một gợi ý hay về  xây dựng chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất, cần được nghiên cứu, nhân rộng.

Theo YBĐT

Tin liên quan