Bạn đang ở đây

EU đàm phán với các nước thứ ba về việc công nhận lẫn nhau chứng chỉ đi lại Covid

09/06/2021 08:33:10

Ngày 7/6, tại cuộc họp báo sau cuộc họp của các Bộ trưởng Tư pháp 27 nước thành viên Liên minh châu Âu, Cao ủy EU về Tư pháp Didier Reynders cho biết, Ủy ban châu Âu đang tham gia vào các cuộc đàm phán với các nước thứ ba, chẳng hạn như Vương quốc Anh, Mỹ và Thụy Sỹ, về việc công nhận lẫn nhau các chứng chỉ vắc xin Covid-19.

Vì Mỹ không có ý định cấp "hộ chiếu" tiêm chủng liên bang, do đó, EU phải suy nghĩ về các loại bằng chứng khác cho tiêm chủng hoặc phục hồi hoặc các xét nghiệm, nhưng phải có khả năng giải quyết vấn đề.

EU đàm phán với các nước thứ ba về việc công nhận lẫn nhau chứng chỉ đi lại Covid

Ủy ban châu Âu đang hoàn thiện các khuyến nghị mới của mình về di chuyển tự do. Dự kiến trong tuần này, Liên minh châu Âu sẽ đạt được tiến bộ về các quy định mới ở cấp độ EU để dỡ bỏ các hạn chế và tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển tự do.

Chứng chỉ Covid kỹ thuật số của EU đã được Ủy ban châu ÂU đề xuất để tạo điều kiện cho việc đi lại an toàn vào mùa hè này. Hệ thống sẽ cho phép xác minh các chứng chỉ quốc gia theo cách an toàn và thân thiện với quyền riêng tư. Chứng chỉ này có sẵn ở định dạng kỹ thuật số hoặc trên giấy, sẽ cung cấp bằng chứng rằng một người đã được tiêm chủng vắc xin Covid-19, được xét nghiệm âm tính hoặc hồi phục sau nhiễm trùng.

Quy định dự kiến ​​có hiệu lực vào ngày 1/7 với khoảng thời gian 6 tuần đối với bất kỳ quốc gia thành viên nào cần thêm thời gian. Quyết định về chứng chỉ toàn EU đạt được giữa các tổ chức EU vào tháng 5, nhằm mục đích chứng minh tình trạng Covid của những người đi du lịch và dỡ bỏ các hạn chế đi lại. Kể từ đầu tháng 7, ba loại chứng chỉ sẽ sẵn sàng, bao gồm tiêm chủng, xét nghiệm âm tính và phục hồi, có hiệu lực ở tất cả các nước EU. Các cơ quan quốc gia sẽ có thể xác minh tính hợp lệ của chứng chỉ bằng cách tải các khóa chữ ký công khai lên một cổng EU đặc biệt.

Tuy nhiên, chỉ có 17 quốc gia EU, cộng với Iceland, cho đến nay đã thử nghiệm thành công cổng vào EU. 17 quốc gia EU là Áo, Bỉ, Bulgaria, Croatia, Síp, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Pháp, Đức, Hy Lạp, Italia, Lithuania, Luxembourg, Hà Lan, Tây Ban Nha và Thụy Điển. Những nước khác đã lên lịch kiểm tra thêm, bao gồm Latvia, Ireland, Malta, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Romania.

Giấy chứng nhận vắc xin sẽ cho biết loại vắc xin, thời điểm tiêm và liều lượng. Việc người dân mới chỉ tiêm một liều vắc xin vẫn có thể đi du lịch. Nhưng sẽ tùy thuộc vào từng quốc gia thành viên quyết định có chấp nhận nó hay không. Ủy ban châu Âu cũng đã khuyến cáo các quốc gia thành viên chỉ chấp nhận các loại vắc xin được Cơ quan Dược phẩm châu Âu cho phép. Nếu một người đã được tiêm một loại vắc xin khác, thì việc chấp nhận hay không sẽ tùy thuộc vào từng quốc gia thành viên. Hiện vẫn chưa rõ giấy chứng nhận vắc xin sẽ có giá trị trong bao lâu. Các quốc gia thành viên vẫn có thể áp đặt các hạn chế về di chuyển, nếu được yêu cầu. Nhưng những hạn chế đó phải “cần thiết, tương xứng và không phân biệt đối xử”.

Một kịch bản có thể xảy ra là sự xuất hiện đột ngột của một biến thể và sự suy giảm sức khỏe cộng đồng sau đó. Các quốc gia EU trước tiên sẽ phải thông báo cho nhau, Ủy ban EU và công chúng trước khi áp đặt các hạn chế.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan