Bạn đang ở đây

Đổi mới phương thức xúc tiến thương mại

04/05/2020 08:08:40

Dòng chảy thương mại toàn cầu đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19, khiến hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) của doanh nghiệp (DN) gặp không ít khó khăn.

Kênh xúc tiến hiệu quả

Dịch Covid-19 hoành hành buộc các nền kinh tế lớn trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ... phải thực hiện hàng loạt biện pháp mạnh tay để hạn chế virus lây lan, khiến hoạt động XTTM của DN Việt Nam tại các quốc gia này không thể diễn ra như kế hoạch.

doi moi phuong thuc xuc tien thuong mai

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết: Riêng đối với chương trình cấp quốc gia về XTTM năm 2020, đến nay đã có 49 đề án, chiếm 20% tổng số đề án đã được phê duyệt phải hủy thực hiện hoặc lùi thời gian đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.

Trong bối cảnh đó, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công Thương, Cục XTTM đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ DN xúc tiến XK. Trong đó, đặc biệt quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để đổi mới phương thức XTTM, xúc tiến thương hiệu Việt thông qua môi trường thương mại điện tử (TMĐT) và các nền tảng công nghệ số.

Ông Vũ Bá Phú cho rằng: “Đây là biện pháp phù hợp trong bối cảnh các quốc gia hạn chế di chuyển, đồng thời là giải pháp lâu dài nhằm tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả và tính minh bạch cho các hoạt động thương mại”.

Nhiều Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng chủ động chuyển đổi việc sử dụng các hình thức kết nối giao thương truyền thống sang khai thác các kênh kết nối trên nền tảng số. Cụ thể, Thương vụ Việt Nam tại Australia chuẩn bị ra mắt các công cụ trực tuyến để tự động hóa, tối ưu hóa công tác kết nối giao thương, quảng bá và phục vụ DN Việt XK sang thị trường này. Hiện Thương vụ đang vận động để xây dựng Diễn đàn các nhà nhập khẩu nông sản Việt Nam tại Australia, nhằm thống nhất các kế hoạch hành động, chủ động đối phó với tình hình thương mại thế giới có nhiều rủi ro, nhất là mặt hàng nông sản tươi.

Gần đây nhất, ngày 21/4, lần đầu tiên Cục XTTM đã phối hợp với Sở Thương mại Khu Tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến hàng hoá Việt Nam- Trung Quốc (Quảng Tây) với sự kết nối và tham gia của hơn 150 DN hai nước hoạt động trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm, trong đó có 35 DN Việt Nam. Sau khi kết thúc các phiên giao dịch, khá nhiều DN Trung Quốc bày tỏ mong muốn nhập khẩu các mặt hàng nông-thủy sản và nhiều thực phẩm khác từ Việt Nam.

Doanh nghiệp hưởng ứng

Chia sẻ về hiệu quả của mô hình giao thương trực tuyến này, bà Văn Thị Loan - Giám đốc Công ty TNHH Real Bean Coffee - nhận định: Hình thức kết nối trực tuyến không chỉ giúp DN tìm kiếm đối tác mới mà còn giúp ổn định sản xuất, sẵn sàng đẩy mạnh XKhàng hóa ngay khi hết dịch bệnh và thị trường mở cửa trở lại.

“Với hiệu quả từ việc giao lưu trực tuyến, chúng tôi mong muốn Cục XTTM tiếp tục tạo điều kiện để giúp DN vừa và nhỏ như chúng tôi có cơ hội được kết nối với đối tác từ các quốc gia khác bằng hình thức này” - bà Loan chia sẻ.

Là công ty chuyên sản xuất, XK mặt hàng thủy sản khô và thủy sản đông lạnh, bà Nguyễn Kim Thanh - Giám đốc Saky Food Co., Ltd - cho biết, công ty thường xuyên tham gia các hội chợ, triển lãm ở nhiều nước để duy trì hình ảnh, gắn kết thường xuyên với khách hàng. Tuy nhiên dịch bệnh khiến các hoạt động như vậy bị hủy hoặc hoãn. Do đó, các mô hình giao lưu, kết nối trực tuyến được thực hiện khá hiệu quả tiết kiệm chi phí. Mặc dù vậy, cần phải nâng cấp công nghệ hơn, bởi việc sử dụng nền tảng kết nối trực tuyến Zoom không được an toàn, hơn nữa kết nối hay bị gián đoạn, ảnh hưởng đến quá trình giao dịch.

Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh, việc nghiên cứu phát triển thêm các kênh thương mại mới, ứng dụng CNTT và áp dụng TMĐT để tăng cơ hội tiếp cận với khách hàng, tăng cường hoạt động XTTM trên môi trường mạng cũng là những biện pháp DN cần chú trọng đẩy mạnh.

Bên cạnh đó, DN cũng cần chủ động tìm hiểu, duy trì cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên, kết nối chặt chẽ với hệ thống cơ quan thương vụ, trung tâm XTTM của Việt Nam ở nước ngoài để có thể tận dụng tối đa cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do đang và sắp có hiệu lực, qua đó đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN trong tiến trình hội nhập.

Do tác động của dịch Covid-19, các hoạt động XTTM truyền thống bị ảnh hưởng mạnh nhất là hội chợ, triển lãm quốc tế lớn về nông sản, thực phẩm, thủy hải sản, dệt may, da giày... các sự kiện thương mại quốc tế lớn tại Việt Nam và hàng đầu tại các khu vực đều không thể tổ chức được.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan