Bạn đang ở đây

Diện mạo công nghiệp nông thôn: Thay đổi nhờ đâu?

26/12/2019 09:43:59
dien mao cong nghiep nong thon thay doi nho dau
Nguồn vốn từ Chương trình Khuyến công tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Thực hiện những nội dung của Chương trình Khuyến công quốc gia, năm 2019, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) đã phối hợp với các cơ quan quản lý của 17 huyện, thị xã, các hội, hiệp hội ngành nghề trên địa bàn Hà Nội… mở 38 lớp đào tạo, truyền cấy nghề thủ công mỹ nghệ (TCMN) cho khoảng 1.330 lao động nông thôn. Kết thúc truyền nghề, cấy nghề, 1.064 lao động (khoảng 80% số lao động được truyền nghề) được các cơ sở sản xuất bố trí việc làm với thu nhập ổn định. Cùng với đó, tổ chức 17 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản trị, điều hành cho 1.700 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ sở CNNT.

Thông qua các chương trình khuyến công, thành phố đã hỗ trợ 15 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Việc hỗ trợ đã giúp các cơ sở CNNT nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững.

Để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm TCMN, công tác khuyến công đã chú trọng nâng cao năng lực thiết kế cho các sản phẩm làng nghề. Cụ thể, năm 2019, Sở Công Thương Hà Nội thông qua Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội đã tổ chức thành công Cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm TMCN Hà Nội năm 2019 với Chủ đề "Sản phẩm TCMN thiết kế sáng tạo". Qua cuộc thi, đã khích lệ tinh thần sáng tạo trong thiết kế mẫu mã sản phẩm của các nghệ nhân, thợ giỏi ngành TCMN Hà Nội nhằm tạo ra sản phẩm mới có tính ứng dụng, phù hợp với xu hướng và thị hiếu của thị trường. Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội đã hỗ trợ 20 cơ sở sản xuất hàng TCMN xuất khẩu thuê chuyên gia tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm mới, mỗi đơn vị được hỗ trợ thiết kế 2 - 5 sản phẩm mới… Từ nguồn kinh phí khuyến công, Sở cũng hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở CNNT đầu tư máy móc, nâng cao chất lượng mẫu mã, tăng cường kết nối cung - cầu sản phẩm…

Bên cạnh các hoạt động truyền cấy nghề và hỗ trợ sản xuất sản phẩm CNNT, xác định hoạt động xuất khẩu là chủ lực, Sở Công Thương Hà Nội đã hỗ trợ cơ sở sản xuất làng nghề bằng những hoạt động quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nổi bật là thành công của Hội chợ Quốc tế quà tặng hàng TCNM Hà Nội 2019. Với quy mô 650 gian hàng giới thiệu sản phẩm CNNT đến từ 26 tỉnh, thành phố trong nước và 7 nước trên thế giới, Hội chợ đã thu hút hơn 13.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, giao dịch. Đã có trên 1.300 giao dịch, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm được ký giữa các nhà nhập khẩu, khách thương mại trong nước với các doanh nghiệp trong thời gian này.

Có thể nói, Chương trình khuyến công đã làm thay đổi diện mạo của CNNT, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Đồng thời, nâng cao thu nhập và đời sống của một bộ phận người dân nông thôn, góp phần vào sự thành công của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội.

Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động lồng ghép các chương trình, kế hoạch khác vào thực hiện song song với công tác khuyến công của thành phố như: Xúc tiến thương mại, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đổi mới khoa học - công nghệ… nhằm giảm sự chồng chéo giữa các chương trình để có kết quả cuối cùng tốt nhất.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan