Bạn đang ở đây

Điện Biên Phủ - đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam

23/04/2019 14:29:28
Xung phong trên đồi Him Lam.

Xung phong trên đồi Him Lam.

 

 

Bước phát triển vượt bậc trong chỉ đạo chiến lược

 

Trước tình hình quân Pháp triển khai kế hoạch Henry Navarre, tháng 10-1953, tại Tỉn Keo (xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp hội nghị thảo luận và thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954. Sau khi nghe báo cáo kế hoạch tác chiến do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh...! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn...”. Người nêu rõ nguyên tắc chỉ đạo chiến lược và chỉ đạo tác chiến là tập trung lực lượng mở những cuộc tiến công vào những hướng chiến lược mà ở đó địch tương đối yếu nhưng vì quan trọng nên chúng không thể nào bỏ được, buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng.

 

Thực hiện chủ trương chiến lược, tháng 11-1953, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng triệu tập cán bộ cấp trung đoàn trở lên để phổ biến kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954. Trong lúc hội nghị đang diễn ra, thì ngày 20-11-1953, phát hiện ta điều động lực lượng lên Tây Bắc (Đại đoàn 316), Navarre liền cho quân nhảy dù chiếm đóng ĐBP. Ý đồ đổ quân xuống ĐBP của Navarre đã được hội nghị thảo luận, rồi đi đến nhận định, trước sự uy hiếp của ta, địch đã bị động đối phó, phải phân tán một bộ phận lực lượng cơ động lên ĐBP để yểm hộ Tây Bắc, bảo vệ Thượng Lào, phá kế hoạch tiến công của ta... Dù địch tình thay đổi thế nào, việc quân Pháp nhảy dù xuống ĐBP căn bản có lợi cho ta. Ngược lại, nó bộc lộ mâu thuẫn của quân Pháp giữa chiếm đóng đất đai với tập trung lực lượng, giữa chiếm đóng chiến trường rừng núi với củng cố chiến trường đồng bằng.

 

Theo phương án tác chiến Xuân 1954, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo các hướng quân ta triển khai lực lượng, đẩy mạnh tiến công địch trên nhiều mặt trận như: Lai Châu, vĩ tuyến 18, Trung Lào, Hạ Lào, Kon Tum và vùng Bắc Tây Nguyên… Các đòn tiến công chiến lược nói trên cùng với các hoạt động của quân và dân ta ở vùng sau lưng địch, khiến lực lượng cơ động của quân Pháp bị "chia năm xẻ bảy” phân tán trên nhiều hướng.

 

Xây dựng lực lượng, sáng tạo thế trận

 

Trong chiến dịch ĐBP, điều quan trọng trước hết là xác định chính xác phương châm tác chiến làm cơ sở cho việc hạ quyết tâm chiến đấu. Điều đó xuất phát từ thực tế khách quan và chủ quan. Phải thấy rằng, Bộ Chỉ huy quân đội Pháp thực hiện quyết tâm cao nhất, xây dựng tại lòng chảo ĐBP một tập đoàn cứ điểm hùng mạnh, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và dù cùng các lực lượng chiến đấu khác với quân số 16.000 người và hệ thống thiết bị vũ khí đồ sộ, hiện đại nhằm "nghiền nát” lực lượng chủ lực của Việt Minh. Trong khi đó, các đại đoàn chủ lực của ta dù đã thực hành tiến công các căn cứ phòng ngự của quân Pháp (đánh công kiên), nhưng đây là lần đầu tiên, quân ta tiến công vào một tập đoàn cứ điểm liên hoàn (49 cứ điểm), với hệ thống phòng ngự vững chắc.

 

Với phương châm ban đầu "đánh nhanh, thắng nhanh” có ưu điểm là tạo bất ngờ, giữ được quyết tâm và bảo đảm hậu cần tốt hơn, tuy nhiên, việc xác định phương châm tác chiến cho một chiến dịch quan trọng mang tầm vóc trận quyết chiến, chiến lược đòi hỏi Bộ Tổng Tư lệnh và Tư lệnh chiến trường phải cân nhắc, tính toán và quyết định chính xác. Trên cơ sở so sánh tương quan lực lượng, đánh giá khả năng của quân ta và quân Pháp tại ĐBP, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là phải "đánh chắc thắng” theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch. Vì thế, với trọng trách là Tổng Tư lệnh chiến dịch, Bí thư Đảng ủy chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với tập thể Đảng ủy chiến dịch quyết định thay đổi phương châm từ "đánh nhanh, thắng nhanh” sang "đánh chắc, tiến chắc” (26-1-1954).

 

Việc thay đổi phương châm đòi hỏi quyết tâm rất lớn vì công tác chuẩn bị kéo dài, khó khăn về bảo đảm hậu cần và ngay cả công tác tư tưởng cũng vấp phải những ý kiến chưa đồng thuận... Để thực hiện phương châm "đánh chắc, tiến chắc”, quân ta phải tổ chức lực lượng và thế trận vây hãm toàn bộ tập đoàn cứ điểm ĐBP nói chung và bao vây từng trung tâm đề kháng nói riêng của quân Pháp.

 

Sức mạnh tác chiến hợp đồng binh chủng

 

PGS-TS Thiếu tướng Vũ Quang Đạo nhận định, chiến dịch ĐBP là trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Lực lượng ta tham gia chiến dịch, bên cạnh các đại đoàn bộ binh (9 trung đoàn), có một đại đoàn công - pháo và một trung đoàn pháo cao xạ. So sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch ở chiến trường ĐBP, ta có ưu thế về bộ binh, lực lượng pháo binh ta và địch tương đương nhau. Tuy nhiên địch chiếm ưu thế tuyệt đối về xe tăng và máy bay. Thực hiện phương châm "đánh chắc, tiến chắc,” quân ta đã phát huy được sức mạnh tác chiến hiệp đồng binh chủng, chủ yếu giữa bộ binh, pháo binh và phòng không bắn phá chi viện, bảo vệ đội hình cho bộ binh.

 

Trong đợt 1 chiến dịch (13 đến 17-3-1954), ta đã tập trung được ưu thế binh hỏa lực, tiêu diệt được 3 cụm cứ điểm ngoại vi phía Bắc là Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo. Thắng lợi của ta trong đợt 1 chiến dịch đã thể hiện rõ sự hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ, tạo ưu thế binh hỏa lực hơn hẳn địch, dứt điểm từng cụm cứ điểm và có điều kiện chuẩn bị cho bước tiếp theo. Trong đợt 2 của chiến dịch, bộ đội ta chủ trương dùng lực lượng nhỏ, hoạt động rộng dưới các hình thức đánh lấn, phá hủy từng ụ đề kháng, kết hợp với tổ chức lực lượng bắn tỉa tiêu hao sinh lực địch. Cùng với đó, ta đánh chiếm sân bay, thắt chặt vòng vây, thu hẹp không phận, triệt tiếp tế đường không (con đường duy nhất), đánh vào "dạ dày” của đối phương, bao vây ngày càng áp sát địch, hạn chế uy lực không quân và pháo binh của chúng. Bước vào đợt 3 (1-5 đến 7-5-1954), trên cơ sở kết quả chiến đấu của hai đợt trước, quân ta tiếp tục đánh chiếm cụm cứ điểm cuối cùng của quân Pháp ở phía Đông, chuyển sang tổng công kích đánh chiếm toàn bộ tập đoàn cứ điểm ĐBP vào chiều 7-5.

 

17giờ 30 phút ngày 7-5-1954, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy tướng de castries. 

 

Điểm phát triển đặc sắc của nghệ thuật chiến dịch trong đợt 3 là xác định đúng thời cơ đánh đòn quyết định cuối cùng. Thời cơ đúng là khi phát hiện địch có dấu hiệu tháo chạy, lập tức ta hình thành lực lượng thọc sâu, tiến thẳng vào sở chỉ huy của đối phương, bắt tướng chỉ huy và Bộ Tham mưu của tập đoàn cứ điểm. Sau 56 ngày đêm chiến đấu, quân và dân ta đã giành toàn thắng trong trận quyết chiến chiến lược ĐBP.

Nguồn: Báo Yên Bái

Tin liên quan