Bạn đang ở đây

Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô: 5 nhiệm vụ trọng tâm

14/05/2020 08:26:34

Thực hiện nhiệm vụ “củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững” tại Nghị quyết 01/2020/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Công Thương đã cụ thể hóa thành 5 nhiệm vụ trọng tâm và quyết liệt thực hiện.

Thứ nhất, Bộ Công Thương đã thực hiện các biện pháp để duy trì cán cân thương mại tích cực, thúc đẩy XK chính ngạch, đặc biệt là XK nông sản.

cung co nen tang kinh te vi mo 5 nhiem vu trong tam
Gắn kết chặt chẽ sản xuất với phân phối

Ngay từ đầu năm, Bộ đã xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ chi tiết đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu (XNK). Theo đó, hàng loạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông thị trường XK, thúc đẩy XK chính ngạch, nhất là đối với XK nông sản qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã được Bộ Công Thương đề xuất và triển khai. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương liên quan đã vào cuộc kịp thời, giúp ổn định tình hình XK, nhờ đó 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch XK cả nước đạt khoảng 82,93 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Thứ hai, thực hiện các biện pháp phòng ngừa mất cân đối XK-NK thông qua khai thác, tận dụng các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để phát triển thị trường XK, tháo gỡ rào cản cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập các thị trường mới.

Để khai thác tối đa cơ hội XK vào Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ở thị trường này cơ bản được kiểm soát, Bộ Công Thương đang tiếp tục trao đổi với các cơ quan chức năng phía Trung Quốc, thống nhất các biện pháp tăng cường thúc đẩy giao thương. Đồng thời, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép mở lại các cửa khẩu phụ, lối mở trên toàn tuyến biên giới phía Bắc tiếp giáp với Trung Quốc để XK hàng hóa biên mậu.

Đối với thị trường châu Âu, Bắc Mỹ… Bộ Công Thương đã và đang tập trung theo dõi sát tình hình, rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa các nước đang có nhu cầu để thúc đẩy XK. Bên cạnh đó, tập trung thực hiện 2 nhóm giải pháp trọng tâm phát triển thị trường trong nước, đó là: Đảm bảo cân đối cung-cầu hàng hóa trong mọi tình huống; nghiên cứu, đề xuất phương án kích cầu thị trường trong nước trong thời gian trước mắt cũng như sau khi dịch Covid-19 kết thúc.

Thứ ba, tích cực hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền hoàn tất phê chuẩn Hiệp định EVFTA; thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới và nghiên cứu, xây dựng kịch bản phù hợp hướng tới tham gia các FTA mới.

Sau khi Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn EVFTA, để chuẩn bị cho phía Việt Nam phê chuẩn, Bộ Công Thương đã hoàn tất hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ từ tháng 2/2020. Hiện Bộ đã xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động thực thi EVFTA, trong đó xác định rõ mục tiêu và 5 nhiệm vụ chủ yếu: Tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường EU; xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức người lao động tại DN; chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, tập trung triển khai thực thi Hiệp định CPTPP theo chức năng, nhiệm vụ, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đại diện DN tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP.

Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, gắn kết thương mại điện tử (TMĐT) với thương mại truyền thống; xây dựng Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược phát triển thương mại.

Bộ Công Thương đã triển khai ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa có dán tem IDEA - Blockchain đối với một số mặt hàng nông sản để, đẩy mạnh XK; xây dựng các giải pháp cho hệ thống Sàn giao dịch logistics, nhằm tạo thuận lợi cho dịch vụ giao hàng gắn với TMĐT; hỗ trợ DN ngành Công Thương ứng dụng công nghệ số, hướng tới tăng năng suất, hiệu quả quản lý và đẩy mạnh hoạt động của DN…

Bộ Công Thương cũng đã xây dựng cổng kết nối sản phẩm XK với hệ thống bán hàng trực tuyến toàn cầu Amazon để hỗ trợ DN XK. Đồng thời, triển khai các chuỗi sự kiện, hội thảo, đào tạo… hỗ trợ bán hàng theo hướng phát triển và xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm, ngành hàng và triển khai gian hàng chung trên Amazon.com.

Thứ năm, thực hiện các giải pháp cân đối cung - cầu, gắn kết sản xuất với phân phối, tăng cường liên kết chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam...

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa thiết yếu trong mọi tình huống dịch bệnh. Trong đó, thường xuyên tổng hợp thông tin, tình hình diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa thiết yếu từ các địa phương, trên cơ sở đó kịp thời đề xuất giải pháp và chỉ đạo các Sở Công Thương địa phương, các DN thương mại lớn… đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa cho thị trường, nhất là tại các địa phương có dịch Covid-19 phức tạp như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Nhờ vậy, cung - cầu hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành… triển khai xây dựng Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản, nhằm ổn định thị trường đầu ra cho nông sản, bao gồm cả hoạt động XK.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan