Bạn đang ở đây

Cơ hội tăng tốc phát triển nền kinh tế số

30/10/2019 14:51:04

Nền kinh tế số tăng trưởng vượt bậc

Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực châu Á. Nền kinh tế số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu trong khu vực ASEAN với hơn 40%/năm (theo e-Conomy Southeast Asia, 2019). Chỉ số đổi mới toàn cầu của Việt Nam được xếp hạng 42/129 quốc gia (GII Report, 2019). Chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam tăng mạnh nhất thế giới, tăng 10 bậc, và được xếp hạng 67/141 nền kinh tế (theo WEF, 2019).

co hoi tang toc phat trien nen kinh te so

Các DN CNTT triển khai nhiều sản phẩm ứng dụng CNTT dựa trên nền tảng công nghệ mới

Đặc biệt, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nằm trong top 10 thành phố năng động nhất thế giới năm 2019 theo bảng xếp hạng City Momentum Index 2019 (CMI) của Jones Lang LaSalle (JLL). Sự kiện Viettel công bố triển khai thử nghiệm 5G thành công tại TP. Hồ Chí Minh trong tháng 9/2019 vừa qua cũng đánh cột mốc quan trọng, trở thành khu vực đầu tiên triển khai 5G tại Việt Nam. Bởi công nghệ 5G được cho là sẽ giúp cho hoạt động của thành phố trở nên năng động hơn trong tương lai, dẫn đầu cả nước trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.

Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long - Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung - với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ trên thế giới và lợi thế có gần 3.000 DN khởi nghiệp và tiếp tục tăng mỗi năm, Việt Nam đang có tỷ lệ các công ty khởi nghiệp cao thứ ba ở Đông Nam Á. Các công ty công nghệ của Việt Nam cũng đang bắt kịp xu hướng phát triển công nghệ mới của thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở hầu hết các lĩnh vực: dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI/ML), IoT, Blockchain), chuyển đổi số... Đây sẽ là cơ hội vàng để ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) của Việt Nam bứt phá, trở thành "Trung tâm đổi mới – Innovation Hub" hàng đầu tại Đông Nam Á.

Ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) - cho biết, việc triển khai các đề án xây dựng đô thị thông minh, thúc đẩy các chương trình khởi nghiệp sáng tạo, thành phố cũng đã xây dựng một chương trình 4 năm (2016- 2020) để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp hỗ trợ các DN vừa và nhỏ có năng lực cạnh tranh và hội nhập toàn cầu. Đây chính là lợi thế rất lớn cho Việt Nam, đặc biệt là cho các DN muốn triển khai sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ mới.

Triển khai ứng dụng CNTT trên nền tảng công nghệ mới và đầu tư cho nhân lực

Kinh tế số được hình thành, phát triển nhanh, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, xuyên quốc gia, dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet đang tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và dành sự quan tâm đầu tư các cơ sở hạ tầng quan trọng để phát triển công nghệ thông tin truyền thông; thúc đẩy thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ hiện đại phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng khoa học công nghệ.

Theo bà An Mei Chen - Giám đốc kỹ thuật cấp cao Tập đoàn Qualcomm - cho rằng, tốt nhất cần triển khai thông qua các đối tác địa phương. Sự thay đổi không ngừng của công nghệ trong nền kinh tế số đã và đang hình thành một thế giới thông minh, số hóa tất cả các dữ liệu thông tin và kết nối tất cả lại với nhau. Ứng dụng và phát triển CNTT góp phần giải phóng sức lực, nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy công cuộc đổi mới, hỗ trợ hiệu quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thời gian qua, Qualcomm đã hợp tác và cung cấp bằng sáng chế cho các DN Việt Nam như VinSmart, BKAV, Viettel, VNPT, Homatech, Samsung Vina… trong việc sản xuất các thiết bị sử dụng công nghệ của Qualcomm.

Bên cạnh đó, theo ông Mark Birch - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương Công ty Stack Overflow - các DN công nghệ Việt Nam phải tham gia vào cộng đồng các nhà phát triển lớn nhất thế giới. Cộng đồng này trên thế giới đang phát triển rất nhanh, dễ dàng tạo ra các kết quả lập trình mang lại giá trị cho cộng đồng trong việc sáng tạo. Cộng đồng các DN cần tập trung cho công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, có những nhà lãnh đạo công nghệ có kiến thức vững vàng để cùng nhau thúc đẩy nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng vào nền kinh tế số, có năng lực và tài chính, có kiến thức và sẵn sàng chia sẻ thông tin, có hệ sinh thái mở, tương tác với các tổ chức bên ngoài.

Nguồn: báo Công thương

Tin liên quan