Bạn đang ở đây

Cách mạng công nghiệp 4.0: Thêm cơ hội cho phụ nữ

12/03/2019 09:30:57

CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực và tác động vào mọi đối tượng, với phụ nữ, cuộc cách mạng này sẽ đem lại cơ hội như thế nào, thưa bà?

Đúng như bạn nói, CMCN 4.0 với intenert kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI)… đang tác động đến thế giới một cách toàn diện và sâu sắc. Đây là một thách thức, song cũng là cơ hội rất lớn đối với tất cả mọi người, đặc biệt là đối với phụ nữ.

Bởi CMCN 4.0 sẽ tạo ra một xã hội siêu thông minh, đòi hỏi một nguồn nhân lực với kỹ năng tin học tốt, đam mê sáng tạo... Cùng với đó, sự ra đời của nhiều công nghệ mới, robot thông minh sẽ giúp giải phóng phụ nữ khỏi rất nhiều công việc, trong đó có những công việc nội trợ, chăm sóc trẻ con. Họ sẽ có nhiều thời gian hơn cho việc học tập, phấn đấu và tìm kiếm những công việc theo đam mê của mình.

cach mang cong nghiep 40 them co hoi cho phu nu
Bà lê Thị Khánh Vân - Phó chủ tịch Hội nữ Trí thức Việt Nam - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ và Khởi nghiệp

CMCN 4.0 bên cạnh việc khiến cho nhiều người sẽ mất việc làm thì cũng tạo ra những cơ hội việc làm mới cho phụ nữ. Hiện tại, rất nhiều người phụ nữ chọn cách bán hàng online tại nhà thay vì đến công ty làm việc, họ vừa chủ động được thời gian, có thể làm được công việc nhà, chăm sóc con cái mà vẫn có thu nhập, làm chủ kinh tế không bị phụ thuộc và tự tin trong cuộc sống gia đình.

Với cương vị là Phó chủ tịch Hội nữ Trí thức Việt Nam, xin bà cho biết, nữ trí thức hiện nay đóng vai trò như thế nào trong đời sống xã hội? Hội đã có những hoạt động cụ thể gì để hỗ trợ các hội viên của mình, thưa bà?

Trong sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện đại hướng tới CMCN 4.0, đội ngũ tri thức, trong đó có phụ nữ, đóng vai trò quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Để đạt được mục tiêu đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển, cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đòi hỏi phải phát huy cao nhất mọi nguồn lực, tiềm năng, trí tuệ của dân tộc, đặc biệt là năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức, trong đó nữ trí thức đã và đang đóng một vị trí quan trọng.

Nữ trí thức là bộ phận tinh hoa của phụ nữ Việt Nam, hội tụ tất cả những phẩm chất tốt đẹp, đặc trưng của phụ nữ Việt Nam như chịu thương, chịu khó, cần cù, khéo léo, đảm đang và rất sáng tạo. Họ là những người được đào tạo có hệ thống, nghiêm túc, có trình độ, kiến thức sâu rộng về một lĩnh vực nào đó. Với tư cách là một nguồn lực lao động với chức năng “kép”, “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, nữ trí thức còn đóng vai trò phát triển thế hệ tương lai thông qua giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).

Theo thống kê của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nữ trí thức chiếm khoảng 42% tổng số trí thức của cả nước, phân bố khá đa dạng ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động trong đời sống xã hội. Trong đó, tập trung nhiều hơn ở các lĩnh vực: GD&ĐT với 64%; khoa học xã hội, nhân văn chiếm 58%; khoa học sự sống 55%... Bên cạnh đó, 43,3% nữ trí thức làm việc trong thành phần kinh tế nhà nước; 32% trong kinh tế cá thể… như thế để thấy rằng, vai trò của nữ trí thức rất quan trọng trong đời sống xã hội hiện nay.

Để tạo môi trường kết nối giữa các hội viên, thúc đẩy chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất kinh doanh, thời gian qua Hội có nhiều hoạt động hỗ trợ các nhà khoa học và doanh nhân nữ như ra đời Tạp chí Phụ nữ mới và thành lập Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ và Khởi nghiệp (COSTAS)

Tháng 5/2017, COSTAS đã thành lập Văn phòng giới thiệu sản phẩm KH&CN tại địa chỉ 42 Dương Khuê, Quận Cầu Giấy, Hà Nội. COSTAS đã giúp giới thiệu hơn 200 sản phẩm khoa học và công nghệ của các nhà khoa học nữ. Đến nay, COSTAS đã kết nối được gần 10 DN nhận công nghệ và đại lý phân phối các sản phẩm KH&CN của các nữ khoa học. Trung tâm cũng thường xuyên tổ chức các hội thảo chuyên đề về các công nghệ và sản phẩm của các nhà khoa học nữ để giới thiệu cho xã hội biết những kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất. Ngoài ra, còn giúp người tiêu dùng hiểu được sản phẩm một cách khoa học để họ trở thành người tiêu dùng thông minh.

Theo thống kê, hiện 73% phụ nữ tham gia thị trường lao động, đây là tỷ lệ khá cao, nhưng chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ vẫn là vấn đề khá lớn. Bà nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Đây là một thực tế đang diễn ra tại Việt Nam từ nhiều năm nay, giai đoạn 2009-2016, tiền lương bình quân của nữ luôn thấp hơn nam, mức chênh lệch tiền lương tương đương khoảng 30 USD, trên tổng mức lương chưa đạt 200 USD/tháng. Mặc dù, nếu so về hiệu quả công việc, phụ nữ không thua kém gì nam giới. Thậm chí, có những công việc, phụ nữ còn làm việc hiệu quả hơn, ví dụ như tư vấn, chăm sóc, tiếp cận khách hàng, hay những công việc đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì.

Vậy tại sao lại có sự đánh giá khác nhau về mức thu nhập, theo tôi một phần là do định kiến về giới, tình trạng phân biệt đối xử đối với phụ nữ vẫn phổ biến….Để khắc phục vấn đề này, xã hội cần có một nhìn nhận đúng đắn, khách quan hơn đối với nữ giới, từ đó nhận định đúng vai trò và những đóng góp của họ đối với xã hội hiện nay.

cach mang cong nghiep 40 them co hoi cho phu nu
73% phụ nữ Việt Nam tham gia thị trường lao động

Số DN do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam hiện vẫn còn hạn chế, đa số là những DN nhỏ và siêu nhỏ. Trong khi đó, Chính phủ đang đặt mục tiêu đến năm 2020 cả nước phải có khoảng 350.000 DN do nữ làm chủ. Để đạt được mục tiêu trên, theo bà chúng ta cần có những giải pháp gì để tạo cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp?

Hiện có 31% số DN tại Việt Nam do phụ nữ làm chủ, tỷ lệ này thuộc nhóm cao nhất khu vực Đông Nam Á. Song đúng như bạn nói, đa số những DN do phụ nữ làm chủ có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hạn chế về công nghệ, vốn, cơ hội tiếp cận thị trường. Những DN này chủ yếu tập trung hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, lợi nhuận thấp. Điều này khiến cho các chủ DN nữ không tự tin khi nói về triển vọng kinh doanh của mình, chỉ có 42,9% DN nữ cho rằng họ có khả năng mở rộng sản xuất kinh doanh, trong khi tỷ lệ này của các DN do nam giới làm chủ là 47,3%.

Trên thực tế, hiện có rất nhiều phụ nữ Việt Nam có khát vọng thành lập DN của riêng mình, đây là cơ sở quan trọng để chúng ta đạt được mục tiêu 350.000 DN nữ vào năm 2020. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho phụ nữ khởi nghiệp, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần có những chính sách hỗ trợ cho họ. Cụ thể, cần sớm sửa đổi các chính sách về quy hoạch, đề bạt cán bộ nữ theo hướng loại bỏ hình thức phân biệt giới tính và những đặc thù về vai trò giới. Thay đổi chính sách tuổi nghỉ hưu theo hướng linh hoạt, trong đó cho phép kéo dài thời gian đóng góp của nữ trí thức. Đồng thời, cần tiếp tục đổi mới, xây dựng chiến lược phát triển đội ngữ nữ trí thức cả về số lượng và chất lượng ở tất cả các ngành, lĩnh vực, tạo điều kiện phù hợp giới tính nhằm phát huy khả năng tiềm tàng của phụ nữ; tạo môi trường thuận lợi cho họ tự tin khởi nghiệp để đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội.

Xin cảm ơn bà!

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan