Bạn đang ở đây

Các bộ, ngành tăng cường phối hợp chống buôn lậu, giả mạo xuất xứ

23/08/2019 13:47:30

 

Description: http://yenbai.gov.vn/noidung/tintuc/PublishingImages/Tien-Lap/2019/khai%20thac/buonlau29.7.jpg

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc hàng hóa sản xuất nước ngoài nhưng gắn mác “Made in Vietnam” được nhập lậu qua biên giới đưa vào nội địa tiêu thụ, đánh lừa người tiêu dùng trong nước, Ban Chỉ đạo 389 đã xây dựng Kế hoạch tăng cường phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.

Mục đích kế hoạch được triển khai trong vòng 1 năm (từ 1/8/2019) nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam đánh lừa người tiêu dùng trong nước, lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba.

Kế hoạch này cũng được kỳ vọng bảo vệ sản xuất trong nước, uy tín, thương hiệu hàng Việt Nam, quyền lợi người tiêu dùng và góp phần chống thất thu thuế.

Kế hoạch này cũng sẽ chủ động tìm kẽ hở về cơ chế chính sách để kiến nghị cơ quan có thầm quyền sửa đổi bổ sung kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý.

Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc xuất, nhập cảnh, chốt chặn tại một số đường mòn trọng điểm nhằm ngăn chặn tình trạng mang vác vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam qua biên giới đảm bảo an ninh trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu; phối hợp với lực lượng Hải quan kiểm soát xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu, lối mở để kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng lợi dụng việc xuất, nhập khẩu để vận chuyển trái phép hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường đấu tranh, ngăn chặn xử lý nghiêm các hành vi tàng trữ, lưu thông, bày bán hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam trên thị trường ở khu vực biên giới.

Bộ Công an có nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các cấp phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, điều tra, phát hiện, ngăn chặn, triệt phá các đường dây, ổ nhóm sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.

Bộ Tài chính phải chỉ đạo lực lượng Hải quan tăng cường công tác thu thập, trao đổi thông tin, nắm chắc tình hình địa bàn để kiểm tra, kiểm soát, phát hiện các dấu hiệu nghi vấn, các hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, nhằm xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

Cần kiểm tra chặt chẽ việc khai báo mã HS cho mặt hàng nhập khẩu của doanh nghiệp, không để các đối tượng cố tình khai báo sai mã HS của nguyên liệu nhập khẩu để làm căn cứ xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu tại các đơn vị cấp C/O. Phải phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc thu thập, trao đổi, xác minh thông tin, tài liệu liên quan đến hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ.

Bộ cũng phải chỉ đạo ngành Thuế tích cực phối hợp, cung cấp thông tin cho các cơ quan có liên quan trong quá trình xác minh, điều tra, xử lý vụ việc; qua công tác quản lý thuế, phát hiện các tổ chức, cá nhân sử dụng hóa đơn có dấu hiệu bất thường, chủ động cung cấp thông tin cho các lực lượng chức năng để xác minh, xử lý kịp thời; kiên quyết không để các đối tượng lợi dụng hóa đơn quay vòng để hợp thức các loại hàng hóa nhập lậu, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp làm căn cứ xác định nguồn gốc nguyên vật liệu đầu vào trong nước để giả mạo nhãn mác, xuất xứ hàng Việt Nam.

Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tăng cường rà soát việc chấp hành pháp luật của các tô chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại biên giới, quản lý thương mại, thị trường trong nước, bảo vệ người tiêu dùng để kịp thời phát hiện, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam; rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản qui phạm pháp luật liên quan đến các qui định về hàng hóa xuất xứ Việt Nam cho phù hợp với tình hình thực tế.

Cục Xuất nhập khẩu kiểm tra chặt chẽ việc cấp C/O theo các hiệp định thương mại tự do, kịp thời cung cấp thông tin về các hiện tượng bất thường, các dấu hiệu nghi vấn để phối hợp với các lực lượng chức năng xác minh, kiểm tra, xử lý kịp thời.

Lực lượng Quản lý Thị trường phải phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa, ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyến hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam…

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với các cơ quan có liên quan khác, rà soát và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam; vận động các chủ sở hữu website và ứng dụng thương mại điện tử để thực hiện việc cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, trong đó có xuất xứ hàng hóa, tránh lợi dụng thương mại điện tử để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Kế hoạch cũng nêu các nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc chủ động tuyên truyền, Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát các quy định về nhãn mác…

Kế hoạch yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, chỉ đạo các lực lượng chức năng phối họp tốt với các cơ quan trung ương khi có yêu cầu.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phải chủ động nắm tình hình, tham mưu, đôn đốc các bộ, ngành địa phương triển khai có hiệu quả Kế hoạch này.

Đáng chú ý, Ban Chỉ đạo 389 cũng yêu cầu trong quá trình thực hiện Kế hoạch không gây tác động xấu đến thị trường, không làm ảnh hưởng, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường, đúng pháp luật của các tổ chức, cá nhân.

Mới đây, tại Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Cơ quan này cho biết, gần đây nổi lên tình trạng vận chuyển ma tuý, buôn bán hàng hoá sản xuất từ bên ngoài, hàng giả, hàng nhái, giả mạo xuất xứ, nhãn mác “Made in Vietnam” để gian lận thương mại, gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến uy tín DN Việt Nam và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Trong 6 tháng qua, các lực lượng đã phát hiện và xử lý 10.517 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.007 tỷ đồng, khởi tố hình sự 20 vụ; tổ chức thanh tra, kiểm tra 29.283 doanh nghiệp, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 4.819 tỷ đồng.

Theo Chinhphu.vn

Tin liên quan