Bạn đang ở đây

Tình hình sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2012, kế hoạch 6 tháng cuối năm 2012 và các giải pháp tháo gỡ

02/08/2012 10:54:40

Ngoài ra còn chịu ảnh hưởng do sự thay đổi một số chính sách của nhà nước liên quan đến một số ngành sản xuất và xuất khẩu chính của tỉnh như quy định mới về khai thác chế biến và xuất khẩu khoảng sản. Các DN thiếu vốn cho sản xuất, khó tiếp cận vốn vay, lãi suất quá cao; Thị trường tiêu thụ các sản phẩm lớn của tỉnh gặp khó khăn, tình hình thanh khoản tiền hàng rất chậm… kết quả đạt được 6 tháng đầu năm, cụ thể như sau:

Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2012 đạt 1.607 tỷ đồng, bằng 41,2% kế hoạch năm, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm chủ yếu sản lượng tăng khá so với cùng kỳ như: Felspat phong hóa tăng 178,7%; Đá bột tăng 14,7%; Gạch tăng 36,2%; Quặng sắt tăng 202,5%; Sứ công nghiệp tăng 13,5%;  Điện thương phẩm tăng 28,8%; Tinh dầu quế tăng 73,3%; Đũa gỗ xuất khẩu tăng 21,2%; Tinh bột sắn tăng 73,9%; chè chế biến tăng 17,8%; Giấy đế + vàng mã tăng 13,4% so cùng kỳ.

Tuy nhiên một số sản phẩm có tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh lại giảm mạnh: Xi măng bao đạt 388 ngàn tấn, giảm 20,6%; Clinke thương phẩm đạt 18.026 tấn, giảm 64,6% so với cùng kỳ…

Tình hình trên cho thấy 6 tháng đầu năm 2012 sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì được tốc độ tăng so với năm trước, nhưng tăng chậm hơn cùng kỳ và đạt kế hoạch thấp, nguyên nhân là do tình trạng khó khăn chung dẫn đến một số sản phẩm chủ yếu 6 tháng đầu năm đạt thấp so với kế hoạch năm như: quặng sắt đạt 16,5%; kaolin tinh lọc đạt 20,8%; chè chế biến đạt 29,3% kế hoạch; gỗ xẻ xây dựng cơ bản đạt 39,8%; xi măng+clinke đạt 33,9%; điện thương phẩm đạt 30%; đá bột + đá hạt đạt 36,4%; felspat bột đạt 32,7%…

Dự báo trong thời gian tới các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp  tiếp tục gặp những khó khăn trong sản xuất kinh doanh chưa thể giải quyết trong thời hạn ngắn: Chi phí đầu vào tăng cao: hầu hết các loại nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất đều tăng, lãi suất vốn vay cao cho các khoản vay từ tháng 5/2012 về trước và mức trần 15% từ tháng 6 vẫn còn khá cao. Tình trạng thiếu vốn cho sản xuất và đầu tư, vay vốn của các tổ chức tín dụng gặp khó khăn... Ngoài ra, do tình hình thanh toán công nợ rất chậm gây ra tình trạng căng thẳng về vốn trong khi thị trường tiêu thụ bị thu hẹp. Ngoài những khó khăn chung trên các nhóm doanh nghiệp của tỉnh còn gặp những khó khăn riêng cụ thể như sau:

  Nhóm khai thác chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng:  gặp khó khăn trong thực hiện các thủ tục gia hạn và cấp phép khai thác mới các mỏ. Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tạm dừng xuất khẩu một số khoáng sản, một số doanh nghiệp đang thực hiện xây dựng dự án phải dừng đầu tư, thị trường bị thu hẹp; Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, vốn đầu tư xây dựng giảm mạnh, tiêu thụ vật liệu xây dựng như xi măng, gạch, vật liệu xây dựng thông thường chững lại.

Nhóm sản xuất chế biến lâm nông sản thực phẩm: Các ngân hàng thắt chặt tăng trưởng tín dụng, DN thiếu vốn cho sản xuất và đầu tư các dự án, thiếu vốn lưu động để thu mua nguyên liệu nông lâm sản tới kỳ thu hoạch, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, hoặc dừng sản xuất. Thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, một số sản phẩm chủ yếu xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, giá bán thấp, chịu nhiều rủi ro.

Nhóm phát điện và đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp: Các nhà máy thủy điện nhỏ đã hoàn thành đi vào hoạt động gặp khó khăn do thời tiết thất thường, tình trạng khô hạn thiếu nước, không phát huy được công suất; giá mua điện còn thấp và chậm được thanh toán; Các dự án đầu tư chậm hợp đồng được vốn vay, trong khi năng lực có hạn, nên chậm tiến độ…

Với mục tiêu phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt 3.900 tỷ đồng, nhiệm vụ còn lại của 6 tháng cuối năm là rất nặng nề (2.293 tỷ đồng). Vì vậy để sản xuất công nghiệp của tỉnh vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2012, Sở Công Thương nhận định một số thuận lợi: 

Hiện nay lãi suất cho vay đã được quy định trần lãi suất 15%, và hiện đang giảm thấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; Chính Phủ đã ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 về hỗ trợ DN. Về khai thác chế biến khoáng sản, UBND tỉnh đã có quyết định số 22/2012/QĐ-UBND ngày 28/6/2012 quy định quản lý hoạt động KS trên địa bàn.

 Để nắm bắt thời cơ vượt qua khó khăn, từng bước cơ cấu lại các doanh nghiệp, đề nghị các doanh nghiệp, các cơ quan đơn vị liên quan tập trung thực hiện số nội dung như sau:

- Với các doanh nghiệp: Để tồn tại đứng vững và phát triển đòi hỏi các doanh nghiệp phải cơ cấu lại sản xuất cho phù hợp, xây dựng chiến lược kinh doanh, tạo lập thương hiệu, mở rộng thị trường, huy động được các nguồn vốn để ổn định phát triển sản xuất. Chuẩn bị tốt hồ sơ tài liệu và các điều kiện để tiếp nhận các nguồn hỗ trợ từ chính sách của nhà nước mang lại; Chứng minh được khả năng phát triển để  tiếp cận vay được vốn của các tổ chức tín dụng.

- Với các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị có liên quan:

Tập trung làm tốt thủ tục hành chính để các doanh nghiệp sớm đi vào sản xuất kinh doanh nhất là thủ tục cấp mới và gia hạn mỏ, cấp đất, cấp điện. Làm tốt công tác quản lý thị trường ngăn chăn việc khai thác lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, sản xuất hàng kém chất lượng. Tỉnh tiếp tục xây dựng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh trong năm 2012; Bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách theo hướng tăng thêm cho công tác khuyến công, xúc tiến thương mại để  hỗ trợ đầu tư các cụm công nghiệp.

 Triển khai nhanh thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ: phân loại các đối tượng được hưởng chính sách, chỉ đạo ngân hàng thương mại giảm lãi suất, thực hiện trần lãi suất 15% cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Cơ quan thuế, tài chính nhanh chóng triển khai phân loại doanh nghiệp, tiến hành giãn hoãn giảm thuế cho DN.

Đề nghị UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ cho phép được xuất khẩu đá hạt, đá Block; tinh quặng sắt, chì kẽm trong thời gian nhất định; Đồng thời có giải pháp để các doanh nghiệp trong tỉnh tiêu thụ được sản phẩm Xi măng, VLXD theo hướng vận động các doanh nghiệp xây dựng đang thi công các công trình trên địa bàn tỉnh tiêu thụ và sử dụng xi măng, vật liệu xây dựng của DN tỉnh Yên Bái. Có kế hoạch giải ngân sớm các nguồn vốn đầu tư bổ xung để giảm bớt căng thẳng về vốn cho DN;

 Thực hiện tốt Kết luận số 11 của Tỉnh ủy về rà soát sắp xếp lại các cơ sở sản xuất chế biến chè gắn với vùng nguyên liệu. Ngăn chặn sản xuất chè không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy chế biến ván MDF, ván ghép thanh, ván dán ép, bột giấy đã được cấp phép;  Rà soát và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng để phát điện sớm nhất các công trình thủy điện Văn Chấn, Ngòi Hút II, Trạm Tấu, Khao Mang, Chế tạo...

Nguồn: Phòng QLCN

Tin liên quan