Bạn đang ở đây

Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hoá, dịch vụ, bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán

10/09/2011 15:29:11
Chỉ thị nêu rõ: Từ đầu năm 2010, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tác động trực tiếp đối với thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, song nhờ có sự chỉ đạo tập trung quyết liệt, sự đồng thuận, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, kinh tế của tỉnh có bước phát triển khá và tương đối toàn diện; văn hoá xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; hệ thống chính trị được tăng cường củng cố. Tuy nhiên, Dự báo trong thời gian tới các nguy cơ về lạm phát, giá cả biến động thất thường, tình hình thời tiết, dịch bệnh trên người và vật nuôi diễn biến phức tạp; thị trường hàng hóa sôi động trong những tháng cuối năm và trong dịp Tết Nguyên đán năm 2011, sức mua tăng cao gây áp lực tăng giá trên thị trường trong nước, nhất là đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán .
 
Để hoàn thành kế hoạch năm 2010 và triển khai thực hiện tốt kế hoạch nhà nước năm 2011 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm kế hoạch, và thực hiện Chỉ thị số 2164/CT-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hoá, dịch vụ, bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão và quý I năm 2011. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
 
Các sở, ngành và các địa phương chủ động tập trung các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo hoàn thành tốt kết thúc nhiệm vụ năm 2010, đồng thời, triển khai ngay việc thực hiện nhiệm vụ năm 2011 ngay sau khi có quyết định giao kế hoạch năm 2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ và Uỷ ban nhân dân tỉnh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là tiết kiệm chi tiêu công, mua sắm hàng hoá, dịch vụ từ nguồn ngân sách nhà nước, hạn chế và triệt để tiết kiệm chi tiêu trong việc tổ chức hội nghị, tổng kết, gặp mặt cuối năm.
 
Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính rà soát, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh vốn thanh toán đối với dự án, công trình không đảm bảo tiến độ cho các công trình đã hoàn thành, đồng thời phối hợp với các sở chuyên ngành đầu tư xây dựng, các địa phương liên quan khẩn trương xử lý các vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng, nghiệm thu để thực hiện giải ngân nhanh các nguồn vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, vốn vay hỗ trợ ODA và các nguồn vốn khác.
 
Sở Công Thương chủ động, chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp để cân đối nguồn hàng, thường xuyên theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán; kịp thời có biện pháp bình ổn giá cả không để xảy ra khan hiếm hàng hoá, sốt giá, nhất là không để xảy ra thiếu lương thực và hàng hoá phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như: Xăng dầu, phân bón, xi măng, sắt thép xây dựng, khí hoá lỏng (gas), sữa, dầu ăn, thuốc phòng chữa bệnh cho người và gia súc, gia cầm, lương thực, thực phẩm, dịch vụ vận tải, ăn uống; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá hàng hoá trái quy định của Nhà nước, các trường hợp cung cấp thông tin không chính xác về giá cả mặt hàng. Chỉ đạo các doanh nghiệp đảm bảo sản xuất, thực hiện cung ứng các mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng chính sách phải bảo đảm cung ứng đủ, thường xuyên và đến vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ đạo Chi cục quản lý thị trường phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đảm bảo hàng hoá lưu thông thông suốt, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân; kiên quyết xử lý đối với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận trong đo lường, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, nhất là pháo nổ, đèn trời, hàng không đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời chỉ đạo triển khai thực hiện một cách có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như: Tổ chức các Hội chợ triển lãm, các phiên chợ hàng Việt Nam, các đợt bán hàng khuyến mại hàng Việt Nam, nâng cao tỷ trọng hàng Việt Nam trong các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh.
 
Sở Tài chính phối hợp với Sở Công Thương và các địa phương theo dõi sát tình hình giá cả, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của nhân dân trong dịp Tết; kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quy định về niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, thu phí dịch vụ, ngăn chặn, xử lý đối với các hành vi tăng giá, kiếm lời bất chính, nhất là các mặt hàng phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán, các mặt hàng chính sách phục vụ vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn và các mặt hàng dinh dưỡng cho trẻ em.
 
Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh vận tải chuẩn bị các phương tiện có chất lượng tốt, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kĩ thuật để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và lưu thông hàng hoá trước, trong và sau Tết; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận tải hành khách đường bộ, đường thuỷ, nhất là về điều kiện an toàn kỹ thuật, chất lượng phục vụ, không để xảy ra ách tắc giao thông, tăng giá cước vận tải trong dịp Tết, kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu tai nạn giao thông và chuẩn bị lực lượng cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu kịp thời các trường hợp tai nạn.
 
Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các cơ quan báo chí, đài Phát thanh và truyền hình tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh để các tổ chức, doanh nghiệp và toàn dân hiểu rõ và đồng thuận với các chủ trương về thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, kiểm soát giá cả, thị trường, ngăn ngừa các thông tin gây tác động xấu đến sản xuất kinh doanh và tâm lý người tiêu dùng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Có kế hoạch tăng thời lượng, xây dựng các chương trình chuyên trang, tin, bài các hoạt động vui xuân, phục vụ nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh.
 
Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, duy trì ổn định sản xuất, bình ổn thị trường và phục vụ Tết Nguyên đán Tân Mão trên địa bàn; phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng của tỉnh thực hiện tốt các chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình thị trường, giá cả về Sở Công thương để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.
 
Các cơ quan, đoàn thể, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị và các doanh nghiệp trong tỉnh cần có kế hoạch đảm bảo công tác và sản xuất kinh doanh trước và sau Tết Nguyên đán, tổ chức Tết trồng cây và trồng rừng vụ xuân (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có kế hoạch hướng dẫn cụ thể); tổ chức các hoạt động vui xuân bổ ích, thăm hỏi, động viên các đối tượng, gia đình chính sách trong dịp Tết đồng bào Mông và Tết Nguyên đán, không để có hộ bị thiếu đói, đảm bảo mọi gia đình đều có Tết (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành liên quan chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện).
            
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh cần có kế hoạch phối hợp các lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trước, trong và sau Tết (Đặc biệt là an toàn giao thông và pháo nổ). Kiên quyết không để có biến động phức tạp xảy ra; chủ động đối phó kịp thời, có hiệu quả với mọi tình huống.
 
Ban tổ chức những ngày lễ lớn của tỉnh cần sớm có kế hoạch chỉ đạo và tổ chức các hoạt động vui xuân, lễ hội thiết thực theo quy định.
 
Tết Nguyên đán Tân Mão 2011, là Tết mừng Đảng, mừng Xuân, đặc biệt là mừng thành công của Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI, mở ra giai đoạn mới cho sự phát triển đi lên của đất nước. Thực hiện Tết Nguyên đán đón xuân mới 2011 là Tết thực sự vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, đổi mới và phát triển./.
 
(Nguồn: Chỉ thị số: 24/CT-UBND)

Tin liên quan