Bạn đang ở đây

Thuận lợi hóa thương mại: Đòn bẩy thúc đẩy xuất nhập khẩu

03/05/2018 08:32:47

Thị trường và kim ngạch XNK tăng trưởng ấn tượng

Báo cáo XNK Việt Nam 2017 do Bộ Công Thương công bố cho thấy, kết thúc năm 2017, kim ngạch XNK với hơn 200 thị trường đối tác thương mại của Việt Nam đều có mức tăng trưởng ấn tượng, trong đó có 28 thị trường XK và 23 thị trường NK đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, mang lại tổng kim ngạch XNK trên 425 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng rất cao, lên tới 21%.Đạt được kết quả trên là nỗ lực của cộng đồng DN, sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và nỗ lực triển khai kịp thời các biện pháp nhằm thúc đẩy XK, quản lý NK của các bộ, ngành.

Cụ thể, tổng kim ngạch XNK của Việt Nam với các nước khu vực châu Á đạt 283,6 tỷ USD, tăng 25,97% so với năm 2016. Trong đó, XK đạt 112,78 tỷ USD, tăng 32% và NK đạt 170,8 tỷ USD, tăng 22,3%. Trong khu vực này, thị trường Đông Bắc Á chiếm tỷ trọng lớn nhất (trên 75%), tiếp đến là thị trường ASEAN, chiếm 17,5%. Hai thị trường Tây Á và Nam Á chiếm tỷ trọng tương đối thấp, lần lượt là 4% và 3,3%.

Riêng thị trường Trung Quốc, năm 2017, Việt Nam đã XK lượng hàng hóa trị giá 35,46 tỷ USD, tăng 61,49% và NK đạt 58,22 tỷ USD, tăng 16,41% so với năm 2016. Kết quả này góp phần giảm đáng kể nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc, trong khi quy mô thương mại ngày càng được mở rộng.

Còn tại thị trường châu Âu, Bộ Công Thương cho biết, năm qua, kim ngạch XNK Việt Nam và châu Âu cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng 12,6%, tương ứng với 55,5 tỷ USD, trong đó XK đạt 41,1 tỷ USD (tăng 12,6%) và NK đạt 14,3 tỷ USD (tăng 10%)... Trong khi ở thị trường châu Mỹ - thị trường XNK đặc biệt quan trọng với sự phát triển kinh tế của Việt Nam - quan hệ ngoại thương với 35 quốc gia tại khu vực này tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng tổng kim ngạch XNK ở mức 6,9% với con số tuyệt đối là 65,84 tỷ USD.

“Tình hình XNK với thị trường khu vực châu Đại Dương đạt tốc độ tăng trưởng khá, ở mức 22,7%, tương ứng 7,4 tỷ USD” - Báo cáo XNK 2017 cho biết và đánh giá - khu vực thị trường châu Phi, dù có tới 55 quốc gia, là thị trường có nhiều tiềm năng, tuy nhiên quan hệ ngoại thương của Việt Nam với các quốc gia khu vực này còn hạn chế.

Nỗ lực tạo thuận lợi

Kết quả tăng trưởng kim ngạch XNK giữa Việt Nam và các đối tác thương mại năm 2017 tăng trưởng khá là nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tạo thuận lợi thương mại, từ cải cách thủ tục hành chính; cải thiện môi trường, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh; triển khai Cơ chế một cửa Quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành” - Báo cáo XNK 2017 đánh giá và nhấn mạnh, trong đó, việc thực hiện có hiệu quả Chiến lược XNK hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến 2030, các Chương trình Thương hiệu quốc gia, xúc tiến thương mại quốc gia; công tác đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện các Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương… cũng là những nhân tố có đóng góp quan trọng.

Theo đó, trong năm 2017, các bộ, ngành đã tích cực triển khai các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, trong đó, riêng trong các lĩnh vực của ngành Công Thương, đã có nhiều biện pháp được triển khai, như: Rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện, chỉnh sửa các văn bản liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.

“Bộ Công Thương đã rà soát, đơn giản hóa 183 thủ tục hành chính; cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh, chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh trong 16 ngành, nghề” - Báo cáo nêu và bổ sung, Bộ cũng đã triển khai 47 dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực XNK ở cấp độ 3 và 4 với 852.597 bộ hồ sơ, đạt 97% tổng số hồ sơ XNK được xử lý trực tuyến.

Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan đã phối hợp triển khai đưa các thủ tục hành chính của Bộ áp dụng Cơ chế một cửa Quốc gia với việc xây dựng và đưa vào hoạt động 5 thủ tục hành chính đạt hiệu quả tốt.

Trong công tác kiểm tra chuyên ngành, Bộ đã ban hành Danh mục sản phẩm hàng hóa NK phải kiểm tra, đồng thời, xóa bỏ khoảng 420 mã hàng hóa, còn khoảng 300 mã, đạt tỷ lệ xóa bỏ lên tới 58,3% mặt hàng phải kiểm tra trước thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ.

Cùng với đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực XNK đã được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, trong đó nổi bật là Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 ngày 12/6/2017 với điểm mới là điều chỉnh bao quát các công cụ quản lý ngoại thương, hướng tới mục tiêu ổn định, minh bạch, thống nhất, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời đảm bảo hoạt động quản lý nhà nước về ngoại thương thuận lợi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Báo cáo XNK 2017 cũng nhấn mạnh, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế mà nổi bật là việc tham gia tích cực vào các thiết chế, thỏa thuận, cam kết quốc tế về tự do hóa thương mại và đầu tư; thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh và dịch vụ; tăng cường hợp tác kinh tế, kỹ thuật; tiếp tục thực hiện các nỗ lực chung hướng tới Khu vực Thương mại Tự do châu Á - Thái Bình Dương... được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực cũng là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển XNK của nước ta.

Đặc biệt năm 2017, Bộ Công Thương đã chủ trì hoặc phối hợp tổ chức tốt công tác tuyên truyền về Quy tắc xuất xứ, Tự chứng nhận xuất xứ, các thỏa thuận thương mại quốc tế mà Việt Nam tham gia, tập trung vào các ngành hàng XK chủ đạo của Việt Nam; giúp các DN cập nhật thông tin về quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, quá trình tham gia và thực hiện các FTA của Việt Nam; nắm vững các kiến thức cơ bản về quy tắc xuất xứ ưu đãi và không ưu đãi để từ đó vận dụng phù hợp vào quá trình XNK hàng hóa hiệu quả.

Theo: Báo Công Thương

Tin liên quan